Các hiện vật này đều mang dáng dấp kiểu quả cân theo (dạng hình thang), được chế tác từ đá vôi xanh có chủng loại tương tự như đá dùng để xây thành nhà Hồ, có lỗ tròn xuyên qua phần thân phía trên, trọng lượng lên tới hàng tấn.
Theo PGS.TS.Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học thì đây có thể là đối trọng của đòn bẩy bắn đá (súng bắn đá cơ học) được dùng để bắn các viên bi đá phục vụ quân sự của nhà Hồ. Vào điểm cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15, đây có thể xem là loại vũ khí cơ học đóng góp vào công tác phòng thủ của nhà Hồ và công cụ này còn được các triều đại phong kiến về sau sử dụng lại.
Ngoài ra, theo quan điểm của một số các nhà nghiên cứu khác, đây chính là đối trọng của ròng rọc kéo đá lên xây thành. Theo đó, vào thời điểm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, khi kỹ thuật xây dựng còn chưa phát triển, đa phần còn dựa vào sức lao động thủ công thì việc phát minh ra ròng rọc kéo đá lên cao được xem là sự sáng tạo tài tình của những thợ xây dựng thời Hồ.
Tùy thuộc vào khối lượng của những khối đá lớn hay nhỏ cần kéo lên để xây dựng mà những người thợ có thể dùng kết hợp một hoặc nhiều dụng cụ này để làm đối trọng cho ròng rọc.
Một trong số hiện vật này đã được đưa vào trưng bày tại phòng trưng bày bổ sung của khu Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ phục vụ du khách tham quan.
Nhiều cụ cao niên ở địa phương lại cho rằng, qua các câu chuyện của cha ông kể lại thì đây là một loại công cụ được nhà Hồ sử dụng vào việc cột voi, một trong những loại động vật được nhà Hồ sử dụng phổ biến trong việc vận chuyển đá.
Qua công tác khai quật khảo cổ và thống kê, thời gian gần đây, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ liên tục phát hiện nhiều công trường khai thác đá cổ xây thành cũng như hiện vật liên quan đến quá trình tồn tại thành nhà Hồ. Mới đây, các các bộ trung tâm đã phát hiện một chiếc giếng cổ được cho là đã có hàng trăm năm tuổi nằm ở trung tâm làng Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc).