Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Sửa CMND mới, đơn giản!

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - chia sẻ chiều 25/12 đã cho rằng việc bỏ tên cha, mẹ trên CMND “cũng chẳng ảnh hưởng gì”.

Bộ Công an nhìn nhận thế nào sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhận sai sót khi thẩm định Nghị định về CMND có phần ghi họ tên cha mẹ công dân?

Sau 3 tháng (từ tháng 9-12/2012) thực hiện thí điểm ở Q.Tây Hồ, Q.Hoàng Mai và H.Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi đã cấp, đổi CMND mới cho khoảng 22.000 công dân. Về việc CMND có phần ghi họ tên cha mẹ công dân, chúng tôi có nắm được thông tin trong phiên điều trần tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hôm 24/12, Bộ Tư pháp đã nhận sai sót. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng ngành công an không phải tự ý đặt ra quy định này.

Ngành công an được Chính phủ giao chủ trì cấp CMND cho công dân. Nghị định về việc cấp CMND ra đời từ năm 1999 sau đó ra nghị định sửa đổi vào năm 2007, đến năm nay thì làm thí điểm. Nếu bây giờ Chính phủ yêu cầu bỏ tên cha mẹ thì cũng rất đơn giản.

Thưa ông, trường hợp Bộ Tư pháp đề nghị và Thủ tướng đồng ý dừng ghi tên cha mẹ thì điều kiện vật chất vẫn thực hiện được?

Chúng tôi đang thực hiện theo đúng nghị định của Chính phủ, nếu có sửa đổi thì không có gì là khó khăn cả, nhưng để làm việc này thì Bộ Tư pháp trình Chính phủ để sửa đổi lại nghị định thì mới làm được.

Thời điểm Bộ Công an triển khai thí điểm đã có rất nhiều dư luận phản đối nhưng Bộ vẫn quyết tâm thực hiện. Có dư luận cho rằng phải chăng Bộ Công an đã nhập hết mẫu phôi rồi nên không thể dừng?

Người ta nói thế là không hiểu về cấp CMND. Công nghệ CMND có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là nhập cái phôi nhựa về, sau đó mới in phôi, cái đó không ảnh hưởng gì cả. Bây giờ Chính phủ yêu cầu bỏ tên cha tên mẹ thì chúng tôi sẽ thay đổi, không ảnh hưởng gì cả. Có phải in sẵn đâu. Đường truyền dữ liệu trong ngành công an, chụp ảnh, lăn tay truyền về trung tâm, còn sản xuất thẻ CMND do một nhà máy chuyên ngành của Bộ Công an sản xuất phôi rồi tiến hành in. Giá trị mỗi cái phôi trắng để in CMND tính ra chưa đến 3.000 đồng/cái. Nếu bỏ cái đó đi, 1.000 cái thì cũng có 3 triệu đồng, không lớn.

Cả dự án là 24 triệu CMND, gần 500 tỉ đồng là sẽ làm mãi mãi, chứ không phải làm 24 triệu rồi thôi. Dân số của ta hiện nay là 88 triệu người thì số người đến tuổi cấp CMND là khoảng 50 triệu, chưa kể số cấp đổi, cấp lại.

Giá trị mỗi cái phôi trắng để in CMND tính ra chưa đến 3.000 đồng. Nếu bỏ cái đó đi, 1.000 cái thì cũng có 3 triệu đồng, không lớn

Nếu sắp tới Chính phủ yêu cầu dừng việc cấp CMND ghi họ tên cha mẹ thì liệu có lo ngại tồn tại 2 loại CMND không có tên bố mẹ và có tên bố mẹ đã cấp?

Nếu họ thấy cần thiết thì có thể đổi lại. Trên CMND mới đã có tất cả mọi thông tin chính của công dân như dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng, giới tính... đầy đủ cả rồi nên việc đó cũng không có gì ảnh hưởng cả.

Một vấn đề nữa là không ít người gặp bất tiện khi số CMND mới (12 số) không khớp với các thông số trên các giấy tờ như sổ đỏ, tài khoản ngân hàng...? Tại sao chúng ta không thực hiện cập nhật CMND 9 số lên thành 12 số?

Sản xuất CMND cũ là hoàn toàn thủ công; 9 số đó là tự đặt ra với từng địa phương, Thái Bình mã số nào đó, Hà Nội số nào đó. Khi ở Thái Bình lên Hà Nội lại có một CMND khác. Với CMND 12 số lại khác, nó thể hiện giới tính, số và khi thay đổi địa chỉ ở thì vẫn chỉ có một số. Số đó theo cả cuộc đời, đến khi chết, không ai thay được.

Kiến nghị dừng

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ - Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật (Bộ Công an), vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng việc cấp CMND mới đang được triển khai thí điểm ở Hà Nội. “Đề án cấp CMND mới của Bộ Công an có quá nhiều bất ổn, đặc biệt là việc xóa bỏ hoàn toàn thành quả của CMND cũ 9 số suốt hơn 36 năm qua”, ông Kỷ nói.

Theo ông Kỷ, để đảm bảo công tác quản lý nhà nước mỗi công dân cần được “gắn” một số định danh cá nhân duy nhất trên CMND. Đó cũng là mong muốn của Bộ Công an khi triển khai cấp CMND mới. Số đó sẽ theo mỗi người từ năm 14 tuổi (đủ tuổi làm CMND) tới khi chết. “Tuy nhiên, cách triển khai của Bộ Công an không khoa học”, ông Kỷ nhận định. Theo ông, CMND cũ với 9 chữ số đã bám rễ trong đời sống xã hội với mọi hoạt động giao dịch của người dân từ sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, hộ tịch, giao dịch mua bán... từ năm 1976. Điều đó sẽ khiến người dân khốn khổ trong việc thực hiện nhiều giao dịch về lâu dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân, lãng phí tiền của nhà nước. “Lẽ ra Bộ Công an cần phải hiện đại hóa, cập nhật thông tin tàng thư CMND cũ đang lưu trữ rồi mới triển khai cấp CMND mới... Nhiều người tưởng kho 9 số đã cạn nên Bộ Công an phải chuyển lên 12 số nhưng thực tế không phải vậy; chỉ riêng với kho số ấy thôi đã đủ cấp cho gần 10 tỉ người rồi cơ mà”, ông Kỷ bày tỏ.