Thực hư tác dụng rượu ngâm cây thuốc phiện

Lái buôn mua cây anh túc giá 40 ngàn đồng/1kg. Đó là nguyên liệu để các nhà “khoa học trên bàn nhậu” sáng chế ra loại rượu nghe đồn có công dụng cường dương.

Cuối tháng 12/2012, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Công an huyện Từ Liêm và Quản lý thị trường kiểm tra đột xuất cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây, các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này lưu trữ hàng nghìn lít rượu ngâm cây anh túc (thuốc phiện) chờ bung ra thị trường vào dịp tết. Từ thông tin này, PV Công lý và Xã hội đã tiến hành điều tra tất cả những chi tiết liên quan đến loại rượu quái đản đang được tán tụng là “thần dược” này.

Cách đây đã lâu, cánh mày râu hay nhậu thường rỉ tai nhau về thứ rượu ngâm cây anh túc được ví như “thần dược” trong chuyện gối chăn. Từ Trạm Tấu, vòng qua phía Sơn La hay đi xa xuống Mường Lát, những hũ rượu ngâm đen đặc được săn lùng ráo riết để phục vụ quý ông. Nhưng có một sự thật phũ phàng mà dân nhậu dù có chết ngay, cũng không tin là họ đang ngày ngày nạp vào mình thứ độc dược. Và việc phong nó là đệ nhất thần dược giường chiếu quả nhiên là một trò bịp bợm.

Thần tửu 138

Hoa anh túc vốn là loài hoa đẹp nhưng càng đẹp bao nhiêu thì sự chết chóc ẩn chứa trong nó càng ghê gớm bấy nhiêu. Trong màn sương sớm lạnh tê tái ở chốn biên giới xa xôi, tôi đã nhiều lần thấy loài hoa ấy vươn lên đầy thách thức. Nó vẫn được xem là loài hoa bất tử ở tít tắp những vùng đất hoang vu. Đã có hàng thế kỷ, bằng “vũ điệu quỷ sứ” nó đã khiến hàng ngàn thổ dân mê muội, hàng triệu người bán linh hồn cho loài cây có tên gọi mỹ miều: cây anh túc.

Mỗi khi mùa hoa anh túc bung nở tím ngắt cả một khoảnh rừng là lúc các “thổ dân” mừng rỡ lắm. Nỗi mừng vui hơn cả hoa ngô túa trắng vạt rừng. Chỉ vài mét vuông là cơ hồ kiếm được cả chục triệu đồng, tội gì phải nhọc nhằn phát nương làm rẫy. Đến giờ bà con người Mông, người Tày, người Thái vẫn mơ hồ như thế!

Cứ gieo hạt xuống, chẳng cần chăm sóc, đến kỳ hoa nở, thành quả giống như quả sung họ khứa dọc theo bề ngoài để lấy nhựa rỉ xuống, đem về. Đến khi tinh chiết hết những “nọc độc” trong nó thì đánh cả cụm rễ, gốc, thân, quả đem về phơi khô bán cho thương lái với giá 40 ngàn đồng/1kg. Đó là nguyên liệu để các nhà “khoa học trên bàn nhậu” sáng chế ra loại rượu nghe đồn có công dụng cường dương.

Nói đến loại rượu được ngâm bằng cây anh túc thì tôi đã có may mắn được mục sở thị không chỉ một lần. Đó là năm 2007, trong một chuyến công tác ở Quế Phong (Nghệ An) biết “thần tửu” này, dù vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người. Hơn một năm sau, tại bản Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu-Yên Bái trong cái rét cắt da, cắt thịt, tôi cùng một đồng nghiệp tại báo tỉnh này cũng say ngả nghiêng trời đất khi được các người dân địa phương đãi khách bằng… rượu quý này. Lúc ấy, anh bạn đi cùng còn tự hào khoe: “Của hiếm đấy. Đàn ông uống, phụ nữ vui. Về Hà Nội không có đâu, nhé”.

Nghe Giàng A Báu - ngày đó là an ninh viên trong bản - kể loại rượu ngâm cây anh túc đã manh nha xuất hiện ở Tà Si Láng từ cuối những năm 1990. Nhiều nhà hàng, quán nhậu miền biên giới bắt đầu lén lút ngâm rồi vận chuyển về xuôi. Công nghệ bào chế rượu này không có gì cao siêu cho lắm. Cây anh túc gồm cả lá, thân, rễ, quả sau khi được rửa sạch, phơi khô, cho vào bình đổ rượu ngâm khoảng 2 – 3 ngày. Sau khi rượu ngả màu vàng thì vớt xác anh túc sang một bình khác rồi đổ rượu vào ngâm tiếp khoảng một tuần. Khi rượu có màu đen đặc, nhấm rượu thì có vị chan chát trên đầu lưỡi. Lúc ấy, một bình rượu ngâm anh túc đã hoàn thành với giá bán từ 400 - 500 ngàn đồng/lít.

