Những máy bay này cất cánh từ sân bay Cam Ly - TP Đà Lạt (Lâm Đồng), để phục vụ chương trình Tây Nguyên 3 - chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên.
Các máy bay này mang theo camera, máy ảnh chuyên dụng và thiết bị đo phổ kế phản xạ để ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất để chuẩn hóa số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh.
Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng - chủ nhiệm đề tài Máy bay không người lái của Viện Công nghệ Không gian, có khoảng 10.000 bức ảnh chụp (ghi lại hình ảnh động về hiện trạng tài nguyên rừng, mặt nước) với độ phân giải cao tại các tọa độ đã định trước để đối chiếu với kết quả thu được từ vệ tinh viễn thám giúp các nhà khoa học có đủ số liệu tin cậy bổ sung cho quá trình nghiên cứu, tính toán và dự báo trong các chuyên đề.
Quá trình thử nghiệm đã giúp nhóm đề tài có thêm điều kiện đánh giá lại độ ổn định của máy bay không người lái đã chế tạo và khả năng thích nghi của những tổ hợp máy bay này trong môi trường không khí rất loãng ở TP Đà Lạt.
Các máy bay cũng đã có sự trải nghiệm trong môi trường bay rất khắc nghiệt như mây dày đặc, nhiều sấm sét, gió xoáy, gió lốc của Tây Nguyên. Trong những ngày bay thử nghiệm vừa qua chưa có bất kỳ sự trục trặc kỹ thuật nào.