Việc tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) có thể giúp nhiều mặt hàng trong nước xuất khẩu tốt hơn, cũng như đưa sản phẩm quốc tế vào Việt Nam nhờ thuế suất 0% (trường hợp sản phẩm đó không được lựa chọn để bảo hộ). Tuy nhiên, cơ hội về những thị trường độc lập, môi trường cạnh tranh công bằng hay ưu đãi lớn về thuế không phải là mẫu số chung đối với tất cả sản phẩm xuất xứ Việt Nam.
Quả vải Việt là một ví dụ như thế. Là sản phẩm nông nghiệp hiếm hoi của niên vụ 2014-2015 không gặp tình trạng được mùa mất giá nhờ tìm được nhiều thị trường tiêu thụ, vải Việt đang tiêu thụ tốt tại một số thị trường ngoài Trung Quốc như Australia, Mỹ, Nhật hay Malaysia... Giá vải tại những quốc gia này đắt gấp 10-15 lần so với mức trung bình trong nước, và có sức hấp dẫn vượt ngoài mong đợi với người dân ở đây, nhất là tại Australia.
Quả vải Việt sẽ có thị trường xuất khẩu rộng hơn khi gia nhập TPP, nhưng đồng
nghĩa với đó là áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng. Ảnh: Lê Hiếu.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, quả vải Việt Nam xuất sang đây không chịu thuế nên việc vào TPP không mang thêm thuận lợi cụ thể nào cho sản phẩm này.
“Hiện nay, theo hiệp định tự do thương mại đa phương Australia – ASEAN, 96% sản phẩm của ASEAN vào Australia có mức thuế đưa về 0%. Do vậy, nông sản Việt nói chung và vải nói riêng có vào được quốc gia này hay không phụ thuộc vào các vấn đề ngoài thuế, ví dụ như kiểm dịch”, bà Thúy cho biết.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Mỹ khi kiểm dịch, chiếu xạ, bao bì đạt chuẩn chiếm gần 20% giá sản phẩm. “Các thị trường đặt hàng quả vải đều cách khá xa Việt Nam. Để giữ được vải tươi, doanh nghiệp phải xuất hàng qua đường hàng không. Chi phí chuyển hàng này qua kênh này rất cao, chiếm hơn một nửa giá thành và khó giảm. Vì vậy, ngay cả khi không chịu thuế, vải Việt cũng vấp phải sự cạnh tranh về giá với quốc gia khác”, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay.
Ở một chiều khác, thịt bò là mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập TPP. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, số lượng thịt bò trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng thịt trâu bò không xương và có xương nhập khẩu trong quý I/2015 lần lượt là 199 và 8.405 tấn, tăng 24% và 40,8%. Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu thịt bò Australia nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Indonesia, với trên 10.000 con/tháng.
Do sở thích tiêu dùng của người Việt là ưa chuộng thịt tươi hơn sản phẩm đông lạnh nên khá nhiều doanh nghiệp tiến hành mua bò nguyên con từ nước ngoài, sau đó mới xả thịt. Điều này dẫn tới thực trạng tổng lượng bò trong nước sụt giảm, trong khi thịt bò nhập tăng hơn 50 lần chỉ sau 2 năm.
Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, việc doanh nghiệp và hộ nuôi bò tại Việt Nam phải chịu cạnh tranh khi gia nhập TPP là điều chắc chắn và phải chấp nhận. “Những tác động tiêu cực sẽ ảnh hưởng phần lớn tới các đơn vị chăn nuôi nhỏ lẻ do giá tại các quốc gia trong TPP, đặc biệt từ Australia, thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu nói Việt Nam sẽ mất thị trường trong nước thì không hẳn”.
Ông Trúc phân tích, lượng thịt bò nhập khẩu từ Australia vào Việt Nam dù có đột biến trong 2 năm qua nhưng chỉ để đáp ứng phần nhu cầu tăng thêm của thị trường. Ngoài ra, lượng cung thịt bò tại Australia cũng có giới hạn, trong khi nguồn xuất khẩu phải chia sẻ cho nhiều thị trường lớn bên cạnh Việt Nam, như Indonesia hay Trung Quốc.
“Sản xuất trong nước chắc chắn không thể bị triệt tiêu, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều cần thiết nhất hiện nay là phải tăng cả lượng và chất của đàn bò trong nước, tận dung cơ hội xuất khẩu. Có như thế, việc gia nhập TPP mới trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế, nhất là đối với ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh nhưng lâu nay chưa khai thác đúng tiềm năng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi chia sẻ.