Trạm Tấu là xuất xứ và cũng là cái lò rượu ngâm cây anh túc cực lớn, là trung tâm phân phối “thần tửu” túa đi các tỉnh khắp Tây Bắc đến miền xuôi. Sẽ có người khó hiểu bởi rượu ngâm cây thuốc phiện còn được gọi với cái tên mang đậm chất thời sự, chính trị là rượu 138. Sở dĩ nó có tên như vậy vì tỉnh Yên Bái giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an tỉnh, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải thực hiện kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện. Những “thổ dân” ở Trạm Tấu đã lấy nó đặt tên cho “phát minh vĩ đại” của mình.

Tuy có mức giá khá cao nhưng rượu anh túc lại được săn lùng rất gắt. Với những gã đàn ông hơi thiếu và yếu về khoản chăn gối thì luôn coi thứ rượu này là cứu cánh. Chưa biết công dụng thực của “thần tửu” ra sao, khi uống vào thì “xung trận” thế nào nhưng tin đồn về nó thì luôn là số 1.

Rượu thuốc phiện dạt về Thủ đô

Việc cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu ở Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện ra một lượng lớn rượu ngâm cây anh túc khiến dư luận xôn xao. Thứ “phát minh vĩ đại” ở Trạm Tấu đã xuất hiện ở thủ đô từ bao giờ? Và chắc hẳn Thúy Gấu không phải là cơ sở độc quyền ở Hà Nội phân phối thứ “thần tửu” này.

Đêm đông, gió lạnh thổi rát mặt. Tôi cùng một nhóm thanh niên tìm đến quán rượu nằm sâu trong con phố cổ Hà Nội. Trước khi đến đây, tôi được một dân nhậu chuyên nghiệp nhắn tin: “Muốn thưởng thức thần tửu đến đấy ắt có”. Như để khẳng định vị thế và mối quan hệ của mình gã còn cẩn thận cho tôi số điện thoại của người quản lý quán rượu để đặt trước.

Hắn bảo: “Nó là tiểu đệ của tôi. Đến nơi ông cứ bảo là bạn của anh Q. thì nó phục vụ ông đến tận chân răng”. Cái quán nhỏ, sâu hun hút với hàng chục hàng ghế. Khách đã ngồi kín chỗ, tiếng cười nói rộn ràng, tiếng ly chạm lách cách. “Mời các anh lên tầng trên ngồi cho ấm”- cô gái phục vụ cất lời mời khách. Tôi hỏi: “Anh V. quản lý đâu em?”. Vừa dứt lời, V. đã xuất hiện, tay bắt mặt mừng V. bảo: “Anh Q. có nói là các anh tới. Em chuẩn bị bàn ở trên rồi, các anh lên đi”.

Vừa ngồi xuống bàn V. ghé tai tôi: “Anh Q. có dặn em chuẩn bị rượu nhưng anh thông cảm, quán em tạm thời không bán rượu này cho khách. Các anh dùng rượu khác, nhé”. Tôi bất ngờ: “Không bán là sao? Hết à?”. V. thành thật: “Rượu thì còn nhưng ông chủ không bán được, thời gian này đang nhạy cảm anh ạ”. Tôi nài nỉ: “Anh Q. nói quán em có rượu đó thì tụi anh mới tới. Thôi, em nói với ông chủ mấy câu giúp anh. Lát anh hậu tạ”. V. gãi đầu, gãi tai đi xuống dưới. Một lát sau, V. xuất hiện với một hũ rượu ngâm khá lạ.

Chúng tôi chuyền tay nhau ngó nghiêng, đúng là rượu ngâm cây anh túc thật. V. nâng bình rượu rót ra một cái cốc nhỏ. Vừa rót V. vừa quảng cáo: “Các anh dùng cái này về đêm nay lại khổ các bà chị. Khách uống rượu ở quán em ai cũng bảo tốt lắm đấy ạ”. Tôi ngỏ ý muốn hỏi mua vài lít về uống, V. cười bảo: “Cái này là của hiếm. Cả quán em cũng chỉ có vài ba bình thôi anh”.

Đêm đó, mấy anh em trong bàn nhậu uống khá nhiều. Ai cũng say đứ đừ. Nhưng lạ thay, sáng hôm sau ai cũng bảo: “Thần tửu chết tiệt!”.

Rượu mật ong anh túc vẫn tiếp tục tung hoành

Khi xuất hiện “thần tửu” 138 gây xôn xao dân nhậu bởi chúng được phù phép bằng tin đồn có tác dụng tráng dương, tăng cường sinh lực và là khắc tinh của nhiều chứng bệnh. Gần đây, một loại “tiên dược” cũng ít nhiều liên quan đến loài hoa chết người là mật ong hoa anh túc đang được đồn đại với một công dụng “trên trời”.

