Thịt sứa và cóc - món ăn tử thần

Cóc và sứa vốn là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng trong quá trình chế biến, chỉ cần sơ sẩy một chút, chúng có thể biến thành chất độc, cướp đi tính mạng người ăn.


Khi cóc “giết” người

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thịt cóc có lượng đạm và kẽm cao hơn các loại thịt khác như thịt bò, lợn nên rất tốt cho người già, trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi xương. Tuy nhiên trong thịt cóc cũng chứa một chất độc, không cẩn thận có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cũng cho biết ăn thịt, mỡ cóc an toàn trong khi nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), gan và buồng trứng lại có thể gây ngộ độc do chứa bufotoxine -  chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không ăn gan và trứng cóc. Ngoài ra trong quá trình làm thịt, nếu để những bộ phận này vướng vào thịt cóc cũng rất nguy hiểm.

Nói về sự nguy hiểm khi trúng độc tố của cóc, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm cho hay, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện như bị chướng bụng, đau bụng trên rốn, nôn mửa, tiêu chảy, hồi hộp, tim đập nhanh.

Ở diễn biến tiếp theo, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng truỵ tim mạch, rối loạn cảm giác, chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. 

Nếu nhựa cóc bắn dính trực tiếp, niêm mạc mắt sẽ bỏng rát và phù nề.

“Ngộ độc do độc tố cóc rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao. Đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan và thiếu kiến thức. Do đó, Cục An toàn Thực phẩm đã có khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành”, ông Hùng cho biết.

Chuyên gia cũng khuyến cáo làm thịt cóc theo đúng quy trình như sau: cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch, chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.

2. Chớ coi thường ngộ độc sứa

Tương tự như cóc, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, sứa biển cũng là một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên cần lưu ý, thời điểm này đang là mùa sinh sản của sứa biển nên chúng thường tích lũy nhiều độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Theo TS Hùng, độc tố của sứa biển khi xâm nhập vào cơ thể con người có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... Ngoài đường ăn uống, sứa biển còn có nguy cơ gây ngộ độc cao khi chạm phải hoặc bị cắn.

Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da, xâm nhập vào cơ thể. Nếu nhẹ, nạn nhân chỉ bị rát, nổi mẩn đỏ và ngứa nhiều, cảm thấy khó chịu. Ở thể nặng có thể xảy ra tai biến tức thì, nạn nhân rơi vào trạng thái lơ mơ, nhiều khi co giật, có thể dẫn đến hôn mê. Trong trường hợp này cần đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu ngay.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nhiều vùng, đặc biệt miền Trung ăn sứa tươi rất nhiều. Cần lưu ý, trước khi ăn phải ngâm sứa thật kĩ. Ngoài ra, khi tắm biển, tốt nhất nên tránh xa những chỗ có sứa, không đụng tay vào sứa, tránh bị sứa đốt.

Ngoài ra, khi ăn sứa đã được ép khô (được bán nhiều trong các cửa hàng, siêu thị), tốt nhất cũng nên rửa sạch trước khi chế biến. Cách làm này có thể hạn chế các hóa chất được dùng trong quá trình sơ chế sứa.