Ngày 3/4, sinh viên Nguyễn Duy Mạnh (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, khi mua 5kg gạo từ ngày 16/3 về, đã phát hiện gạo có nhiều dấu hiệu bất thường như hình dạng dài, to hơn các loại gạo thường, mùi "lạ".
Trao đổi với phóng viên vào chiều qua 3/4, GS Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN) cho biết: “Trước đây cũng đã từng xuất hiện thông tin “gạo lạ”, gạo nhân tạo (như gạo lức) để dùng cho những người bị bệnh tiểu đường hay điều trị ung thư. Tuy nhiên, thông tin này có chính xác hay không chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng.
“Tôi nghĩ, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cần vào cuộc, sớm xác minh, làm rõ để có công bố kết luận khoa học chính xác nhất”- GS Long khẳng định.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hoàn - Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) cho rằng: “Khó nhận biết thật- giả khi quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, việc “xác minh” gạo thật- giả không khó. Chỉ cần xem xét một vài chỉ số cơ bản của gạo như: Protein, anilo, nhiệt độ hóa hồ… là có thể đưa ra kết luận”.
Theo TS Hoàn, thực tế, mỗi kg gạo giá cũng chỉ trên dưới 10.000 đồng nên việc “chế tạo” gạo giả cũng chẳng mang lại lợi nhuận gì hoặc lỗ vốn; thậm chí có những hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự. “Có thể đây là những loại gạo được trộn các chất giữ ẩm nên có thay đổi về chất lượng khác thường” - TS Hoàn nói.
Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng khẳng định: “Chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định gạo đó là giả. Về góc độ sản xuất nông nghiệp, không thể có loại giống lúa nào “đẻ” ra được gạo giả”. Theo ông Quảng, nếu mua phải gạo lạ, người tiêu dùng nên báo với cơ quan chức năng. Với những loại kém phẩm chất, người tiêu dùng nên thận trọng trong từng mục đích sử dụng.
Trong một diễn biến khác, chiều tối qua Đội Quản lý thị trường số 15 Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh gạo tại địa chỉ 32/88 phố Giáp Nhị, P. Thịnh Liệt, Q. Hoàng Mai - nơi cung cấp gạo lạ cho anh Nguyễn Duy Mạnh.
Theo kết quả kiểm tra ban đầu thì không thấy gạo giả như thông tin đã phản ánh. Tổ kiểm tra đã tiến hành lập biên bản có sự có mặt của chủ hộ kinh doanh là ông Đinh Văn Thiện, thường trú tại địa chỉ trên; anh Nguyễn Duy Mạnh, người cung cấp thông tin cho báo chí.
Tại buổi làm việc, anh Mạnh đã không đưa ra được những bằng chứng để chứng minh anh đã mua "gạo giả" tại cửa hàng của ông Thiện. Anh Mạnh cho biết, gạo là do bạn ở cùng mua và hiện nay đã đem vứt đi hết.
Sau khi tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, tổ công tác số 2 khẳng định trong biên bản: Tại cửa hàng số 32/88 phố Giáp Nhị hiện kinh doanh 9 loại gạo và không hề có loại gạo như thông tin đã phản ánh. Người dân xung quanh khu vực này cho biết thêm gia đình ông Thiện đã kinh doanh ở đây từ lâu và là người kinh doanh đàng hoàng.