Thừa điểm đỗ đại học nhưng lại bị điểm “liệt” xét tốt nghiệp
Ngày 24-7, các Sở GD-ĐT đã thống kê được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của địa phương mình. Điều khiến nhiều trường “ngã ngửa” khi điểm gửi từ cụm thi đại học về cho thấy học sinh trường mình đạt điểm khá cao với 3 môn thuộc khối thi xét tuyển ĐH nhưng lại thuộc đối tượng trượt tốt nghiệp vì bị điểm “liệt” 1 trong 3 môn bắt buộc.
Một hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội chia sẻ, lâu nay trường chưa có trường hợp nào trượt tốt nghiệp, nhưng năm nay một học sinh đạt 20,5 điểm 3 môn Văn, Sử, Địa, chắc chắn đủ điểm trúng tuyển đại học khối C nhưng lại bị 0,5 điểm môn Toán nên không thể tốt nghiệp THPT.
“Chúng tôi khá bối rối nhưng phải động viên phụ huynh, học sinh đăng ký chấm phúc khảo vì học sinh này khi căn cứ vào đáp án được công bố thì tự đánh giá mình có thể được 3 điểm” - Hiệu trưởng trường này cho biết.
Thí sinh lo lắng trước tình trạng bị điểm liệt mất cơ hội vào ĐH
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi do trường ĐH tổ chức, bao gồm những thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học đạt 94,74%. Như vậy có tới gần 6% thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và cũng mất đi cơ hội xét tuyển ĐH. Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục là nếu so sánh với đáp án và thấy có sự chênh lệch điểm thực tế so với điểm mình tự đánh giá thì các em có thể làm đơn xin phúc khảo ngay từ ngày 24-7.
Đây được coi là giải pháp duy nhất đối với các trường hợp này khi các em đứng trước nguy cơ phải chờ thêm 1 năm nữa mới được thi lại để được xét tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần khắc phục vấn đề học lệch dẫn tới tình trạng bị điểm “liệt” ở các môn mà mình không thi ĐH.
Kỳ thi khách quan hơn
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay đạt mức thấp nhất so với 5 năm gần đây. Tỷ lệ trượt tốt nghiệp lên tới 8,42% đồng nghĩa với hơn 80.000 thí sinh không vượt qua được kỳ thi này và sẽ phải chờ đợi 1 năm nữa để lấy thi lấy bằng tốt nghiệp. Đây là con số không nhỏ và sẽ là gánh nặng lớn với nhiều gia đình. Nhiều bậc phụ huynh chỉ có nhu cầu con mình đỗ tốt nghiệp thì cho rằng con mình bị thiệt thòi khi phải tham gia kỳ thi bao gồm cả mục đích xét tuyển ĐH.
“Bài thi quá khó so với trình độ của những học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp. Nếu như các năm trước, bài thi chỉ dành cho mục đích xét tốt nghiệp thì con tôi đủ tự tin để đạt điểm trung bình chứ không rơi vào trường hợp áp lực lớn với nỗi lo bị điểm liệt” - bà Lê Thị Ngoan, phụ huynh học sinh trường THPT Phùng Hưng, Thường Tín, Hà Nội chia sẻ.
Đồng tình với đánh giá thi cử cần hướng tới sự nghiêm túc, công bằng, thể hiện qua tỷ lệ tốt nghiệp không cao như mọi năm nhưng nhiều nhà giáo dục vẫn cho rằng việc ghép hai kỳ thi này vẫn chưa hoàn toàn giải quyết mọi vấn đề và vẫn nên giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp, thậm chí giao cho trường tổ chức để giảm áp lực.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đánh giá, tỷ lệ tốt nghiệp THPT giảm, chứng tỏ việc coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn. Ở khâu coi thi, việc giao cho các trường ĐH chủ trì ít nhiều đã làm cho kỳ thi khách quan hơn, ngăn ngừa việc các địa phương vì chạy theo thành tích mà buông lỏng kỷ luật.
Còn một lý do nữa là do kỳ thi có hai mục đích nên ở các cụm thi do ĐH chủ trì, giữa các thí sinh có tính cạnh tranh nên không xảy ra việc gian lận thi cử kiểu “tập thể”, thí sinh có ý thức làm bài thi nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các cụm thi do địa phương chủ trì là 84,45%, theo đánh giá của PGS Văn Như Cương là vẫn cao. Vì các cụm địa phương tập trung nhiều thí sinh có học lực trung bình trở xuống, không có nguyện vọng và điều kiện thi ĐH, nếu coi thi nghiêm túc thì sẽ có nhiều em không đạt yêu cầu. Nhưng dù sao so với các năm trước, tỷ lệ này vẫn gần với thực tế hơn.