Tết trong trại giam

Trại giam Châu Bình, thuộc Bến Tre nằm sâu trong một vùng đồng nước mênh mông, mảng xanh xa hút...

Cuối năm, gió tuôn từ trời mát rượi, thổn thức kéo mùa sang. Gió hanh khô cả ánh nhìn đau đáu của những phạm nhân xuôi về miền ký ức, về những ngày còn được tự do bên ly trà ấm, chén rượu nồng, mềm môi chúc tụng, vui cái Tết đoàn viên; gió tự nhiên hiu hắt, người cũng sắt se …

May mà, trong trại giam vẫn còn những bàn tay ấm …

Hy sinh lặng lẽ

 … là bàn tay anh lính trẻ kê lại mấy gốc mai đang xanh um nụ, để phạm nhân ghé mắt trông ra đã thấy xuân về trước ngõ; là bàn tay vị Trưởng giám thị tóc đã hoa râm, chắc nịch đặt lên vai người tù nói rất nhẹ: “Nhớ nhà lắm phải không, thôi ráng lên, Tết năm nào tụi tui cũng ở đây vui với các anh mà”; là bàn tay anh nuôi, nắn nót từng cọng dưa hành, đĩa bánh mứt, cho vị xuân đong tràn trong bữa tiệc cuối năm dành cho phạm … Tết ở trại giam Châu Bình là hơi ấm từ những bàn tay góp nhau mang mùa về rất dịu.

Bắt đầu từ rằm tháng Chạp, trại Châu Bình đã rộn rịp chuẩn bị cho năm hết, Tết đến. Cán bộ trại giam lên kế hoạch tập dượt bóng chuyền, văn nghệ, múa lân…  cho phạm nhân để giao lưu vào dịp đầu năm. Trại Châu Bình hiện đang quản lý gần 3000 phạm nhân, chia thành 80 đội nhỏ. Do số lượng phạm nhân quá đông, nên việc tổ chức tiệc tùng, hay những hoạt động tập thể là vô cùng khó khăn. Vậy mà, những cán bộ ở đây vẫn cố gắng tổ chức giải bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố, tiệc tất niên, … đủ cả. Bởi: “Tết đến, phạm nhân buồn và nhớ nhà lắm. Phải cố gắng làm gì đó để cho người ta vui, bớt nhớ nhà, có như vậy họ mới yên lòng cải tạo tốt để sớm về với xã hội, với gia đình”, Đại tá Phùng Văn Yến – Trưởng giám thị trại giam Châu Bình chia sẻ. Hơn 40 năm qua Đại tá Phùng Văn Yến chưa có cái Tết nào được sum họp bên gia đình. Thời còn trẻ thì do chiến tranh ác liệt chia cắt tình thân, đến thời bình đồng chí Yến lại phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Hỏi người Trưởng trại giam rằng, vậy có buồn không, thì người lính tuổi đà trung niên cười rất hiền: “Trời đất ơi, đâu có buồn gì đâu, mấy mươi năm ăn Tết trong này, quen hơi trại giam luôn rồi”. Đồng chí Yến kể, cứ mỗi rằm tháng Chạp hằng năm, anh em cán bộ trại giam lại được luân phiên về nhà … ăn Tết sớm. Đến 25 tháng Chạp toàn bộ lực lượng cán bộ phải túc trực lo Tết cho phạm nhân, và đến mùng 7 thì lại luân phiên về nhà … ăn Tết muộn.

Theo quy định của Nhà nước, từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 Tết, mỗi ngày phạm nhân được suất ăn gấp 5 lần so với tiêu chuẩn ngày thường. Chưa kể, Tết nhất, người nhà phạm nhân thường thăm nuôi rất nhiều, nên những ngày xuân thường là không ai thiếu thốn. Nhưng vẫn có những phạm nhân không còn ai thân thích, hay vì người nhà quá xa xôi mà không thể đến thăm nuôi trong dịp Tết. Bởi vậy, các cán bộ trại giam lại phải chạy đi lo bánh chưng, bánh tét, ít củ kiệu, dưa hành, cọng mứt dừa, chút hạt dưa, … để gửi cho những phạm nhân ít may mắn hơn người khác. Trung tá Trần Quốc Toản, Đội trưởng giáo dục bồi hồi kể lại: “Nhiều khi, đi tặng những phạm nhân không có ai thăm nuôi chút quà mà thấy họ khóc, mình xót cũng muốn khóc theo”. Chợt nghĩ, dẫu đời có vẩn đục đến đâu, thì nước mắt vẫn là thứ trong ngần. Nước mắt phạm nhân, dù rỉ ra để khóc vì cái gì thì trong đó luôn có vài phần hối hận. Thế nên, cán bộ trại giam ở Châu Bình coi phạm nhân như người thân thiết của mình, khóc cười cùng với họ. Chỉ mong những xúc cảm đời thường ấy sẽ thôi thúc phạm nhân tiếp tục cải tạo tốt để sớm trở lại với đời thường.

