Thiếu điện do giá điện thấp!

Ông Thanh dẫn chứng, hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam rất lớn (2 lần điện mới ra 1 GDP). GDP tăng 7% thì điện tăng 14%, GDP tăng 7,5% thì điện tăng 15%.

Lý giải về hiện tượng thiếu điện, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ông Phạm Lê Thanh cho rằng, do duy trì giá điện trong 1 thời gian dài rất thấp nên người dân, doanh nghiệp sử dụng không tiết kiệm. Trong khi ý kiến chuyên gia lại cho rằng, nguyên nhân là do nền kinh tế có vấn đề.

Ông Thanh dẫn chứng, hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam rất lớn (2 lần điện mới ra 1 GDP). GDP tăng 7% thì điện tăng 14%, GDP tăng 7,5% thì điện tăng 15%.

Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, các doanh nghiệp thì sử dụng những công nghệ “bẩn” (các nhà máy xi măng, nhà máy thép lạc hậu...) vì điện giá rẻ cũng khiến điện bị thiếu hụt.

Cũng theo ông Thanh, các doanh nghiệp FDI cũng lợi dụng giá điện rẻ để mang những nhà máy có công nghệ bẩn đó để sản xuất, xuất khẩu kiếm lời. "Nhưng quan trọng nhất là cần đầu tư hàng tỷ USD vào các nguồn điện mới thì không ai đầu tư” - Tổng giám đốc EVN nói. 

Khi đưa ra dự báo về điện năng trong năm 2014, ông Thanh phấn khởi cho biết: “59 năm trôi qua, chưa có năm nào ngành điện dám tuyên bố “đủ điện” nhưng hiện nay, xin công bố với báo chí là EVN đã lo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có dự phòng”.

Cùng lý giải về nguyên nhân thiếu điện, GS Phạm Duy Hiển từng chỉ ra rằng nguyên nhân chính là do nền kinh tế có vấn đề.

Cụ thể, ông Phạm Duy Hiển cho biết, EVN được giao quản lý ngành điện nhưng giỏi lắm cũng chỉ lo được phần cung. Còn phần cầu là chuyện của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ và cả cỗ xe kinh tế.

Cầu vượt quá khả năng cung, điện ắt phải thiếu. Cầu quá nhiều nên EVN không kham nổi. Dùng quá nhiều điện mà sản sinh ra ít của cải, kinh tế yếu kém, điện vẫn cứ thiếu.

Ông Phạm Duy Hiển phân tích, khi cung thiếu, phải cúp điện vì trục trặc kỹ thuật, vì khô hạn gay gắt, hồ cạn nước, mà EVN lại không đủ dự phòng trong khi các nhà máy mới xây luôn chậm tiến độ là đây là lỗi của EVN và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam TKV).

Ông Hiển chốt lại: "Cả hai yếu tố cung - cầu nói trên đều có liên quan đến quy mô và tiềm lực nền kinh tế. Đòi hỏi cung vượt quá khả năng của nội lực chẳng khác nào muốn con ếch trương bụng lên to bằng con bò (ngụ ngôn La Fontaine). Cũng vậy, “cầu” quá nhiều thì sẽ lãng phí, chẳng khác nào bơm nhiều thức ăn vào đứa trẻ đau dạ dày hòng vỗ béo nó"

Cũng theo phân tích của GS Phạm Duy Hiển, xóa bỏ độc quyền EVN, đưa điện ra thị trường tự do, sẽ tạo ra mặt bằng cung - cầu mới lành mạnh hơn. Nhưng việc này phải kèm theo thay đổi cả hệ thống, có thị trường điện tự do mà các tập đoàn nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bao cấp, ưu đãi dưới những hình thức khác nhau, các cơ quan nhà nước vẫn xài điện bằng “tiền chùa”, thì rất khó chờ đợi những đột phá lớn. Vả lại theo lộ trình của Chính phủ, còn lâu mới có thị trường điện tự do.