Nam bệnh nhân 22 tuổi nhiễm virus Zika với các triệu chứng sốt, phát ban và đỏ mắt, Giám đốc Bệnh viện Bhumibol Adulyadej tại thủ đô Bangkok, Marshall Santi Srisermpoke xác nhận.
Tuy nhiên, theo ông Santi, hiện bệnh nhân này đã hồi phục và sắp được xuất viện. Nhưng ông không tiết lộ nguyên nhân gây bệnh và thời gian điều trị trong bao lâu.
Được biết, nam thanh niên này không hề đi du lịch hoặc đi làm xa khỏi địa phận quốc gia. Bệnh nhân được phát hiện nhiễm virus Zika thông qua xét nghiệm máu.
Cũng theo ông Santi, vào năm 2012, tại Thái Lan cũng đã từng phát hiện trường hợp nhiễm virus này, cho tới nay xảy ra thêm khoảng 5 ca nữa. Nhưng ông Santi cho biết, “Không nên hoảng sợ bởi chưa bao giờ virus Zika thành dịch ở Thái Lan sau tất cả các trường hợp trên”.
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi ở một ngôi làng tại Bangkok, Thái Lan.
Trong ngày 2/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh Zika, cùng với hàng nghìn trường hợp dị tật ở trẻ sơ sinh tại Brazil.
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 2/2/2016, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành cuộc họp trực tuyến khẩn cấp để đối phó với dịch Zika– gây teo não nhỏ ở trẻ sơ sinh đang hoành hành ở Nam Mỹ.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - đây cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika.
Ngoài ra, cái khó của vi rút Zika là khả năng chẩn đoán khó vì 80% bệnh nhân là không có triệu chứng và khi có triệu chứng thì na ná như sốt xuất huyết, đó là sốt, phát ban, nhức mỏi…
Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vắc xin phòng dịch đối với virut này. Trong khi đó, giai đoạn này, đang trong dịp Lễ, tết, lưu lượng người nhập cảnh, đi lại rất lớn. Trong đó có cả những người từ vùng dịch như Châu Mỹ hoặc Thái Lan.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện tại Việt Nam có đủ điều kiện để xét nghiệm vi rút Zika cũng như các biện pháp phòng chống dịch từ cửa khẩu, các điểm phòng chống dịch đã hoạt động.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bằng mọi nỗ lực hi vọng dịch Zika không vào Việt Nam. Tuy nhiên với tất cả những khó khăn của dịch đó là không rõ triệu chứng lâm sàng, không có miễn dịch trong cộng đồng, nhu cầu giao lưu lớn và Việt Nam đang lưu hành muỗi Aedes gây sốt xuất huyết cũng là tác nhân truyền vi rút Zika thì công tác phòng chống dịch vẫn đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng khuyến cáo tình hình thời tiết hiện nay có nhiều bất lợi, nhiệt độ thấp nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại là điều rất "lạ" từ trước đến nay. Bà Tiến cho rằng để phòng chống dịch là phải diệt bọ gậy, không để muỗi sinh sống. Đặc điểm của muỗi này là sống ở nước sạch nên có phát quang bụi rậm cũng không thể diệt được muỗi mà nên đổ hết tất cả vật dụng có thể chứa được nước để không còn chỗ cho muỗi đẻ.