Thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục sụt giảm

Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2012 là năm thứ 3 liên tiếp thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho rằng, để phát triển thị trường ô tô, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam cần một chính sách phát triển dài hạn, đồng bộ và ổn định. Theo ông Tuấn, thị trường ô tô Việt Nam có mức tăng trưởng khá đều đặn từ năm 2006 - 2009. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, thị trường có sự sụt giảm nhanh chóng. Đặc biệt, đến hết tháng 8/2012, sản lượng toàn thị trường chỉ đạt 64.520 xe, giảm 33% so với cùng kì năm 2011. VAMA dự báo, thị trường ô tô Việt Nam năm 2012 chỉ đạt khoảng 100.000 xe.
Trong khi đó, thị trường ô tô khu vực ASEAN 5 tháng đầu năm 2012 tăng 151% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó Thái Lan có mức tăng trưởng cao nhất lên đến 208%. Việt Nam là nước duy nhất có thị trường ô tô sụt giảm.
Các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: Phải chăng chỉ mỗi Việt Nam bị ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu? Hiện tượng này cần được các nhà hoạch định chính sách lưu tâm. Theo các chuyên gia, tác động chính làm ảnh hưởng thị trường vẫn đến từ các yếu tố nội tại.
Nguyên nhân được chỉ ra là thị trường Việt Nam vốn đã nhỏ hẹp lại bị phân tán cho quá nhiều phân khúc và nhiều nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, quy mô sản xuất cho từng phân khúc, từng dòng xe là rất nhỏ, khó thu hút được đầu tư vào sản xuất linh kiện.
Bên cạnh đó, ngành Công nghiệp phụ trợ lại kém phát triển. Theo số liệu thông kế, số lượng doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, 1/8 so với Malaysia và 1/50 so với Thái Lan.
Giá thành sản xuất ước tính tại Việt Nam cao hơn so với các nước ASEAN như Thái lan hay Indonesia, vì vậy, việc đầu tư sản xuất linh kiện để xuất khẩu cũng rất khó khăn. Các nhà đầu tư tập trung sản xuất các linh liện không yêu cầu công nghệ cao, chủ yếu nhằm khai thác yếu tố lao động giá rẻ và dồi dào.
Thị trường ô tô Việt Nam nhỏ, nhưng thường xuyên bị biến động dưới tác động của các chính sách thuế, phí từng năm làm thị trường biến động mạnh.
Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, cho rằng ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam muốn phát triển nhưng lại bị kìm hãm, bởi chủ trương chung vẫn muốn hạn chế sở hữu và sử dụng ô tô. Chính sách thuế và phí, kết hợp với khủng hoảng kinh tế thế giới và một số chính sách khác đang làm nản lòng người tiêu dùng.
Đại diện cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, ông Michael Behrens, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho rằng, chính sách và các sắc thuế đánh vào ô tô ở Việt Nam quá phức tạp. Muốn phát triển sản xuất lành mạnh thì rất cần một hệ thống các chính sách đáng tin cậy, lâu dài và minh bạch.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Liên Á Quốc tế - nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam, đề xuất các chính sách thuế và phí cần có sự ổn định lâu dài, hướng dẫn thực thi chi tiết, rõ ràng và nên tham vấn các chuyên gia trong ngành.
Trong khi chỉ ra sự bất bình đẳng khi áp thuế và phí giống nhau cho tất cả các loại xe, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki đưa ra 2 kiến nghị đó là: Nên áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỉ lệ nội địa hoá đạt được và áp dụng phí giao thông khác nhau cho các loại xe có dung tích khác nhau.
Để hài hòa giữa nhu cầu phát triển thị trường tiêu thụ ô tô và giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị, ông Andreas Klingler, Tổng Giám đốc Công ty Prestige Sport Cars - nhà phân phối xe Porsche tại Việt Nam, cho rằng không thể chờ đợi phát triển hạ tầng rồi mới phát triển thị trường ô tô. Vấn đề của Việt Nam là sự mất cân đối nghiêm trọng giữa thu nhập của người dân và giá xe.