Sự lựa chọn nào cũng có giá của nó
Buổi nói chuyện của chúng tôi bắt đầu từ lúc 11h30 trong một quán cà phê quen, của Hà. Tôi nhìn cách mọi người chào hỏi Hà, cách Hà thân quen với mọi thứ ở nơi này và tự hỏi: “một người nhiều tình cảm như thế, khi buộc phải bước vào con đường đơn độc nuôi con chắc không tránh được nhiều lúc yếu mềm và nuối tiếc?!”. Thế nhưng, tôi đã lầm.
Hà vào đời khi chỉ 17 tuổi. Gần 20 năm lăn lộn với đời, với nghề, một trong những thứ quý giá Hà có được chính là khả năng chịu đựng trước biến cố. Người phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi vừa có vẻ mặn mà, dịu dàng của gái một con, vừa có nét kiên định ương bướng khó diễn đạt bằng ngôn từ. Tôi mở lời: “làm mẹ đơn thân đã hơn ba năm, có bao giờ Hà thấy lòng nuối tiếc vì đã đánh mất một gia đình?”.
Hà cười. Cô bảo, mình không phải là mẫu người sống lụy quá khứ. Không ai từ chối một hạnh phúc tròn đầy nhưng nếu cuộc đời đã đưa đẩy cho mình gặp gỡ một nửa chưa phải là của nhau thì cách sửa sai duy nhất chính là dũng cảm từ bỏ nó. Khi yêu, Hà yêu hết mình, khi sống, Hà sống với người yêu bằng tư cách một người-đàn-bà-đích-thực chứ không phải là một Thân Thúy Hà người mẫu, diễn viên. Đã cho đi hết đến tận cùng thì khi phải buông, cũng không còn lí do gì để lưu luyến. Cô hóm hỉnh: “Thực tế đã chứng minh rằng chỉ những người đàn ông đã yêu Hà sau khi rời xa mới thấy nuối tiếc vì đã đánh mất Hà. Còn Hà thì không”.
Thực tế nữa là thời gian Hà sống với chồng quá ngắn ngủi. Khi chưa kịp làm quen sự có mặt của nhau trong đời thì hai vợ chồng đã đường ai nấy bước. Chưa kịp thích nghi nên không thấy nhiều hụt hẫng, Hà bỏ mọi thứ lại phía sau, bắt tay vào lao động cật lực nuôi bé Duy Anh, lúc đó mới tròn năm tháng. “Cuộc chiến” của một bà mẹ đơn thân với đứa con trai nhỏ tưởng như đầy cam go nhưng với Hà nhẹ như không. Sinh ra trong gia đình nghèo, 16 tuổi đã là trụ cột cộng với kinh nghiệm nuôi cháu nên một mình chăm con thành ra lại chẳng là vấn đề gì ghê gớm. Hồi xưa muốn đi đâu làm gì, về lúc nào chẳng cần suy nghĩ. Bây giờ lịch làm việc, tự do cá nhân, chi tiêu hằng ngày đều có sự điều chỉnh nhưng đó là những trách nhiệm mang lại niềm hạnh phúc. Hà bảo, cô luôn nghĩ bản thân sau khi li hôn có chết cũng phải dành quyền nuôi con vì cô có thể sống không tiền, không nhà nhưng không thể thiếu con bên cạnh. Hà hãnh diện vì được làm mẹ, được yêu thương và chứng kiến sự khôn lớn hằng ngày của bé Duy Anh.
