9 người bị nhập trong ngày 9/3
Ngay sau buổi lễ dâng đôi bê cúng "thần xà" diễn ra, ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội tỏ ra vui mừng lắm. Ông bảo, buổi lễ đã diễn ra tốt đẹp. Ông cũng xác nhận: Vài ngày trước khi diễn ra buổi lễ, tình hình ở địa phương đã yên ắng trở lại, không có thêm người bị "thần xà nhập", ngoại trừ việc một nhánh rễ cây đa trong miếu - được cho là nơi trú ngụ của "thần xà" tự dưng rung bần bật vào tối 27 tháng Giêng (tức ngày 8/3 dương lịch), một sự kiện "rất lạ lùng".
Thế nhưng, khi dòng người từ các nơi ùn ùn đổ về miếu Vạn Phúc vào buổi chiều ngày 28/2 (Âm lịch), màn lễ bái của dân chúng vẫn đang tiếp tục thì tin tức cũng liên tục dội về Ban Quản lý. Theo đó, từ khoảng 11 giờ trưa đến 17 giờ chiều, cả thảy có tới 9 người bị "nhập", trong đó có cả nam giới. "Hầu hết đều là người ở nơi khác, duy nhất có trường hợp chị Triệu Ngọc Ánh là người ở làng bị nhập lần hai", ông Thủy cho biết. Cũng cần nhắc lại rằng, chị Ánh là người đầu tiên bị "thần xà nhập" vào tối hôm rằm tháng Giêng.
Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người tham gia lễ hội. Theo mô tả của ông Thủy thì có người cứ lao đến... đập đầu vào gốc cây đa, có người lại trèo tót lên cây. Nhiều người trong số đó đã phải đưa đi bệnh viện, "nhưng sau khi ra viện, họ lại đến miếu và tiếp tục... lao đầu vào gốc cây", giọng ông Thủy ra chiều ngạc nhiên.
Người dân Vạn Phúc thêm một lần nữa xôn xao. Có người tỏ ra bán tín bán nghi. Thế nhưng, chuyện diễn ra trước hàng chục người càng đẩy sự ly kỳ, huyền bí lên cao, họ càng tin vào sự linh ứng của "thần xà".
Chuyện "rắn thần" không hề lạ!
Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác, người có nhiều năm nghiên cứu về tâm linh cũng đã dành thời gian quan tâm tới câu chuyện ở Vạn Phúc trong những ngày qua. Ông mở đầu bằng việc kể cho tôi nghe hai câu chuyện liên quan tới con rắn được ông xác minh và in trong cuốn sách Nhân Quả xuất bản mới đây.
Chuyện là, ở chùa Ngòi (Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh) thường tổ chức những khóa thiền. Lần ấy, sư thầy ở chùa mời ni cô Lê K. mãi trong Đà Lạt ra. Trước khi đi, ni cô làm lễ Phật thì thấy có một con bướm to đậu vào mắt tượng Phật, sau đó biến thành vong một con rắn. Vong rắn mới nói rằng: "Người giết con (rắn xanh to) ở Tây Nguyên thời kháng chiến chống Mỹ xâm lược đang tu ở chùa Ngòi - Bắc Ninh, con đã theo ra đó" nhưng ni cô cũng không để ý.
Khi ra đến chùa Ngòi, ni cô đi qua lều của một người thì thấy vong con rắn xanh hôm trước đang quấn quanh người này. Ni cô hỏi thì con rắn bảo đó chính là người đã giết mình mấy chục năm trước. Người này cũng thừa nhận hồi ở rừng Kon Tum - Tây Nguyên, ông thường cho chiến sĩ liên lạc bắt rắn rồi chặt đuôi, cho máu chảy vào cốc rượu uống để chống lại sốt rét. Không ngờ vong của con rắn ấy lại theo ông mấy chục năm trời.
Cùng với đôi bê sống, mâm cỗ cúng "thần xà" ngay dưới gốc đa còn có trứng và thịt sống.
Lại một trường hợp khác là ở đền thờ nữ tướng Bát Nàn (Việt Trì, Phú Thọ). Bà vốn là một vị tướng thời Hai Bà Trưng. Một thời gian dài, ngôi đền thờ Bà bị bỏ hoang. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, người dân đã cùng chung sức xây dựng lại ngôi đền. Lạ lùng là trong quá trình làm đền, có một con rắn trắng xuất hiện, bất kể ngày đêm, mưa nắng cũng không đi đâu. Dân làng liền nấu xôi, gà ra cúng, lấy ô che mưa che nắng cho rắn. Sau này, ông Phác vẫn quay trở lại đền và thi thoảng gặp con rắn ấy. Người ta gọi đó là "rắn thần" về trông coi ngôi đền.
"Rõ ràng, con rắn cũng như tất cả con vật khác đều có linh hồn như con người. Do vậy, câu chuyện rắn thần nhập vào người ở Vạn Phúc là hoàn toàn có cơ sở để tin", ông kết luận.
Tuy nhiên, việc cúng đôi bê sống dâng "thần xà" rồi "phóng sinh" (theo như lời của ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường) bằng việc giao cho hai gia đình nghèo nuôi dưỡng đang có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, việc cúng bê sống rồi đem làm từ thiện như thế mà gọi bằng từ "phóng sinh" là chưa chuẩn.
Hàng mã hình rắn, ngựa trong buổi lễ cúng "thần xà".
Phóng sinh phải xuất phát từ tâm
Tôi đem câu chuyện cúng bê sống dâng "thần xà" ở Vạn Phúc tới gặp Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh. Ông cho rằng, làm như thế cũng phù hợp với đạo Phật là không sát sinh. Việc giao cho hai gia đình khó khăn chăn nuôi đôi bê "lộc" này thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, gọi đó là phóng sinh thì không đúng. Ông Tĩnh dẫn giải: Phóng sinh nghĩa là giải thoát sự sống. Lâu nay, người ta thường gắn việc phóng sinh với chim, cá (trong ngày cúng ông Công ông Táo) nhưng "thực tế, việc phóng sinh dành cho tất cả những sinh vật bị nhốt, bị đe dọa giết thịt với tấm lòng từ bi của con người".
Luận Đại Trí độ có nói: Trong các tội ác, ác nhất là sát sinh. Trong các công đức, công đức lớn nhất là không sát sinh. Kinh Phạm Võng thì cho rằng, chúng ta phải trải qua rất nhiều đời mới thành người. Rất có thể, kiếp trước của cha mẹ chúng ta là con chim, con rắn... Việc ăn thịt các con vật chẳng khác nào ăn thịt chính cha mẹ mình, giải thoát các con vật cũng chẳng khác nào giải thoát cho cha mẹ, bởi dưới con mắt luân hồi thì ai cũng là cha mẹ. Kinh Dược Sư cũng giải thích ý nghĩa của phóng sinh là làm tăng phúc, thọ cho con người... Đạo Phật quan niệm không sát sinh, phóng sinh là vì thế!
"Như vậy, việc dân làng Vạn Phúc cúng bê sống dâng "thần xà" rồi giao cho người nghèo nuôi không thể gọi là phóng sinh. Bởi lẽ, việc phóng sinh phải hoàn toàn xuất phát từ tâm. Trong khi mục đích ban đầu của việc cúng này lại là để dâng "thần xà"", ông Tĩnh chỉ ra.
Cùng chung quan điểm, Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cũng cho rằng, việc cúng đôi bê sống như ở Vạn Phúc không thể gọi là phóng sinh mà thiên về việc làm từ thiện nhiều hơn. "Cái đó cũng đáng khuyến khích", ông nói.