Thực hư viên công an nhảy cầu tự vẫn vì thua bạc

3h đêm, Hải nhắn tin về cho vợ, đồng thời thông báo với bạn bè cùng chung nội dung là Hải nhảy sông tự vẫn, mọi người ra cầu Đuống mang dép, điện thoại về giúp.

Khi mọi người chạy ra thì chỉ thấy đôi dép, điện thoại và chiếc xe trên cầu còn người thì biến mất dạng. Hơn hai ngày tìm kiếm không thấy xác, mọi người đều đặt câu hỏi, có phải Hải nhảy sông tự vẫn thật hay chỉ là kịch bản đã được dàn dựng từ trước đó.

Thua bạc nhảy sông tự vẫn?

Vụ việc trên xảy ra vào 3h sáng ngày 21/4, “nạn nhân” là Đinh Gia Hải, sinh năm 1986, trú tại đường Hà Huy Tập, xã Yên Viên (Gia Lâm-Hà Nội).

Ngay sau đó người nhà đã thuê 2 chiếc thuyền để giăng câu, tìm kiếm thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, do mực nước sâu và chảy khá mạnh nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Cho đến hôm nay thì thi thể của nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

Theo thông tin chúng tôi được biết thì Hải đang là cán bộ của phòng cảnh sát phòng cháy-chữa cháy của một đơn vị công an đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm.  Hải đã lấy vợ gần 4 năm nay có hai đứa con trai, 1 đứa 3 tuổi và một đứa hơn 1 tuổi. Kinh tế thì gia đình cũng thuộc loại khá giả. Hải và vợ đang ở cùng bố mẹ ở ngôi nhà 4 tầng trên đường Hà Huy Tập thuộc thị trấn Yên Viên. Trước kia, gia đình Hải làm nghề buôn bán đồ điện tử nhưng mấy năm nay thì nghỉ việc kinh doanh. Bố Hải là ông Đinh Gia Khôi, không phải là Phó chủ tịch xã Yên Viên như một số trang báo điện tử đưa tin trước đó.

Thông tin Hải tự vẫn có nhiều ý kiến đưa ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Người dân ở đây cho rằng, Hải ham mê cờ bạc, vừa qua có tham gia cá độ bóng đá và thua tiền cá cược lên tới 700 triệu đồng. Do con nợ thúc ép, lại không có tiền trả nên Hải bức quá mới tự vẫn. Tuy nhiên, cũng có thông tin khác là do có vấn đề trong nội bộ gia đình, công việc nên mới dẫn đến bi kịch trên. Nhưng phần lớn mọi người đều khẳng định nguyên nhân Hải nợ nần do cá độ? Còn việc Hải có nhảy xuống sông hay không thì cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!

Cầu Đuống nơi cho rằng Hải đã tự vẫn

Chỉ là kịch bản?

Sau khi nghe tin Hải tự vẫn ở cầu Đuống rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tụ tập để chứng kiến việc tìm kiếm xác nạn nhân. Tuy nhiên, sau 1 ngày tích cực tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy thi thể của Hải. Đến hết ngày 22/4, thì gia đình của nạn nhân cũng chấm dứt cuộc tìm kiếm thay vào đó là mời thầy về nhà làm lễ.

Việc không tìm thấy xác của Hải, cho dù các thuyền câu đã vét khắp đáy sông khiến nhiều người đặt ra nghi vấn. Xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, nhiều người nghi ngờ rằng, Hải nhảy sông tự vẫn chỉ là một kịch bản dựng sẵn?.

Thứ nhất, họ cho rằng nếu Hải có ý định gieo mình xuống sông tự tử thì Hải sẽ không báo cho bạn bè, vợ con ra cầu lấy đồ đạc. Bởi, một người đã có ý định nhảy sông kết liễu đời mình thì còn tiếc gì đôi dép, cái điện thoại? Hơn nữa, những đồ vật này còn được để gọn gẽ trên mặt cầu chờ người ra lấy. Một người khi sắp tự tử vẫn gọn gàng, chu đáo và vẫn nghĩ được như thế thì cũng khó ai mà tin là sẽ gieo mình xuống sông.

