Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy đã quy định việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này thì Hiệu trưởng các trường xem xét quyết định xét tuyển cho vào học.
Do vậy, Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc tổ chức thực hiện bổ sung kiến thức đối với thí sinh được xét tuyển vào các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng.
Ảnh minh họa.
Công văn nêu rõ, trên cơ sở quy định môn học bồi dưỡng kiến thức và đánh giá tại Quy chế tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng và xét tuyển vào học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với học sinh hệ dự bị đại học, Hiệu trưởng nhà trường xem xét xác định môn học, thời lượng môn học (Lưu ý: bổ sung kiến thức Ngoại ngữ và Tin học), phương án xét vào học chính thức theo trình độ và ngành học trên cơ sở nguyện vọng và điểm tổng kết cuối năm học bổ sung kiến thức của thí sinh và công bố công khai tới thí sinh.
Thí sinh được xét tuyển vào trường phải học bổ sung kiến thức các môn học theo quy định tại mục 1 và thời gian đào tạo bằng tổng thời gian học bổ sung kiến thức và thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo của ngành học.
Đối với trường đủ điều kiện (số lượng thí sinh đăng kí, đội ngũ cán bộ giảng dạy), Hiệu trưởng tổ chức lớp để bổ sung kiến thức cho thí sinh tại trường.
Bộ GD&ĐT cho biết, đối với trường không đủ điều kiện bổ sung kiến thức cho thí sinh, Hiệu trưởng tổ chức chuyển thí sinh về các trường dự bị đại học, dự bị đại học dân tộc, các khoa dự bị đại học hoặc các trường đủ điều kiện theo vùng để tổ chức lớp học bổ sung kiến thức theo yêu cầu.