Những hoạt động sôi nổi mừng xuân ở trại giam Châu Bình

Trước ngày ân xá

Xuân này, một số lượng không nhỏ phạm nhân tại trại giam Châu Bình sẽ được hưởng sự khoan hồng của nhà nước, được trở về vui Tết đoàn viên. Nỗi vui tràn ngập trên khuôn mặt của những người sắp được chạm tay vào tự do một lần nữa. Như Tất Vinh Hữu Lộc, một phạm nhân còn rất trẻ, do thiếu hiểu biết đã tham gia vào đường dây mua bán ma túy để rồi đánh đổi cả tương lai và ước mơ của chính mình. Bị bắt và vào tù khi chỉ mới vừa tròn 19 tuổi, Hữu Lộc đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất của đời người sau chấn song lạnh lẽo. Mỗi tháng, cha mẹ Lộc đều lặn lội lên thăm nuôi con, người yêu nhỏ của Lộc đã từ lâu bặt vô âm tín. Lộc tâm sự, anh không dám trách ai, chỉ tự trách bản thân sao quá dại khờ để gây ra lầm lỗi. Giờ đây, Lộc đếm từng ngày, từng ngày để được trở về với mẹ cha, bạn bè. “Nhưng em cũng lo lắm, không biết người ta có chấp nhận em không nữa…”, nỗi buồn kéo sầm mi mắt Lộc, những giọt nước mắt chực tròn lăn.

Cùng chung tâm trạng vừa hồi hộp, vừa lo lắng như Lộc là phạm nhân Nguyễn Đăng Khiết, sinh năm 1981, ngụ Ninh Kiều, Cần Thơ. Tết này, Khiết sẽ trở về sum họp với gia đình. Cha Khiết là cán bộ đã về hưu, mẹ Khiết là nha sĩ, gia đình có điều kiện nhưng Khiết chỉ mãi đàn đúm chơi bời, để rồi lâm vào con đường cướp giật để có tiền thỏa mãn những thú ăn chơi. Khiết làm trong xưởng đan ghế giả mây, bàn tay chai sần những vết xước, nhưng Khiết bảo mình đang vui lắm, vì ít ra anh đã biết được thêm một cái nghề lương thiện. Tháng nào cũng vậy, cha Khiết lọng cọng đèo mẹ Khiết trên chiếc xe run rẩy (như số tuổi xế chiều cũng vào độ hắt hiu của hai người) để đi thăm nuôi Khiết. Từ Cần Thơ đến trại giam Châu Bình rất xa, nhưng mà … biết làm sao khi “nước mắt chảy xuôi”. Hỏi một câu rất thừa là, được về có vui không, Khiết cười, trả lời rất nhỏ: “Dạ vui, vui nhiều lắm. Tết này, chắc ba mẹ sẽ rất vui”. Nhưng không biết, Khiết sẽ còn bao nhiêu cái Tết đoàn viên nữa, bởi trong những tháng ngày sa vào bùn lầy tội lỗi, Khiết đã mắc phải căn bệnh thế kỷ - HIV…

Vừa đưa tôi đi thăm những khu tăng gia sản xuất của trại giam, Trung tá Trần Quốc Toản vừa ngùi ngùi tâm sự: “Tết năm nay, số phạm nhân được giảm hết án trước thời hạn cũng đông lắm. Mừng cho họ một phần, nhưng lo lại nhiều phần hơn. Bởi trường hợp ra ngoài xã hội, bị kỳ thị, không có công ăn việc làm rồi lại tái phạm tội cũng thường xảy ra”. Theo đồng chí Trần Quốc Toản, thì quan trọng nhất là cách giáo dục, cải tạo phạm nhân trong trại giam. Phải bằng mọi phương pháp khiến phạm nhân nhận thức rõ những điều sai trái, nuôi dưỡng trong lòng họ sự yêu thương cũng như trân quý cuộc sống lương thiện bình thường. Và hơn hết chính cán bộ trại giam lại càng không được kỳ thị họ, mà hãy xem họ như người thân, như anh em, như học trò. Có như thế, khi được trở về với xã hội, họ mới càng bản lĩnh và vững chải hơn.