Nhiều năm sau khi có lệnh triệt phá cây thuốc phiện, nhưng ở đâu đó dưới những tán rừng rợp bóng như miền tây xứ Nghệ, Mường Lát xứ Thanh và những thủ phủ ma túy nổi danh Tây Bắc hạt thuốc phiện theo tay người Thái, người Mông vẫn được vùi xuống đất. Vẫn còn nhiều người không đủ tỉnh táo để thoát khỏi làn khói mê hoặc của ma túy. Cây thuốc phiện, trong tâm trí họ là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất.

Trong quá trình gieo cái chết chóc, họ lại phát hiện ra một sự thật rằng hoa anh túc không chỉ làm mê hoặc tâm trí con người mà ngay cả con bướm, con ong cũng… nghiện. Khi hoa anh túc trổ bông họ lại xua đàn ong đến hút mật. Phát minh không kém phần vĩ đại này gần đây đã cho ra đời sản phẩm “siêu đặc biệt”: mật ong hoa anh túc.

Nghe thiên hạ đồn thổi mật ong hoa anh túc cũng có tác dụng kỳ diệu chẳng kém “thần tửu” 138 là mấy. Có một phụ nữ làm nghề nội trợ kiêm nuôi con (xin được giấu tên) ở Hà Nội được biếu một chai mật ong anh túc đã không ngừng ca ngợi về công dụng của nó: “Mật này tốt lắm. Tốt cho cả con lẫn bố. Mỗi lần con tôi khóc chỉ cần quệt một ít vào miệng là nó im re mà còn nhoẻn miệng cười. Chồng tôi thì vẫn lấy mật ong anh túc để pha với rượu uống”.

Tôi hỏi, công dụng thế nào thì chị ta chỉ cười tươi đầy mãn nguyện. Đi sâu vào tìm hiểu, tôi được biết ngoài mật của con ong hút dịch từ hoa thì mỗi chai mật ong đều được pha chế thêm lượng nhỏ mủ cây thuốc phiện. Khi chưa thêm nước, mật ong hoa anh túc có thể đổ ra bàn tay vo tròn như hòn bi ve. Đặc biệt, thứ mật này có mùi thơm nức và vẫn thường được pha chế vào rượu để cải thiện chức năng đàn ông. Trong cơn tuyệt vọng, nhiều quý ông vẫn lùng sục để mua cho kỳ được, biết đâu vớt vát chút ít phong độ nào chăng?

Thần dược hóa độc dược

Với tốc độ lan truyền khủng khiếp về tác dụng của thứ rượu ngâm cây anh túc là bổ thận, tráng dương đồng thời hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh khác như sốt rét, đau nhức xương… thì nó nghiễm nhiên được coi như “thần dược”. Không những thế, có người còn đồn thổi rằng, muốn sinh con trai thì trước khi vợ chồng gần gũi nhau nên làm một chén?

Để hiểu rõ hơn về tác dụng thực của nó, tôi đã “diện kiến” một số chuyên gia, bác sĩ, những nhà nghiên cứu trong giới Đông y nhưng sự thật không như đồn thổi.

Lương y Bùi Văn Khuyên, nhà thuốc Đông y gia truyền tại Hà Nội cho biết: Tôi không tin tác dụng của cây anh túc khi được ngâm rượu. Khi bị sưng tấy dùng lá cây anh túc nhai nát rồi đắp vào chỗ đau có thể làm giảm đau, đó là sự thật. Vì trong nó có chứa ít nhiều hoạt chất gây nghiện và nó giảm đau hiệu quả. Nhưng khi ngâm với rượu thì lại khác. Uống vào không những không hiệu quả mà ngược lại có thể phản tác dụng, rất có thể gây ra ngộ độc đối với người sử dụng”. Ông Khuyên cũng cho biết thêm: “Trong nhiều bài thuốc, Đông y cũng dùng kết hợp với chất nhựa được trích từ quả cây anh túc nhưng chỉ với một lượng rất nhỏ, giờ thì không mấy ai dùng nữa. Còn với mật ong hoa anh túc, nếu cho thêm thành phần từ mủ thuốc phiện rất dễ gây nghiện nếu sử dụng lâu dài. Pha lẫn rượu có thể còn dễ nghiện hơn”.

Mang vấn đề này trao đổi với GS.TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, ông Bình cho rằng: Thật hoang đường khi nói rượu ngâm cây anh túc có thể chữa bệnh hay có những tác dụng thần kỳ nào khác. Đơn giản bởi cây anh túc có hoạt chất chính là dịch nhựa khi đã được bào chế thành thuốc phiện. Chưa có một nghiên cứu nào về những tác dụng của thân, rễ, lá khi ngâm rượu. Nếu có thì chỉ gây hại cho thần kinh. Hơn nữa, khi ngâm rượu với thảo dược không rõ nguồn gốc, không an toàn, nó có thể chứa những độc tố nguy hiểm đến cơ thể con người.

Nhiều người còn lo ngại nếu dùng rượu ngâm cây anh túc thời gian dài có thể còn dẫn tới chứng mất trí nhớ, rối loạn thần kinh. Vô hình trung khi đó “thần dược” sẽ trở thành độc dược, hậu quả khó lường.