Cháu bé nạn nhân là con của sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Thanh (ngụ thôn 4, xã Đức Tân, huyện Tánh Linh).
Ngày 25/10, sản phụ Thanh sinh bé trai nặng 3,3 kg tại Trạm Y tế Đức Tân, phản xạ tốt và bú mẹ bình thường. Lúc 14h35 ngày 26/10, bé được tiêm vaccine BCG (ngừa lao). Tuy nhiên, đến sáng 27/10, bé đột ngột tím tái và tử vong ngay sau đó. Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận đã lập hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá ca tử vong. Theo đó, lọ vaccine BCG có hạn sử dụng tháng 2/2015; dung môi có hạn sử dụng tháng 2/2016 và đều do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Từ ngày 23/9 đến 26/10, lọ vaccine và dung môi này đã được tiêm cho sáu bé trong đó có bé trai tử vong, các bé còn lại chưa ghi nhận những dấu hiệu bất thường.
Hội đồng tư vấn chuyên môn cho rằng bé tử vong không liên quan đến tiêm vaccine BCG. Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, căn cứ y văn và trên thực tế BCG đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ lâu và chưa có ghi nhận phản ứng sốc phản vệ sau khi tiêm, vì thế Sở Y tế kết luận bé trai này bị đột tử chưa rõ nguyên nhân.
Đến chiều 21/11, hai cháu bé ở TP Quy Nhơn (Bình Định) bị phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem vẫn đang được theo dõi tại khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh này. Đó là các cháu Phan Gia Huy (chín tháng tuổi, ngụ phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), bé Nguyễn Trần Nhật Nguyên (tám tháng tuổi, ngụ phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) nhập viện chiều 20/11 trong tình trạng bị sốt sau khi tiêm vaccine Quinvaxem vào sáng cùng ngày. Ngoài hai trường hợp trên, trong ngày đầu tiên tiêm vaccine Quinvaxem trở lại, tại TP Quy Nhơn còn có bốn cháu bé khác có phản ứng nhẹ sau tiêm.
Theo ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, các trường hợp trên là phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine. “Sở Y tế đã chỉ đạo đến từng cơ sở y tế, từng điểm tiêm tất cả trường hợp có phản ứng sau khi tiêm vaccine, dù nhẹ cũng đều phải nhập viện để theo dõi” - ông Hùng nói. TP Quy Nhơn là địa phương đầu tiên ở Bình Định tổ chức tiêm vaccine Quinvaxem trở lại, từ ngày 20 đến 22/11.