Tuy nhiên trong báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa lại cho biết số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi chỉ có 32.
Ngày 20/4, nguồn tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa có Chỉ thị số 09 về việc chủ động phòng chống dịch sởi năm 2014. Trong chỉ thị nêu rõ báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho thấy từ đầu năm đến nay đã ghi nhận được 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó qua xét nghiệm, có 9 trường hợp dương tính với virus sởi ở 7 huyện, thị, thành phố và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trước tình hình bệnh sởi có sự gia tăng lây lan trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố của địa phương này khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từng cấp, đồng thời phải bảo đảm số thuốc, trang thiết bị chống dịch, không để xảy ra tử vong.
Điều bất ngờ là con số báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa lại thấp hơn rất nhiều so với con số thống kê bệnh sởi của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh viện này đã có khoảng 130 bệnh nhân nhập viện bị sốt phát ban dạng sởi.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 4 tới nay, số lượng bệnh nhân tăng đột biến và hiện có 59 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trong đó có 8 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, biến chứng. Đặc biệt trong ngày 18/4, có tới 13 bệnh nhân sởi nhập viện điều trị.
Thạc sỹ Ngô Việt Hưng, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, khẳng định hầu hết các bệnh nhi nhập viện nhiễm bệnh sởi có độ tuổi dưới 15 tháng, chủ yếu là từ 6 - 9 tháng tuổi. Những trường hợp mắc sởi chủ yếu rơi vào trường hợp chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng. “Hiện có 8 bệnh nhân bị bệnh nặng đang được theo dõi điều trị, nhưng bệnh tiến triển rất chậm, trong đó có 1 bệnh nhân bị rất nặng đang phải thở bằng máy” - ông Hưng nói.