Cuộc gọi trên chuyến tàu xuyên màn đêm
Đó là một buổi bình minh đầu tháng 5/2008. Trên chuyến tàu tốc hành từ Barcelona đến Madrid, một ông lão nói to đến mức hành khách ở toa kế bên cũng nghe rõ: “Luis à. Jordi đây. Tao gần đến rồi. Mày vẫn ngủ hả? Mày là một thằng Madrid bẩn thỉu. Không phải ngày đẹp để mày làm việc gì khác đâu”.Những tiếng cười khúc khích lan tỏa khắp toa tàu.
Hành khách chỉ nghe thấy cuộc hội thoại từ một phía nhưng ngầm hiểu ông lão khó tính này là Jordi, được con gái tặng cho một chuyến đi đến Madrid để xem trận cầu “siêu kinh điển” giữa Barca của ông và kẻ tử địch Real. Ở đầu dây bên kia là người bạn cũ Luis, một fan của Los Blancos. Jordi tức điên có lẽ bởi Luis bông đùa rằng 3 ngày trước ông đã ăn mừng chức vô địch La Liga ở đài phun nước Cibeles.
Những trận "kinh điển" giữa Real và Barca luôn chứa đựng nhiều duyên nợ.
Dĩ nhiên, câu chuyện giữa các cule và các Madridista không phải lúc nào cũng có thể gây cười theo cách ấy. Chỉ 2 năm trước đó, mùa hè 2006, Barcelona là nhà vua của bóng đá Tây Ban Nha và của cả châu Âu với một dàn sao Ronaldinho, Eto’o, Puyol, Deco, Xavi, Iniesta, Larsson, Messi... Công thức 4-3-3 của Rijkaard tưởng như đã đưa Barca chạm đỉnh cao của sự tinh túy trong bóng đá tấn công.
Tháng 11/2005, Barca đánh bại Real 3-0 ngay tại Bernabeu, Ronaldinho ghi một bàn thắng siêu đẳng và các Madridista cũng phải vỗ tay tán dương. Beckham trông thiểu não cứ như thể anh đã chọn nhầm đội bóng, mùa hè 2003, Becks từ chối Barca để đầu quân cho Real, nó đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa người Catalunya và người Madrid.
Truyền thông Tây Ban Nha luôn ám ảnh bởi sự đảo chiều giữa đế chế Barcelona và sự thống trị của Real Madrid, một thắng, một thua; một về đỉnh cao, một xuống vực sâu. Với Barca và Madrid, đứng thứ hai là thất bại. Ranh giới giữa yêu và ghét rất rõ ràng. Sau chiến thắng 3-0 ngay ở Bernabeu ngày hôm ấy, may mắn đã trốn chạy khỏi Barca, liên tiếp 5 trận “El Clasico” sau đó họ chỉ toàn hòa và bại. Năm 2006 là của Barca nhưng 2008 thuộc về Real.
Mối thâm thù giữa Barca và Real sâu đậm hơn rất nhiều so với những tỷ số. Họ đại diện cho 2 ngôn ngữ khác nhau, hai kiểu người khác nhau, và với đa số những người Catalunya - họ là 2 quốc gia riêng biệt với lòng tự tôn và cá tính vĩ đại.
Madrid không có chỗ cho người Catalunya
Trở lại cái ngày ông cụ Jordi từ Barcelona đến Madrid, ngày 7/5, 3 ngày sau khi Real vô địch La Liga lần thứ 31 (so với 18 của Barca). Cơn mưa nặng hạt phần nào làm giảm sự hưng phấn của người Madrid, lá cờ Real buông rủ trên các ô cửa sổ nhưng những dòng tít trên các báo Marca và AS vẫn tràn đầy phấn khích. Cả 2 ấn bản thân Real đều cố gắng sỉ nhục Barca, những người phải xếp thành đoàn quân danh dự để chúc mừng nhà vô địch.
Trên truyền hình, lãnh đạo phe cánh hữu Mariano Rajoy trả lời phỏng vấn về một vấn đề chính trị. Dường như quá hưng phấn, Rajoy lạc sang chủ đề bóng đá và say sưa phân tích về trận đấu. “Real sẽ thắng 2-1” Rajoy - một Madridista dự đoán với giọng điệu đầy tự tin. Đã 2 kỳ bầu cử thủ tướng liên tiếp Rajoy để thua thủ lĩnh cánh tả Jose Zapatero, người luôn tự nhận mình là fan của Barca. Nghe Rajoy dự đoán, một nhóm các diễn viên mặc áo Barca ở ga điện ngầm Santiago Bernabeu lập tức chuyển kênh với thái độ đầy khó chịu.
