Thể thao TP.HCM thuê 13 chuyên gia nước ngoài

TP.HCM đã mời 13 chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội bơi, bóng chuyền, bóng bàn, bắn súng, bóng rổ (Philippines), aerobic, thể dục dụng cụ (Bulgaria), đấu kiếm (Nga), điền kinh (Ukraine, Uzbekistan)...

Ngoài việc thuê chuyên gia, ông Mai Bá Hùng - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCMcho biết, TP.HCM còn có kế hoạch đưa VĐV trẻ ra nước ngoài tập huấn để nâng cao trình độ.

Ông Mai Bá Hùng. (Ảnh: T.P.)

* Tiêu chí chọn chuyên gia như thế nào và mức lương ra sao, thưa ông?

- Đầu tiên qua các mối quan hệ, chúng tôi sẽ đánh giá thành tích của họ trong quá khứ. Kế đến, chúng tôi sử dụng nhiều kênh thông tin từ bộ môn, liên đoàn các nước bạn... để thẩm định năng lực từng người. Dù vậy để hạn chế sai lầm, chúng tôi chỉ ký hợp đồng với chuyên gia theo từng năm. Mức lương của họ tùy thuộc chất lượng nhưng trung bình 1.500 USD/tháng.

* Kinh phí cho việc thuê chuyên gia được lấy từ đâu?

- Mức lương cơ bản của các chuyên gia là từ ngân sách “nguồn nhân lực” của UBND TP.HCM cấp. Còn lại chi phí sinh hoạt, ăn ở và những phát sinh khác sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng có trách nhiệm quản lý, chăm lo cho chuyên gia bóng rổ, bida, bóng chuyền... Trung tâm TDTT Thống Nhất lo cho chuyên gia điền kinh, Trung tâm TDTT Phú Thọ lo cho vovinam... Chuyên gia môn bơi, bắn súng, bóng bàn, thể dục dụng cụ, wushu sẽ do Trường Năng khiếu nghiệp vụ đảm nhận. Việc làm này giúp giảm nguồn chi ngân sách và công tác quản lý cũng sát hơn so với việc Trường Năng khiếu nghiệp vụ phải quản lý tất cả các môn như trước đây.

Ngoài ra, ở môn shorinji kempo, Indonesia cử chuyên gia sang theo chương trình hợp tác giúp VN phát triển môn này nên chúng ta chỉ lo ăn ở và một mức lương tượng trưng cho chuyên gia. Môn cờ vây do được xã hội hóa tốt nên có thể tự mời chuyên gia Hàn Quốc Lee Kang Wook, sở chỉ giúp về mặt thủ tục và một khoản phí hỗ trợ không đáng kể.

 * Thể thao VN lâu nay tồn tại tình trạng các chuyên gia nước ngoài không tìm được tiếng nói chung với đội ngũ huấn luyện người Việt. Ông có giải pháp gì cho vấn đề này? 
 

- Đây quả thật là vấn đề đau đầu cho những nhà quản lý. Nguyên nhân mâu thuẫn có thể từ đội ngũ huấn luyện người Việt nhưng cũng có khi xuất phát từ chuyên gia nước ngoài hoặc chỉ là bất đồng quan điểm. Vì vậy, tôi giao bộ môn đề xuất tên chuyên gia và điều này giúp họ phải có trách nhiệm giúp chuyên gia được thuê hoàn thành nhiệm vụ. Như đã nói ở trên, giao các đội về cho các trung tâm sẽ giúp việc quản lý được sát hơn và có người kịp thời giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn.

Sẽ thuê “quân xanh” cho Tiến Minh

Về việc không đề xuất thuê chuyên gia nước ngoài cho môn cầu lông, ông Hùng cho biết: “Trước đây chúng ta từng thuê chuyên gia người Indonesia Asep với mức lương 5.000 USD/tháng và ông Asep đã hoàn thành nhiệm vụ khi truyền đạt nhiều kiến thức huấn luyện cho các HLV người Việt như Nguyễn Anh Hoàng, Nguyễn Thế Huy...

Hiện đội ngũ này đủ sức đào tạo VĐV trẻ. Đối với các tài năng, nếu cần chúng tôi sẽ cho ra nước ngoài tập huấn bởi như vậy tốt hơn và có lợi hơn về kinh phí. Để tay vợt Nguyễn Tiến Minh có được phong độ cao nhất ở Olympic London 2012, bộ môn và Liên đoàn Cầu lông TP.HCM đang xem xét mời “quân xanh” là các tay vợt nước ngoài có đẳng cấp giúp Tiến Minh tập luyện.