Xung quanh câu chuyện thủ khoa 29,5 điểm ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến có thể phải tạm dừng việc học để lên đường nhập ngũ trong 2 năm. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của độc giả John Nguyễn về vấn đề này:
Xã hội càng phát triển, sự chuyên môn hóa càng cao. Người nào có năng lực ở lĩnh vực nào thì phát huy để thành công và đóng góp được nhiều nhất cho xã hội ở lĩnh vực đó.
Từ thời phong kiến, người ta cũng đã chia ra là quan Văn và quan Võ. Ai có nhiệm vụ của người nấy, đất nước cần chủ quyền, cần độc lập, cần tự do thì cần đến quân đội nhưng cũng cần đến trí thức.
Bộ đội chiến đấu mà không có bác sĩ chữa trị thì cũng chẳng giành được độc lập. Bộ đội chiến đấu mà không có công tác ngoại giao tài tình của những nhà ngoại giao trên bàn đàm phán thì máu lại càng rơi nhiều hơn. Bộ đội chiến đấu mà không có kĩ sư nghiên cứu chế tạo thiết bị chiến đấu thì liệu có thắng được địch?
Bộ đội chiến đấu cũng cần có nghệ sĩ cổ vũ tinh thần để nắm chắc tay súng. Bộ đội chiến đấu mà không có người nông dân làm hậu phương vững chắc thì lấy gì làm sức lực trên chiến trường... Muốn đất nước phát triển thì ai cũng cần cống hiến, nhưng là cống hiến phần tài năng của họ, chứ không phải phần khả năng trong một con người toàn diện!
Tôi tự hỏi, liệu môi trường quân đội có đảm bảo cho con người sự bản lĩnh, kỉ luật và ý chí trong vỏn vẹn một quãng thời gian ngắn? Điều này chưa thể khẳng định bởi rất nhiều người rời môi trường rèn luyện ấy và kết thúc cuộc đời mình trong tệ nạn xã hội. Bản lĩnh, kỉ luật của một con người là do chính trải nghiệm trong cuộc đời, sau nhiều thất bại và quan sát, thăng trầm của cuộc sống.
Tại sao không để những kẻ đua xe, nhậu say bí tỉ trong các quán bar bằng tiền của cha mẹ đang cần môi trường quân đội rèn giũa thay vì những thí sinh xuất sắc đỗ đầu một kì thi của quốc gia, mà ngày xưa cha ông gọi là đỗ trạng nguyên?
Tại sao không để những người tự cho mình là "đàn anh" có máu "anh hùng" quấy rối làng xóm rèn giũa môi trường quân đội thay vì những con người có nghị lực vượt nghèo bằng cách học giỏi để quay lại cống hiến cho xã hội?
Còn nhiều và nhiều lắm những người "nhàn rỗi" cần môi trường quân đội tôi luyện chứ không phải một "trạng nguyên"!
Được cống hiến cho đất nước là nghĩa vụ và niềm tự hào của mỗi một người công dân. Nhưng ai cũng đủ nhận thức để hiểu rằng, có nhiều cách để cống hiến. Và chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, sức mạnh về quân đội và sức mạnh về kinh tế, chưa thể khẳng định cái nào sẽ cần thiết hơn cái nào.
Đất nước Việt Nam đâu phải có "biến cố" gì mà cần đến cả những trí thức cũng cần phải rèn luyện thêm khả năng "chiến đấu trên mặt trận". Thay vì chiêu mộ nhiều đối tượng, hãy làm tinh nhuệ những con người đang phục vụ cho quân đội.
Ít mà tinh còn hơn là nhiều mà được đào tạo có 2 năm. Sự miễn cưỡng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Ai dám chắc một trạng nguyên nhập ngũ là trên tinh thần tình nguyện, và ai dám chắc hai năm trong quân đội của một trạng nguyên sẽ đem lại nhiều đóng góp cho xã hội hơn là 2 năm trên giảng đường?
Nếu có ai đó đưa ra lí do, cần phải rèn luyện thể chất trong quân đội để thế hệ tương lai Việt Nam là một thế hệ mạnh mẽ, cường tráng. Vậy, các môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất trong môi trường đại học có vai trò là gì?
Nếu có ai đó đưa ra lí do, cần phải cho học sinh sinh viên cơ hội để cống hiến về thể lực cho các công tác xã hội, vì cộng đồng. Vậy xin đặt ra một câu hỏi ngược lại, nếu để cho những sĩ quan quân đội học công thức Toán cao cấp, Lý thuyết kinh tế vi mô, vĩ mô, Công tác ngoại giao, Chiến lược kinh tế, Quy trình bào chế thuốc chữa bệnh, Quy trình phẫu thuật.... thì liệu họ có thể đảm bảo an toàn cho quốc gia và thực sự cống hiến được không?
Vậy, tại sao lại phải cho một trạng nguyên đào tạo trong môi trường quân đội mà không phải là nơi anh ta xứng đáng được theo đuổi đam mê và khát khao cống hiến thực thụ của mình?
2 năm, đó là quãng thời gian không dài với một đời người nhưng đó là một cột mốc quý giá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Dân tộc ta còn chậm phát triển hơn các quốc gia khác, vì vậy đừng lãng phí 2 năm phân bổ không đúng chuyên môn của một tài năng.
Xin đừng làm chậm quá trình phát triển của đất nước!