Đó là thời điểm 3 tiếng trước giờ bóng lăn, những thứ trang phục cổ vũ Real và anti-Barca được bày bán nhan nhản ngoài sân ga. “Đây là Tây Ban Nha. Nếu bạn không thích, hãy đi đi!”, thông điệp trên một tấm bản đồ cho thấy những người Catalunya không được chào đón. Những cô MC gợi cảm kiên nhẫn đứng bên ngoài sân ga với hy vọng chộp được vài lời từ các siêu sao nhưng các cầu thủ lại mải mê chụp hình với người hâm mộ.
Không khí bốc mùi ẩm mốc. Cảnh sát giao thông không rời mắt khỏi nhóm “ultras” vận đồ quân sự, hát bài quốc ca “Que Viva Espana” và một người còn đung đưa chiếc khăn xanh - trắng của Espanyol, kẻ thù không đội trời chung của Barca.
Trong đám đông các Madridista, Pablo, người đã là fan của Real suốt 40 năm trong 41 năm cuộc đời gào to: “Barcelona như cục phân chó mà ta vô tình giẫm phải”. Bố của Pablo thì bới móc: “Người Madrid ủng hộ và chung tay tổ chức thế vận hội ở Barcelona vì đó là niềm tự hào của Tây Ban Nha. Nhưng người Barcelona lại chống người Madrid đăng cai Olympic 2012. Tại sao thế?” Ông cụ vẫn chưa hết hằn học khi nhớ tới những chiếc áo “Madrid 3012” được bày bán ở Barcelona.
Ngày 7/5 ấy, Real thắng Barca 4-1 để đánh bóng thêm cho chiếc cúp của mình. Nhưng cục diện lại đảo chiều, gần 4 năm đã trôi qua nhưng “Nhà trắng” vẫn chưa thể đón chiếc cúp lần thứ 32.
Không có sự giao thoa giữa kẻ thù Ở Catalunya, Real là đội bóng được yêu thích thứ hai bởi có hàng trăm nghìn Madridista phân tán khắp Tây Ban Nha. Những thập niên 1950 - 1970, hàng vạn người Madrid đã tới Catalunya tìm việc làm. Nửa thế kỷ đã trôi qua, họ vẫn chỉ yêu Real và là kẻ thù của các cule. “Một lần chúng tôi đến Barcelona, thật điên rồ khi có hàng nghìn fan đợi sẵn ở sân bay và suốt đêm hôm đó tập trung ngoài khách sạn nơi chúng tôi ngủ. Có rất nhiều nhân viên an ninh nhưng cửa sổ xe bus trên đường tới sân vẫn bị đập liên hồi. Chúng tôi phải rời khỏi chỗ ngồi gần cửa sổ, buông rèm và cố lùi sát vào lối đi giữa nhưng không đủ chỗ cho tất cả mọi người. Thật may là kính cửa sổ dày 2 lớp và khá chắc nên gạch không thể ném vỡ”, Steve McManaman, cựu tiền vệ Real Madrid hồi tưởng. Michael Turner, một người từng sống ở cả Barcelona và Madrid trong 10 năm cho biết: “Ngay cả những người không biết gì về bóng đá cũng xem trận Barca - Real. Nếu đó là chuyện của 2 quốc gia thì có thể xem là xung đột sắc tộc, nhưng họ đều thuộc Tây Ban Nha nên hãy gọi là kẻ thù. Người Catalunya đánh giá người Madrid thiển cận, họ tin rằng Barca chơi bóng có đạo đức, không như cầu thủ Madrid. Họ luôn coi mình là người có giáo dục hơn và những con người chính trực như Gary Lineker hay Bobby Robson là hiện thân của họ. Người Barcelona luôn tự hào về thành phố của mình, nhưng người Madrid thì phàn nàn đủ thứ, như là giao thông. Tôi luôn ghét Madrid, cũng chả muốn nhắc tới họ vì họ chỉ khiến tôi buồn nôn”. |
(còn nữa)