Tết triều Nguyễn qua trí nhớ của một Tôn Nữ

Không như những nơi bình thường, những gì diễn ra sau Tử Cấm Thành luôn là một bí mật lớn khiến nhiều người tò mò. Điều hiển nhiên, tết trong hoàng cung cũng khác biệt.

Mang vẻ tôn nghiêm và quyền lực

Quê tôi ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở cạnh nhà, có người phụ nữ già giọng chậm rãi, khoan thai khiến người nghe phải lắng lòng, quên mệt mỏi. Ở làng, từ đứa trẻ cho đến già đều gọi người đó là bà Hà một cách trìu mến. Có lần, mẹ tôi giải thích: “Bà Hà là con cháu nhà vua nên mọi người mới tôn trọng như thế”.

Ngày đó, tôi chẳng hiểu hoàng tôn, tôn nữ là gì nhưng cũng như mọi người, mỗi lần gặp bà Hà đều phải cúi đầu. Tôi bị giọng Huế rặc của bà thu hút. Trong mỗi từ, mỗi câu của bà đều thể hiện những triết lý sống. Tôi mê mệt với những câu chuyện về lầu son, gác tía, những ông vua, bà hoàng ở triều Nguyễn trong những câu chuyện của bà. Bà chính là chứng nhân của một thời.

Thời gian trôi, tôi lớn lên, vì công việc, tôi trôi dạt vào phương Nam. Thế nhưng, mỗi lần về quê, tôi lại hăm hở sang nhà bà Hà để được sống lại khoảng thời gian huy hoàng của một thời sau Tử Cấm Thành. Lần về gần đây nhất, bà Hà đã bước qua tuổi 90, không thể đi lại như trước nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Bà kể cho tôi nghe về ngày tết của vua chúa.

Bà Hà tên thật là Công Tôn Nữ Trí Huệ, con của hoàng tử Miên Lâm (con của vua Minh Mạng). Là hoàng thân, ngay từ lúc 4 tuổi, bà đã được theo chân cha mẹ vào cung mỗi dịp tết. Đối với bà những đền đài, cung điện trong Tử Cấm Thành là một phần của tuổi thơ. Trong kí ức, những bữa yến tiệc, vua quan mặc áo lụa sặc sỡ, thức ăn nhiều vô kể là không thể thiếu.

Tết trong cung đình được tổ chức linh đình ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, khởi đầu bằng việc một đội người làm khá đông được điều vào sơn son thiếp vàng tất cả hoàng cung. Các cung điện, kỳ đài, cửa kinh thành… đều được treo cờ mới. Khi hoàng cung được “đổi màu”, ngay ngày đầu tháng Chạp, lễ Ban sóc, tức lễ ban lịch năm mới sẽ được tổ chức. Lịch được các quan văn soạn, dâng lên vua trong một chiếc khay vàng chờ phê duyệt. Vua xem xong sẽ ban xuống cho các thần. Trong nội, lịch sẽ được ban ngay hai bên điện Thái Hòa và cửa Ngọ Môn. Riêng ở các địa phương, vua truyền chỉ cho lính đưa đến tận các trụ sở công quyền chính.

Từ sau lễ Ban sóc, hoàng cung khẩn trương đón tết với các ánh đèn rực rỡ. Vua thì được thợ may đo để may một bộ quân phục riêng màu vàng cho dịp tết. Riêng hoàng hậu, phi tầng, hoàng tử, công chúa được đo để may áo quần màu đỏ hoặc màu hồng.

Đến ngày 20 tháng Chạp, lễ Phát thức được diễn ra. Theo lời bà Hà, đây là lễ rửa ấn. Tất cả các quan đã chuẩn bị ấn bỏ vào hộp thiếp vàng từ trước, các quan mặc áo xanh, chầu ở điện Cần Chính. Vua đến, tất cả các hộp chứa ấn đều được mở. Ấn của vua sẽ được dùng một chiếc khăn màu đỏ rửa bằng nước thơm đầu tiên. Nước thơm này được lấy từ đầu nguồn sông Hương kết hợp với rất nhiều loại hoa khác nhau. Sau khi chiếc ấn này được niêm phong cũng là lúc tất cả các ấn khác đều được rửa và cất vào hộp. Kể từ ngày đó cho đến đầu năm, những chiếc ấn này được niêm phong, dù có công việc quan trọng tới mức nào cũng không được sử dụng cho đến khi hết ba bảy tết bảy ngày xuân.

