Thạc sỹ ở Pháp trượt công chức Thủ đô: BT Nội vụ nói gì?

Qua sự việc thạc sỹ Đặng Minh Tuấn, giáo viên Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam thi trượt công chức Thủ đô, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách tuyển dụng viên chức.

Có thể tuyển đặc cách

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ chiều 18/11, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn ra ví dụ trường hợp thầy Đặng Minh Tuấn, giáo viên hợp đồng của Trường PTTH chuyên Hà Nội – Amsterdam thi trượt công chức Thủ đô.

Thầy Đặng Minh Tuấn tốt nghiệp Đại học Paris 11, thạc sỹ tại Đại học Lyon – Pháp, từng thực tập tại trung tâm hạt nhân Châu Âu. Thạc sỹ Tuấn đã có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh đi thi quốc tế đạt nhiều giải cao khi giảng dạy tại Trường phổ thông trung học Hà Nội - Amsterdam.

Được biết thầy Tuấn đạt 60/100 điểm với cách tính điểm dựa trên tổng số điểm học tập tại trường đại học và dạy một tiết học. Đại biểu cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm đúng nhưng kết quả tuyển dụng lại không thuyết phục và chưa thật phù hợp với thực tế khách quan.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, theo quy định, ngoài tuyển dụng viên chức theo hình thức thông thường, còn có quy định xét tuyển đặc cách.

Tiêu chuẩn dành cho các đối tượng này bao gồm như: Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay nhu cầu tuyển dụng; người tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Sở GD-ĐT Hà Nội có thể xem xét, nếu đủ điều kiện thì tuyển thẳng hoặc đặc cách là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu hoàn thiện ngay chính sách tuyển dụng viên chức trên góc độ xác định lại thang điểm kết quả học tập của trường đào tạo ở nước ngoài, quy đổi thống nhất với thang điểm và kết quả học tập trong nước.

Chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn lại lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Tôi và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể ký được mức lương cho Giáo sư Ngô Bảo Châu”.

Đại biểu cho rằng, đây là một hiện tượng chỉ mang tính đơn lẻ nhưng lại phản ánh những bất cập của cơ chế, chính sách về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập về thu hút người có tài.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa 11, đầu tư nhân lực cho khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Vì vậy, cần có chính sách phát triển, phát huy trọng dụng đối với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.

Chính phủ ban hành nghị định Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, ngày 22/9/2014.

Trong đó quy định người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng lương theo thỏa thuận.

Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở: Mức độ ưu tiên của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Tính chất, quy mô và tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệTrình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của cá nhân.

Ngoài ra còn được hưởng các chính sách về xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở, tiếp cận thông tin, khen thưởng, vinh danh...

Đối với các nhà khoa học trong nước, ngày 25/10/2014, Chính phủ ban hành nghị định quy định đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề cập đến lo ngại của nhiều cán bộ và cử tri trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

“Chạy chức, chạy việc ngày càng lộ diện rõ hơn và có nơi gần như công khai. Đó là nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ như đã có đại biểu phát biểu trước tôi” ông nói.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng trên như: Thường xuyên thực hiện công tác thanh kiểm tra, bảo đảm thực hiện nghiêm quy trình thi tuyển, ứng dựng khoa học công nghệ vào thi tuyển, tất cả quy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm người vi phạm.