Tết nguyên đán là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt với những phong tục tập quán luôn được trân trọng lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Xuân về mọi nhà nơi nơi, khắp đất trời tưng bừng mừng xuân mới. Mỗi khi Tết đến khi người lớn tất bật lo chuẩn bị cho gia đình một cái Tết ấm cúng thì có lẽ lũ trẻ cũng mong tới giao thừa, thời khắc thiêng liêng của đất trời giao hòa.
Theo tục lệ, tính từ giờ khắc giao thừa năm tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con lại thêm một tuổi. Sáng mùng một Tết là thời điểm đẹp nhất, con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên trong họ, tiếp đó người lớn thì "mừng tuổi" trẻ em bằng những đồng tiền mới bỏ trong những "phong bao" - "lì xì".
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng". Như các cụ xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Với mong muốn con cháu sẽ phát tài phát lộc nhiều hơn trong năm mới. Vì thế số tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ bao gồm cả tiền chẵn và tiền lẻ.
Những đứa trẻ ngây thơ đầy sung sướng khi nhận được những phong bao lì xì - những đồng tiền đầu tiên được quyền "sở hữu" của mình trong ngày đầu năm.
Thời gian thay đổi nhưng những phong tục trong những ngày Tết nguyên đán của dân tộc ta luôn được gìn giữ và phát triển.
Tuy nhiên, cuộc sống xã hội hiện đại nhiều thay đổi, đặc biệt trong phong tục mừng tuổi đầu năm. Tiền lì xì và văn hóa lì xì trở thành một vấn đề đáng quan tâm của mọi người. Người lớn lo tiền lì xì cho trẻ nhỏ, mừng tuổi người lớn, và những mối quan hệ cần tới "tiền"...
Câu chuyện mừng tuổi đẹp và ý nghĩa, quanh đó cũng gây ra cũng gây ra bao chuyện khó xử, dở khóc dở cười... Tiền mừng tuổi cho con trẻ cũng khiến người lớn đau đầu, mỗi phong bao lì xì một màu tương ứng một mệnh giá như một cách hữu hiệu tránh nhầm lẫn hoặc theo đúng ngụ ý của người lớn. Nhưng khó xử hơn khi bọn trẻ con "tò mò" và cùng "bóc" lì xì và đọ màu của đồng tiền, ngây thơ hỏi ba mẹ "Tại sao đồng của nó màu xanh còn đồng của cháu lại màu vàng?, không quên thắc mắc "Vì sao bác này mừng đồng 100 nghìn còn chú kia lại mừng đồng 300 nghìn?". Điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi xấu hổ theo, khách và chủ đều ngượng.
Chuyện trẻ con được tiếp xúc với tiền không còn xa lạ, nên tới ngày Tết chúng biết "vòi vĩnh", "tăng giá" tiền mừng tuổi! Tiền lì xì được sở hữu, kiên quyết không đưa cho cha mẹ, tiêu xài vào những mục đích không chính đáng, thiếu hợp lý. Thật sự ý nghĩa mong muốn đem tới những may mắn cho trẻ nhỏ lại trở thành sự trợ giúp cho việc ăn chơi, mua sắm tùy thích, không được kiểm soát.
Bên cạnh đó, còn một nét đẹp tuyệt vời đáng trân trọng. Khi ngày Tết tới, con cháu với lòng kính trọng gửi tới những người già, những người hết tuổi lao động, không có trợ cấp, sống nhờ con cháu... Chút tiền mừng tuổi chúc thọ tới ông bà, được cụ chắt chiu, dành dụm, và có cả những kế hoạch cho cuộc sống ngày thường, dành để lo tuổi già...
Chuyện lì xì không quá nhỏ nhưng lại mang một văn hóa lớn. Hãy gìn giữ những nét đẹp và ý nghĩa nhất cho phong tục "lì xì" của Tết nguyên đán ngàn đời nay.