Thanh Hóa gắn du lịch với di sản văn hóa

Thanh Hóa là vùng đất nổi tiếng, nơi lưu giữ các di chỉ của văn hóa Ðông Sơn và là nơi sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi,... Thanh Hóa cũng có hàng nghìn di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp, nhất là Thành nhà Hồ.

Tất cả  những di vật, di tích ấy hiện còn lưu giữ trong dân, nằm trong lòng đất, được thế hệ hôm nay và mai sau sưu tầm, gìn giữ, và phát huy tác dụng. Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa công tác bảo tàng và Bảo tàng Hoàng Long ra đời cùng Chi hội Di sản văn hóa Hoàng Long được thành lập trên tinh thần và chủ trương đó. Bảo tàng kết hợp sưu tầm, lưu giữ, trưng bày hiện vật với việc tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa và phát triển du lịch ở Thanh Hóa.

Du khách tham quan di tích Thành Nhà Hồ

Khi mới thành lập, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Hoàng Long Hoàng Văn Thông đã cho rằng, có nhà bảo tàng rồi cần phải có những người tâm huyết, yêu nghề, yêu hoạt động di sản văn hóa, hợp sức lại để quảng bá, tuyên truyền và đẩy mạnh sự nghiệp bảo tàng tư nhân, một mô hình đang cần sự quan tâm của xã hội. Vì vậy, Chi hội Di sản văn hóa Hoàng Long ra đời. Từ đó đến nay, nhờ có sự thống nhất, nỗ lực làm việc, chi hội đã làm được những việc đáng ghi nhận. Từ việc xây dựng biểu tượng Bảo tàng Hoàng Long đúc bằng đồng cao hơn một mét cho đến đúc thạp đồng cỡ lớn và gần đây chi hội đã đúc được trống bằng đồng giả da đánh cả hai mặt khá độc đáo, là một ý tưởng mới cho tư duy sáng tạo về việc khai thác chất liệu đồng để làm nhạc khí. Chi hội đang tiến hành làm thử nghiệm một số sản phẩm hàng lưu niệm du lịch bằng chất liệu đồng và chất liệu tổng hợp, lấy hình tượng đặc điểm của thiên nhiên và con người xứ Thanh làm nội dung thi công tác phẩm. Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh, dân số bốn triệu người, đất rộng 11 nghìn km2, có vùng kinh tế  miền núi, trung du, đồng bằng và miền biển, nhiều nhân tài đã lao động sáng tạo làm nên những trang sử chói lọi cho quê hương. Hằng năm, vùng đất này đã thu hút hàng triệu lượt du khách. Tuy nhiên, những sản phẩm, mặt hàng lưu niệm cho du lịch thì gần như không có gì đặc sắc, mang đặc trưng địa phương.

Sự trăn trở ấy của chi hội đã thức tỉnh nhiều hội viên. Muốn góp phần vào công tác bảo tồn di sản, không có cách nào hơn là phải đẩy mạnh công tác du lịch thông qua quảng bá di sản của tỉnh, trong đó Bảo tàng Hoàng Long là một điểm đến của du khách. Vừa qua, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ đến tham quan, đã đưa nhiều mẫu vật của bảo tàng về Mỹ thẩm định. Sau một thời gian kiểm nghiệm, họ đánh giá đó đều là cổ vật quý hiếm đúng với hồ sơ lưu giữ của bảo tàng. Sự lồng ghép giữa lý luận, đánh giá cổ vật, lưu giữ, trưng bày cũng như phát huy giá trị văn hóa với sự thu hút khách du lịch đến bảo tàng tham quan là một việc làm rất có ý nghĩa đối với xu thế phát triển du lịch của Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập. Ðể hoàn thiện từng bước tổ chức hội nghề nghiệp, Chi hội Di sản văn hóa Hoàng Long đặt ra những nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là vừa sưu tầm quảng bá, vừa tìm tòi cái mới như phục chế cổ vật, sáng tác mẫu lưu niệm, khai thác và quảng bá văn hóa phi vật thể, tạo không gian văn hóa sôi động ở bảo tàng Hoàng Long, nơi sinh hoạt và giao lưu văn hóa của chi hội, một điểm đến đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân và du khách. Với một thiết kế lồng ghép, gần ba chục hội viên đang hoạt động khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa, Chi hội Di sản văn hóa và Bảo tàng cổ vật Hoàng Long đã tạo ra những việc làm, những bước đi mang tính nghề nghiệp có chất lượng để phục vụ nhân dân trong tỉnh cũng như du khách trong nước và ngoài nước.