Hà chia sẻ thêm, xã hội từ bao đời nay luôn đóng khung một quan niệm, rằng người đàn bà phải buộc vào một người đàn ông mà không quan tâm người trong cuộc xem đó là niềm hạnh phúc hay một kiểu cầm tù. Cho nên họ lên án những người chọn cuộc sống đơn thân là ích kỉ, chỉ muốn thỏa mãn cái tôi của riêng mình. Họ không biết, tất cả mọi cuộc đổ vỡ đều mang theo một vài uẩn khúc trong đó. Hơn ai hết cô hiểu, mong ước lớn nhất của người phụ nữ là được sống trong gia đình hạnh phúc, được yêu thương chăm sóc chồng con. Vì hoàn cảnh họ buộc phải rẽ sang một lối khác không trọn vẹn. Hà không cổ xúy mọi người chọn con đường đơn thân nhưng cô đồng cảm với những ai cùng hoàn cảnh vẫn biết vượt lên khó khăn để làm chủ cuộc sống mình. Bởi họ vừa phải làm việc kiếm sống gấp đôi, gấp ba người khác, vừa thực hiện tốt việc nuôi con, thậm chí đóng góp cho xã hội. Chỉ những người vô cảm, đố kị mới chê bai, phê phán và nhìn họ bằng cặp mắt kì thị.
Đến bây giờ, sau hơn ba năm li hôn, Hà vẫn chưa gặp lại người đàn ông đã từng được gọi là chồng mình. Chẳng phải hận, cũng không phải còn yêu, đơn giản chỉ là chưa có chuyện gì cần phải gặp. Duy Anh cũng ít khi hỏi đến ba, dù bé vẫn yêu thương ba như mẹ.
Sáng sáng hai mẹ con ra khỏi nhà cùng lúc, Hà đi quay, bé Duy Anh đi học. Chiều nếu không có lịch Hà sẽ đón con về cùng ăn cơm, nhìn con tự thay đồ, tắm rửa. Hà tập cho con tính tự lập từ rất sớm. Tuy vậy cô ít khi dùng đòn roi mà chủ yếu là trò chuyện. Cũng may là Duy Anh rất biết nghe lời. Hiện tại, ngoài hai mẹ con, trong nhà Hà còn có thêm dì của Duy Anh, bà ngoại và bốn đứa cháu của Hà vì thế bé không bao giờ thiếu “bạn”. Có nhiều cuối tuần được mẹ đưa đi chơi nhưng bé cứ muốn về nhà với bà, dì và mấy anh. Ba Duy Anh đi làm xa nên chỉ có ông bà nội hay gặp bé. Khi có việc ông bà vẫn gọi Hà qua chơi và giới thiệu là con gái. Với cô, mọi thứ đã xong rồi thì thôi. Con người vẫn phải tiếp tục sống bởi không có sự lựa chọn nào mà không có cái giá của nó. Quan trọng là người ta biết cách “xây lại tương lai trên tro tàn hạnh phúc”.
Mải trò chuyện con cái, chúng tôi quên cả giờ trưa. Dường như, đối với những người phụ nữ, câu chuyện về thiên thần của mình chưa bao giờ tìm được hồi kết. Ly cà phê trên bàn sắp cạn, nắng ngoài phía hồ con Rùa đã vàng lên một màu rất gắt, một hồi lâu, Hà bỗng phá tan bầu không khí: “Hà nghĩ hôn nhân cũng như đi buôn vậy. Nếu đã lỡ bị lỗ vốn rồi thay vì cứ ngồi khóc chi bằng mình rút kinh nghiệm cho lần sau”. Tôi cười to. Thì ra trong sâu thẳm tâm hồn tưởng cứng như đá tảng của cô gái này vẫn còn chỗ cho “toan tính”… lần sau. Cũng đúng thôi. Con chim đậu phải cành cong dù có vấp ngã một lần nhưng không thể cứ suốt đời tìm đất bằng đến đậu. Hà còn trẻ, lại còn xinh đẹp như thế, không theo người thì người cũng tự nguyện theo, chắc chẳng thể tránh khỏi thêm một lần vướng vào lưới tình lồng lộng.