Thứ hai, là gia đình Hải chỉ thuê thuyền câu tìm kiếm trong một thời gian ngắn sau đó rút hết về nhà cúng lễ mà im ắng lạ thường như không có chuyện gì xảy ra. Việc này hoàn toàn không đúng với tâm lý của một gia đình có biến. Hơn nữa cũng không tiếp xúc và cung cấp thông tin rõ ràng cho báo chí. Có chuyện gì trong sự việc này chăng?

Tiếp theo nữa, Hải đang là cán bộ công tác trong ngành Công an, có vợ đẹp, hai đứa con ngoan không thể dễ dàng trẫm mình xuống sông chết một cách khó chấp nhận như thế. Ông T. một người cắt tóc gần gia đình “nạn nhân” nói: “Một người có công việc đàng hoàng, gia đình khá giả cứ cho rằng thua cá độ nợ vài trăm triệu đồng cũng không có lý do gì lại nhảy sông chết một cách đột ngột”. Nhiều người dân sống quanh đây còn cho biết, việc Hải thua cá độ, cờ bạc không phải là lần đầu tiên. Mà không ít lần, gia đình của Hải đã đứng ra trả thay cho Hải món nợ này.

Một người bán nước gần nhà Hải cũng nhận định: “Nhà ông ấy (ông Khôi bố Hải-PV) thiếu gì tiền, ông ấy cũng có hàng nghìn mét đất. Trong phố cũng có một cái nhà bỏ hoang không ở, nếu chỉ nợ mấy trăm triệu đồng thì không bao giờ anh Hải lại nhảy sông tự vẫn cả. Vì chỉ bán một mảnh đất cũng đủ tiền trả nợ. Mà nếu nhảy sông thật thì sao không tìm thấy xác?”. Những nghi vấn trên rất có thể xảy ra, vì khi được hỏi mọi người sống ở khu vực cầu Đuống đều không hay biết chuyện có người tự vẫn. Chỉ khi gia đình Hải tập trung thuê thuyền vớt xác thì mọi người mới nửa tin, nửa ngờ. Những thuyền hút cát ngay chân cầu Đuống cũng khẳng định là không thấy hiện tượng gì trong đêm 21/4. Việc Hải chọn thời điểm 3 giờ sáng để nhảy sông tự tử cũng nảy sinh nhiều nghi hoặc. Thời điểm ấy, thưa vắng người qua lại nhưng cũng không ai có thể khẳng định có người nhảy sông được. Nên việc Hải có nhảy sông tự vẫn hay không vẫn là một bí ẩn.

Vậy, nếu đó chỉ là kịch bản thì mục đích của việc tung tin mình tự vẫn là gì?.

Giả thiết được đưa ra là có thể trong khi quẫn bách vì nợ nần thúc ép, Hải chỉ vạch ra kịch bản nhảy sông để kéo dài thời gian chăng? Chết là hết, không ai còn đòi được nợ nần nhất là khoản nợ hình thành do cờ bạc mà có. Hơn nữa, để tránh chủ nợ dùng các thủ đoạn để đòi tiền thì tốt nhất là tránh mặt đi nơi khác một thời gian. Khi có tiền trả nợ thì ung dung trở về cũng là thượng sách. Cho đến nay, rất nhiều người tin tuyệt đối vào giả thiết này.

Cũng có ý kiến nói, Hải nhảy sông có lẽ là thật. Vì không một ai trực tiếp chứng kiến nên cũng không dám khẳng định mà chỉ suy đoán như vậy. Nước sông Đuống chảy mạnh nên xác nạn nhân đã trôi khá xa. Việc tìm kiếm quanh đó vài chục mét thì không thể câu được xác. Quanh khu vực này, hoạt động khai thác cát cũng diễn ra thường xuyên nên nếu vớt bằng móc câu cũng khó. Chờ vài ngày khi xác nổi lên mới tìm được.
Công lý và Xã hội tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin này.

Việc anh Hải nhảy sông tự vẫn cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, với tư cách là một cán bộ công tác trong ngành Công an mà đắm vào cờ bạc, cá độ bóng đá lên đến hàng tỉ đồng như dư luận bàn tán là một vấn đề đáng nói. Bởi, trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều những cá nhân đang công tác trong các cơ quan nhà nước vướng vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội. Hậu quả, không chỉ với cá nhân gây ra mà nó còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của tập thể, đánh mất niềm tin trong quần chúng nhân dân.