Những công trình mang đậm dấu ấn
Trước năm 1997, khi nói đến Đà Nẵng, nhiều người nhớ đó là thành phố loại 2 trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nằm khiêm tốn 2 bên bờ Sông Hàn. Nếu so với TP HCM hay Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ về mọi mặt, từ quy mô địa lý, dân số cho đến cơ sở hạ tầng.
Ngày ông Thanh rời ngành nông nghiệp, làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khi chia tách tỉnh, mỗi năm ngân sách Trung ương rót về rất ít. Từ khó khăn vì kinh phí hạn hẹp, ông Thanh thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Công trình đột phá đầu tiên là dự án Vệt đường Bạch Đằng Đông với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng được khởi công vào năm 1997. Để triển khai dự án này, hàng nghìn hộ dân phải giải toả, di dời với vô vàn vấn đề phức tạp nên lúc bấy giờ có những ý kiến hoài nghi về tính khả thi của dự án.
Cầu Rồng - một trong những công trình mang đậm dấu ấn ông Nguyễn Bá Thanh
Rồi ông Thanh xuống tận cơ sở thuyết phục người dân nhường đất cho đơn vị thi công và không bao lâu sau, hơn 600 hộ sinh sống tại nhà chồ có nơi ở mới trên đất liền.
Bà con nhà chồ giờ hầu hết đã có nhà riêng trong các khu dân cư được quy hoạch sạch sẽ, khang trang, cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, điện sinh hoạt, cấp thoát nước… được hoàn chỉnh.
Từ thành công trên, ông Thanh tiếp tục phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay sông Hàn vào 2/9/1998. Đây là cách làm độc đáo, quyết đoán mang tính đột phá hợp thời hợp lúc của ông ông Nguyễn Bá Thanh trên cương vị là Chủ tịch TP.
Nếu như các cây cầu được xây dựng sau này chủ yếu từ nguồn ngân sách thì kinh phí xây cầu sông Hàn gần 100 tỷ đồng phần lớn do nhân dân đóng góp. Sau gần 2 năm thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngày 29/3/2000, cầu quay sông Hàn được khánh thành trong niềm vui của người dân Đà Nẵng.
Trong vòng 15 năm trên cương vị là Chủ tịch và Bí thư Đà Nẵng, ông Thanh đã góp phần xây 10 cây cầu qua sông như Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn… Từ những cây cầu này mà các khu nhà chồ lụp xụp dọc bờ sông Hàn năm xưa đã nhường chỗ cho những tuyến đường rất đẹp, sạch sẽ.
Quận Sơn Trà thay da đổi thịt, cùng với quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn… làm nên một diện mạo hoàn toàn mới cho Đà Nẵng.
Chính sách "5 không, 3 có" nổi tiếng
Vào năm 2003, khi được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Thanh lại bắt tay vào công cuộc lột xác cho Đà Nẵng bằng chiến dịch "5 không": Không hộ đói, mù chữ, lang thang xin ăn, ma tuý, giết người cướp của. Năm năm sau, khi "5 không" hoàn thành, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện "3 có": Nhà ở, việc làm và lối sống văn minh đô thị.
Dù rất nghiêm khắc trong công việc nhưng đối với nhân dân ông Thanh là người hòa đồng và dễ gần. Trong ảnh: Ông Thanh bắt tay các cụ già khi tham quan vườn hoa Bạch Đằng năm mới 2013
Để có được thành công trên, ông Thanh phải thường xuyên xuống gặp trực tiếp người dân để ghi nhận những bức xúc của họ, từ đó yêu cầu lãnh đạo địa phương xử lý. Sau khi tuyên bố "nói là làm, không có chuyện chạy làng", ông Thanh hứa sẽ tăng phụ cấp cho người nghèo, bố trí việc làm cho bệnh nhân phong ở làng phong Hòa Vân vừa được chuyển vào nơi ở mới trên đất liền.
Khi nghe dân nghèo kêu không có tiền chữa bệnh, lập tức ông Thanh kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để xây lên Bệnh viện Ung thư với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây cũng là bệnh viện duy nhất điều trị miễn phí cho bệnh nhân khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Ông Thanh cũng rất ghét những lãnh đạo ngồi bàn giấy. Thế mới có chuyện, khi còn làm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng, ở hầu hết các kỳ họp, nhiều giám đốc sở bị ông Thanh “soi” đến toát mồ hôi.
Nhiều người bật khóc trong lễ tang ông Thanh
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào tháng 7/2012, khi ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thông báo, Đà Nẵng nằm trong top 20 thành phố "sạch nhất thế giới", thì lập tức bị ông Thanh nói: "Chắc mấy ổng không đi vào cái chỗ mà hôm trước tôi với anh Huy (ông Trần Văn Huy, Bí thư quận uỷ Thanh Khê) lội vô ở gần ven sân bay. Mấy ổng tới đó chắc không chấm điểm Đà Nẵng đâu. Đô thị chi rứa mà là đô thị, ăn ở mất vệ sinh, rác vất tùm lum ra như thế".
Cũng tại cuộc họp này, ông Thanh "truy tận gốc, bắt tận ngọn" vị Giám đốc Sở Xây dựng đến mức ông này không nói nên lời.
"Mình là cơ quan chuyên môn, cơ quan tham mưu thì phải sâu hơn lãnh đạo. Nhiều lúc lãnh đạo TP lại sát hơn giám đốc sở. Cứ làm lộn ngược đầu như thế nên công việc ách tắc là phải. Mình phải chịu khó đi mới quán xuyến được công việc và đi thẳng vô câu người ta hỏi. Phải nắm được gốc của vấn đề để biết cách xử lý và trả lời cho dân, chứ đừng 'phỉnh' người ta, nói theo kiểu cho... uống thuốc an thần!", ông Thanh nói tại kỳ họp HĐND Đà Nẵng vào tháng 7/2012.