Hai ngày sau, vua và các hoàng tôn sẽ làm lễ Hạp hương ở điện Thái Miếu, mời tất cả các tiên đế về ăn Tết. Trong buổi lễ này, tất cả các hoàng tôn đều phải có mặt. Đây chính là khoảnh khắc long trọng, để vua cùng những người trong dòng tộc thể hiện công ơn đối với những người đã khuất.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ

Chính thức vào tết

Ngay từ sáng sớm 30 tết, vua sẽ đến Thái Miếu thắp hương. Sau khi ăn cơm trưa xong, đúng ngọ, vua sẽ ra ngự tại điện Thái Hòa làm lễ thượng nêu. Bà Hà cho hay, cây nêu được dựng bằng cây tre đực cao, bỏ chặt cành, chỉ để lại phần ngọn. Trên cây nêu tại hoàng cung có một chiếc giỏ đan bằng tre chứa cau ở làng Nam Phổ và trầu được tem cánh phượng hoàng. Chỉ sau khi cây nêu ở trong hoàng cung được dựng thì cây nêu ở các nhà quan, phủ, miếu, nhà dân mới được dựng theo.

Trong ngày này, buổi thiết triều cuối năm sẽ được diễn ra, không bàn đến chuyện quốc gia đại sự, mà chủ yếu là buổi đọc lời chúc mừng của các quan địa trung ương đến quan địa phương đối với vua cũng như hoàng tộc. Mỗi lời chúc ghi trong một tờ biểu khác nhau và được đặt trên hai hoàng án.

Đêm tất niên, vua cùng hoàng hậu, cung phi, hoàng tử, công chúa… tụ họp trong bữa yến tiệc cuối năm. Đây cũng là khoảng thời gian người thân thoải mái ngắm nhìn đức vua mà không bị qưở phạt. Bà Hà còn nhớ, năm đầu tiên được đón tết trong cung, bà cũng như những đứa trẻ khác khao khát được nhìn mặt vua một lần để biết: “Vua khác người thường đến mức nào?”. Tuy nhiên, khoảng cách giữa bà và vua quá xa nên cũng không được tận tường như suy nghĩ ban đầu.

Ngay từ 7h sáng ngày đầu năm, vua mặc hoàng bào, thắt đai ngọc, đội mũ cửu long bước lên ngai vàng thiết triều tại điện Thái Hòa. Các triều thần mặc lễ phục chỉnh tề đứng theo thứ tự từ quan nhất phẩm trở xuống. Năm mới được mở đầu bằng ba hồi trống cùng một tiếng súng Thần công nổ vang trời. Năm nào cũng thế bài Lý bình được nhạc công tấu lên đầu tiên như để chúc mừng. Ngay sau đó, các quan sẽ dâng các hạ biểu viết lời chúc phúc, lạy 5 lạy rồi tung hô đức vua. Nghi lễ này được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong ngày tết.

Khi buổi lễ kết thúc, vua sẽ ban yến tiệc cho các quan, hoàng thân. Tuy nhiên, không được như yến tiệc trong đêm tất niên, vua sẽ ăn riêng. Trong những ngày tết, vua thể hiện lòng tôn kính với cha mẹ bằng cách sáng nào cũng đến thăm hỏi sức khỏe. Đặc biệt, tất cả con cháu của vua được chạy nhảy, đi khắp nơi, chỉ bị giới hạn ở cung cấm. Riêng bà Hà, những món ăn ngon, đủ màu sắc ở những buổi tiệc vẫn là điều khiến bà nhớ mãi.

Điều bà nhớ nhất, trong ngày đầu năm, tất cả mọi người đều được vua lì xì. Nếu các quan thì được vua ban tặng một xấp vải mới để may y phục. Hoàng thân, quốc thích cũng như những đứa trẻ thì lại được ban tặng một đồng tiền vàng lớn nhỏ tùy theo thứ bậc. Riêng bà Hà luôn được một đồng tiền vàng cỡ hai ngón tay. Trong buổi trò chuyện, bà tỏ ra đáng tiếc bởi tất cả những đồng tiền này theo thời gian đã lạc mất.

Trong hoàng cung, tiệc tùng được mở trong tất cả những ngày tết. Suốt những ngày này, mọi người đều vui vẻ. Càng lớn, bà càng nhận thấy rõ, những hoàng thân, quốc thích được ăn chơi không giới hạn trong dịp này. Thế nhưng, các cung nữ là người khổ nhất. Bởi, họ phải gồng sức mình phục vụ gấp nhiều lần và vẫn chỉ được ăn uống đạm bạc giống như bình thường.