Không thể phủ nhận việc đăng cai Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) năm 2019 là một bước "khẳng định và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam". Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền dự trù chuẩn bị cho ASIAD bị đẩy lên gấp đôi, ở mức 300 triệu USD, đã dấy lên những lo ngại về khả năng khoản tiền ngân sách khổng lồ này tiếp tục bị đẩy lên cao nữa trong quá trình chuẩn bị.
Tổ chức ASIAD chỉ tốn bằng …một nửa SEA Games?
Cách đây hơn 10 năm, VN đăng cai SEA Games 22 - năm 2003. Đó là một đại hội mà đoàn thể thao VN đứng số 1 trên bảng tổng sắp huy chương. Nhưng đổi lại, khoản ngân sách để chi cho SEA Games 22 thực sự là con số khổng lồ mà sau này, nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự phải thừa nhận: “Quá khủng khiếp”. Dự trù kinh phí cho SEA Games 22 là 1.200 tỉ đồng (tương đương 90 triệu USD thời điểm đó). Thế nhưng, sau khi kết thúc SEA Games, tổng số tiền chi cho SEA Games đã gấp 4 lần dự chi, chạm ngưỡng 4.700 tỉ đồng (tương đương 300 triệu USD theo thời giá lúc đó).
Một trong những nguyên nhân khiến tổng đầu tư SEA Games bị đội lên là việc ngành thể thao và các địa phương đã khá “phóng tay” trong việc xây dựng các cơ sở vật chất. Sau 10 năm, hệ thống cơ sở vật chất SEA Games đã không phát huy được công suất, điển hình nhất là khu liên hợp thể thao Mỹ Đình với sân bóng đá tốn hơn 50 triệu USD, nhưng đến nay, đội tuyển bóng đá VN muốn đá ở sân này cũng phải thuê với giá rất cao.
Tại sao ngành thể thao lại “mạnh dạn” đăng cai ASIAD 18 với con số được cho là “tiết kiệm một cách kỷ lục”: 150 triệu USD? Khi lý giải con số này để Chính phủ đồng ý cho vận động đăng cai ASIAD, Bộ VHTTDL và Ủy ban Olympic VN cho rằng: Dự trù kinh phí ít ỏi như vậy (nếu so với con số 15 tỉ USD để tổ chức ASIAD Quảng Châu 16 - 2010, 2 tỉ USD dự trù của Incheon khi tổ chức ASIAD 17 - 2014) là chúng ta sẽ tận dụng được 80% cơ sở vật chất thể thao sẵn có (từ SEA Games 22, Indoor Games 2011). Những khoản đầu tư khác, như trường đua xe lòng chảo tổng đầu tư 500 triệu USD sẽ do Hàn Quốc hỗ trợ, làng VĐV dự trù 200 triệu USD sau ASIAD sẽ thu hồi vốn bằng cách bán lại cho người dân...
Chính vì những tính toán như vậy, Chính phủ đã đồng ý để ngành TDTT vận động đăng cai ASIAD 18 và tháng 11.2012, Hội đồng Olympic Châu Á quyết định trao quyền đăng cai ASIAD 18 cho Việt Nam.
5.475 tỉ đồng và thế …cưỡi lưng hổ
Cho đến phiên điều trần của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên của Quốc hội, đại diện bộ Tài chính công bố dự kiến khoản tiền ngân sách đảm bảo cho ASIAD đã vọt lên gấp đôi, ở mức 5.475 tỉ đồng - tương đương 300 triệu USD.
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng vụ TDTT cao 1 - cho rằng: “Việc ngành TDTT đưa ra con số 150 triệu USD để đăng cai ASIAD là con số không tưởng. Với kinh nghiệm của tôi, số tiền tối thiểu phải gấp 7-8 lần, tức là 1 tỉ USD, mà vẫn còn khó khăn. Nếu sau này kinh phí đội lên 2-3 tỉ USD thì ai chịu trách nhiệm?”.
Cũng theo ông Hồng Minh: “Chúng ta có 80% số cơ sở vật chất, nhưng chỉ là cái ...xác nhà, không thể cứ thế mà đưa vào sử dụng. Thực tế, hệ thống cơ sở vật chất chúng ta có thể đáp ứng được chỉ ...20%”. Ông Minh ví dụ, trường bắn ở TTHL thể thao QG 1 (Nhổn) đã xuống cấp, muốn sửa để đáp ứng yêu cầu thi đấu ở ASIAD thì cần phải tốn 300-400 tỉ đồng. Còn tổng thể thì trung tâm Nhổn cần 2.000 tỉ đồng để nâng cấp.
Để có thể đăng cai thành công một kỳ ASIAD, VN phải đầu tư chuẩn bị nhiều vấn đề như: Đào tạo VĐV, cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu, tổ chức điều hành, lễ khai mạc và bế mạc. Cách đây 4 năm, Trung Quốc đã tiêu vào lễ khai mạc ASIAD 16 diễn ra ở Quảng Châu tới ...60 triệu USD.
Còn để chuẩn bị lực lượng VĐV tốt, đáp ứng chỉ tiêu 15 HCV ASIAD 18, nhà nước sẽ phải chi khoảng ...7.000 tỉ đồng trong vòng 5 năm tới. Riêng mức đầu tư tập huấn 50 VĐV xuất sắc có khả năng đoạt HCV là khoảng 500 tỉ đồng (2 tỉ/năm/VĐV - trong 5 năm).
Hiện Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ VHTTDL đề nghị tính toán lại các nhu cầu cần thiết của các hạng mục (tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo VĐV...) khi có đề án tổng thể và chi tiết thì Bộ Tài chính mới có đủ căn cứ và dữ liệu để báo cáo Chính phủ để đồng ý đăng cai, tổ chức ASIAD 18.
Trong việc chuẩn bị đăng cai ngày hội lớn mang tên ASIAD 18, thể thao VN đang ở thế “cưỡi lưng hổ”. Con số 150 triệu USD đưa ra ban đầu là phi thực tế, trong khi mức tối đa mà ngân sách nhà nước phải chi cho sự kiện này chưa chắc dừng ở mức 5.475 tỉ đồng (300 triệu USD).
Ngoài ra, còn một số vấn đề khác mà ngành thể thao đưa ra thiếu tính toán như việc xây trường đua xe đạp lòng chảo (nội dung bắt buộc phải có) lên tới 500 triệu USD mà lại trông vào “túi” của đối tác nước ngoài, trong khi không tính toán đến điều kiện của họ mở dịch vụ đặt cược, dù luật cấm đánh bạc.
Mặc dù đang đối mặt với nguy cơ thiếu tiền trầm trọng và ở thế “cưỡi lưng hổ”, nhưng các chuyên gia cho rằng VN sẽ vẫn đăng cai ASIAD 18 (thay vì chấp nhận khoản tiền phạt lên tới 20 triệu USD, tương đương 400 tỉ đồng cho Hội đồng Olympic Châu Á). Song chính vì “rằng hay thì thật là hay” cái giá cho một sự kiện thể thao tầm châu lục sẽ mang rất nhiều dư vị ...“ngậm đắng nuối cay” với khoản tiền khổng lồ từ ngân sách.