Người dân ở khu phố 8/3 (phường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ai cũng quen mặt gia đình xe ôm của chị Tuyết. Chồng chị lái xe đã ngót nghét 20 năm, chị Tuyết cũng có thâm niên 5 năm, trời nắng hay mưa chị đều ngồi ở đây chở khách.
Chị Tuyết phân trần: “Là phụ nữ chân yếu tay mềm dễ gặp nguy hiểm khi làm nghề xe ôm này lắm, nhiều lần gặp nguy hiểm, bọn du côn nhưng may mình kịp phản ứng và cảnh giác".
Những người đi xe ôm của chị Tuyết chủ yếu là khách quen, cứ 20 phút điện thoại chị lại rung lên một lần với lời đề nghị chở khách đi khắp Hà Nội.
Chị tâm sự, ngày 8/3 có ý nghĩa với phụ nữ, đối với chị cũng vậy, nhưng do cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận. "Nhiều chuyến mình chở chị em đi làm, thấy họ được tặng hoa mình cũng thấy vui lây", chị Tuyết tếu táo nói.
Thời gian không có khách chị lại vui chơi với những trẻ em quanh khu phố. Chị Tuyết là người dễ gần nên được mọi người rất yêu quý.
Rất hiếm khi vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 chị được tặng những bó hoa đẹp. Nhưng đối với chị cuộc sống tinh thần quan trọng hơn, chỉ cần một lời động viên từ người chồng cũng thấy cuộc sống tươi đẹp hơn.
Mỗi khi có khách chị lại lên đường, giá chạy xe ôm của chị thường rẻ hơn những người khác, và đặc biệt không bao giờ đòi thách.
Nghề xe ôm tuy vất vả, nhưng trừ tiền xăng xe, ăn uống thu nhập trung bình một tháng của chị Tuyết cũng khoảng 3 – 4 triệu đồng.
Chở khách từ đường Kim Ngưu lên đường Cầu Giấy (dài 10km) vào giờ tan tầm nhưng chị cũng chỉ lấy của khách 40.000 đồng.
Trung bình, mỗi ngày chị Tuyết đi khoảng 70 - 80km nên tốn khá nhiều xăng, "giá xăng mới tăng nên chắc phải tăng giá xe ôm lên một chút thôi", chị thở dài.
Cầm lái cũng được 5 năm, chị Tuyết có ý định gắn bó lâu dài với nghề. Phần vì đã quen, mà nếu không làm xe ôm thì chẳng biết làm nghề gì khác.