Rất nhiều trường hợp sau khi được ân xá đã tự mình trở lại trại giam để tri ân những cán bộ đã dìu dắt động viên họ vượt qua quá khứ lầm lỗi. Các cán bộ trong trại giam Châu Bình vẫn thường chuyền tay nhau đọc bức thư với những nét chữ vụng về nhưng thấm đượm tình cảm quân dân của anh Nguyễn Thanh Sơn, quê Bến Tre người đã từng phạm tội giết người. Quá khứ đen tối kia như phai đi trước bức thư đã nhàu vì đọc quá nhiều lần, đôi chỗ mờ nhòe dấu nước mắt, không biết là của anh Sơn hay là của cán bộ trại giam mừng một người lại trở về hướng thiện…

Trung tá Trần Quốc Toản trong giờ tuyên truyền pháp luật cho phạm nhân

Nắng xuân về

Tiết lập xuân, trời nước trong vắt một màu. Gió từ con sông Ba Lai thổi về mát rượi, vờn đám đọt rau non nhuốt của những người phạm nhân ngày ngày chăm bón. Bên kia, vài phạm nhân cặm cụi xếp gạch xây lại cái bồn hoa, để Tết năm nay cội mai già thêm vài phần kiên cố; xưởng đan ghế giả mây như cũng nhộn nhịp hơn với những đơn hàng dồn về dịp Tết … Trên vách tường trại giam một dòng chữ chân phương rất to, màu đỏ viết rằng: “Hạnh phúc tồn tại trong cuộc sống, còn cuộc sống tồn tại trong lao động”, ngẫm thế nào vẫn thấy đúng thập phần. Hỏi phạm nhân rằng, lao động vậy có mệt không, thì họ đều lễ phép thưa: “Dạ không, nhờ lao động, tụi tui mới biết được sự quý giá của giọt mồ hôi”, sự nhũn nhặn, một câu dạ, hai câu thưa của những người mang mặc cảm tội lỗi khiến tôi vài phần ái ngại. Vài người lại nói, lao động giúp họ quên bớt đi quãng thời gian dài dằn dặt mà họ phải thụ án. Nhưng dù ơ thờ, họ vẫn không khỏi nôn nao chờ Tết đến, xuân về. Biết là, với phạm nhân thời gian vốn dĩ là thứ cứ đều đều trôi, nhưng trong thời khắc đất trời vạn vật đều đang chuyển mình đón mùa sang, lòng người như cũng phơi phới, rộn ràng. Người ta nói, mùa đuổi người đi là thế. Sau những giờ lao động, cơm nước xong xuôi, phạm nhân được tự do ra vào sân sinh hoạt chung. Đội bóng chuyền đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị cho vòng chung kết gay cấn… Tiếng cười, tiếng động viên nhau rộn rã cả trời chiều. Biết là, ai cũng có lần mắc sai phạm trong đời, nhưng có những lỗi lầm được tha thứ còn một vài lỗi lầm khác sẽ phải trả giá bằng chính sự tự do. Nhưng hễ còn ăn năn là còn được tha thứ, “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, không ai mới sinh ra đã phạm lỗi bao giờ.

Thời điểm này, nhà bếp đã rục rịch chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ cho mấy ngày xuân. Những chuyến xe đầy ăm ắp rau thịt, … từ bàn tay lao động của những người tù cũng nhộn nhịp ra ra vào vào. Các cán bộ trại giam cũng bận bịu hơn, người lo quà thưởng Tết cho phạm nhân, người lại túc trực lên phương án bảo vệ an ninh trại giam trong 3 ngày Tết, 7 ngày xuân … Đất trời gấp gáp, lòng người cũng gấp gấp mong mỏi mùa sang…

Đêm 30, phạm nhân ở trại giam Châu Bình sẽ được cùng nhau vui buổi tiệc Tất niên đầm ấm, thân mật. Sáng mùng một, đội múa lân sẽ đi vòng quanh trại giam để mừng năm mới an lành. Mai tứ quý, mai Tết nở vàng rực một góc trại giam Châu Bình, mảng xanh vẫn hút mắt đến chân trời. Ngày xuân rộn ràng, cán bộ cùng phạm nhân hòa mình vào cuộc vui, để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân nặng trĩu… Ngoài bóng chuyền là giải đấu lớn trong trại giam Châu Bình thì các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đá cầu, … cũng được diễn ra trong ba ngày Tết. Những giọt mồ hôi chan vào nụ cười, quá khứ tội lỗi năm xưa nhòa mờ dưới nắng quái chiều hôm rực đỏ… Nắng tàn rồi nắng sẽ lại rực lên…