Hà nói, cô vẫn còn rất nhiều niềm tin vào tình yêu, có điều hiện tại chưa có thời gian hẹn hò gặp gỡ. Thời điểm này, cô đang quay một lúc 5 bộ phim, lịch làm việc bao giờ cũng dày đặc. Hà may mắn có công việc yêu thích, đem lại thu nhập đủ sống, cô phải cực lực làm việc để đảm bảo tương lai vững chắc không chỉ vì bản thân mà còn vì con. Vì thế, cho đến bây giờ, chưa có một đám cưới nào nữa tồn tại trong suy nghĩ của cô, thay vào đó là làm thế nào để nuôi con một cách tốt nhất. Tuy nhiên, chính Hà cũng phải công nhận, rằng cuộc đời này thứ nhiều nhất chính là bất ngờ. Có thể hôm nay nói như thế nhưng ngày mai lại vấp phải… một người đàn ông, rồi định mệnh lại an bài cho mình, thêm một lần sang ngang nữa.
Hà khuấy khuấy ly nước rồi nhìn hơi xa xăm. (Trong suốt buổi trò chuyện, tôi vẫn thấy cô gái tự nhận mình là người rất-thực-tế này có vài ba lần hành động mơ màng như thế). Hà nói, cô mong muốn một người đàn ông thông minh. Chỉ những người thông minh mới biết cách muốn đi đến trái tim của một người đàn bà đã có con là phải bắt đầu thương yêu từ đứa con của họ. Duy Anh giống như là không khí của Hà, vì thế người đàn ông sau này cũng phải yêu Duy Anh, biết cùng Hà chia sẻ việc nuôi dạy con. Đối với Hà, việc này không có gì khó khăn bởi bản thân cô đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Người bạn trai trước của Hà cũng đã có một đứa con riêng và thay vì xa cách Hà, bé lại thương và quấn Hà nhất. Con người ta không thể sống mà không yêu, nhưng yêu đúng người, đúng lúc, mới không làm vết thương cũ rỉ máu. “Hà sẽ ngừng yêu đến lúc nào chắc chắn mình đã sẵn sàng để đón nhận người mới mà không làm tim đau thêm lần nữa”.
Lúc chia tay tôi hỏi: “Hà có nghĩ vì hồng nhan nên mới đa truân?”. Cô cười: “Cũng không đúng với tất cả. Rất nhiều người phụ nữ vừa đẹp vừa thành công lại tìm được hạnh phúc thật sự, mình nên mừng cho họ vì ít ra trong một nửa này của thế giới vẫn còn có người được may mắn. Hơn nữa, Hà thấy bản thân Hà cũng không đa truân lắm. Đó chỉ là một chút sóng gió để thử thách bản lĩnh của mình. Đời bất công lúc này rồi sẽ trả lại công bằng cho mình lúc khác. Hà luôn tin hạnh phúc quanh đây, có điều chưa tìm đúng chiếc vung vừa vặn với... chiếc nồi này thôi. (Cười). Một ngày nào đó Hà sẽ tìm thấy và nắm thật chặt. Chắc chắn thế”.
Hiện nay Thân Thúy Hà đang bận rộn với lịch quay 5 bộ phim cùng lúc như Doanh nhân của đạo diễn Phương Điền, Vết dầu loang của đạo diễn Trọng Hải, Dòng sông thương nhớ của đạo diễn Nam Yên… Trong tất cả những phim này, Hà đều đảm nhận vai hiền lành, nghèo khổ, trong đó, bộ phim Vết dầu loang lấy bối cảnh trải dài từ những năm thập niên 1960 trở về sau, nên cô sẽ phải thể hiện nhân vật qua từng giai đoạn, thăng trầm của đời người. Đây là vai diễn phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư công phu. Cô cho rằng, đã là diễn viên thì vai già, trẻ, xấu, đẹp gì cũng không ngại, miễn vai diễn đó được khán giả nhớ đến, yêu hoặc ghét đều là thành công. Cô chỉ gặp một chút rắc rối do đã quen đóng vai phản diện nên phải tập lại ánh mắt đúng với nhân vật hiền lành...