Hôm qua, 1/1, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, người giành 3 HCV bơi lội tại SEA Games 27, đã lên đường sang Mỹ tiếp tục tập huấn dài hạn mà không được ăn Tết tại quê nhà. Không chỉ một mình Ánh Viên, các VĐV điền kinh, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, taekwondo… cũng sẽ xuất ngoại để thể thao nước nhà không rơi vào cảnh chiến thắng vang dội ở sân chơi khu vực nhưng thất bại ê chề ở đấu trường châu lục.
Mơ huy chương bơi lội Asiad
Để có được thành công tại SEA Games 27, kình ngư Ánh Viên suốt 2 năm qua gần như không có thời gian nghỉ ngơi. HLV trưởng đội tuyển bơi lội Việt Nam, ông Đặng Anh Tuấn, cho biết: “Không có quyết tâm lớn, Ánh Viên khó phá 2 kỷ lục SEA Games 400 m hỗn hợp và 200 m bơi ngửa. Guồng quay tập luyện, thi đấu, ăn, ngủ rất khắc nghiệt trong năm 2013 nhưng sẽ còn căng hơn với Ánh Viên trong năm nay bởi cô là niềm hy vọng giành huy chương bơi lội đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại Asiad”.
Ở sân chơi Asiad, Ánh Viên còn phải phấn đấu rất nhiều nếu muốn tiếp cận ngưỡng thành tích có huy chương. Ông Đinh Việt Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước, cho biết: “Ánh Viên mới 17 tuổi nên VĐV này là “của để dành” đối với Việt Nam tại Á vận hội 18 - 2019 mà chúng ta là nước chủ nhà”. Tổng cục TDTT và Hiệp hội Thể thao dưới nước sẵn sàng đầu tư mạnh cho Ánh Viên chỉ với mục đích tiếp tục cải thiện thành tích chứ không đặt ra áp lực huy chương với kình ngư này tại Asiad 17 sắp tới.
Không chỉ thêm một năm xa nhà dịp Tết, Ánh Viên sẽ không thể dự lễ tôn vinh VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam mà cô nhiều khả năng được bầu chọn là người xuất sắc nhất. Theo ông Tuấn, thành tích ở nội dung 200 m bơi ngửa của Ánh Viên hiện đứng ở tốp 3 châu Á và nếu tiếp tục cải thiện cũng như đạt phong độ cao nhất, Ánh Viên có quyền mơ một HCB Asiad!
Cẩn trọng kẻo ngủ quên
Nhắc lại kỷ niệm buồn ở Asiad 16 năm 2010 tại Quảng Châu, thể thao Việt Nam vừa thắng lớn ở SEA Games 25 - 2009 nhưng lại thất bại hoàn toàn ở chỉ tiêu: chỉ giành duy nhất 1 HCV dù mục tiêu là 4-6 chức vô địch. Việt Nam hụt hơi với các nước trong khu vực khi Thái Lan có 7 HCV, Malaysia 6 HCV, Singapore 4 HCV, Philippines 2 HCV. Vì thế, năm 2014 là cơ hội để chứng tỏ thể thao Việt Nam không chỉ làm mưa làm gió ở “ao làng” mà còn có những vận động viên tầm cỡ châu lục.
Tuy nhiên, nhiều môn thể thao chủ lực của Việt Nam chưa đạt tầm châu Á. Điền kinh vừa tạo tiếng vang với 10 HCV ở khu vực nhưng thông số thành tích của các VĐV như Vũ Thị Hương (HCV SEA Games 100 m và 200 m), Nguyễn Văn Lai (HCV SEA Games 5.000 m và 10.000 m) vẫn chưa lọt vào được nhóm giành huy chương châu lục. Bắn súng và cử tạ Việt Nam dù có những VĐV đủ khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic nhưng cũng không thực sự tự tin giành được HCV Asiad.
Chuẩn bị lực lượng cho năm 2019
Ngành thể thao chỉ đặt chỉ tiêu 2 HCV nhưng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, với vị thế là chủ nhà của kỳ Á vận hội 2019 thì tại Incheon (Hàn Quốc), Việt Nam cần phấn đấu có thứ hạng trong 15 đoàn dẫn đầu, nếu lọt vào tốp 12 càng tốt.
Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, tuy nhiên, ngành thể thao cũng đang phải cân đối cả những phương án trước mắt và dài hạn. Nhiều môn như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, taekwondo, karatedo, judo, vật, bắn súng, boxing, cử tạ… được giao nhiệm vụ phải đưa VĐV trẻ đi thi đấu để chuẩn bị lực lượng cho năm 2019.