Ngày ra tù, đối tượng hướng thiện, cưới vợ sinh con và là ông chủ cơ sở tập luyện thể hình lớn nhất trong vùng. Tưởng chừng cuộc sống cứ thế trôi qua trong nhung lụa thì bất ngờ người này lại “ngựa quen đường cũ”. Tại cơ quan điều tra, đối tượng liên tục biện minh cho hành vi trộm cắp là do bệnh “nghiện ăn trộm”. Đó là Ngô Văn Nghiêm (SN 1985, ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), ông chủ cơ sở tập thể hình thuộc dạng lớn nhất trên địa bàn huyện Thống Nhất.
Cướp túi xách có tiền và iPhone rồi quăng xó nhà
Sau những ngày bị lực lượng chức năng bắt tạm giam vì có hành vi cướp giật tài sản, đối tượng Nghiêm vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm tận tình từ gia đình, vợ con. Chính những tình cảm ân cần, bao dung của người thân khiến Nghiêm ăn năn, hối hận. Nhìn người vợ trẻ từng ngày mang cơm nước tiếp tế cho mình, Nghiêm chẳng thể thốt nên lời, khóe mắt rưng rưng. Nghiêm nói: “Tôi không biết giải thích thế nào về tội lỗi đã gây ra. Bản thân tôi làm liên lụy đến vợ con, ảnh hưởng tới danh dự gia đình rất nhiều. Tôi gửi lời xin lỗi đến từng người đã đặt niềm tin, hết mực yêu thương, giúp đỡ lúc tôi gặp khó khăn”.
Nghiêm thuật lại, vào khoảng 18h ngày 26/1, trên đường đi thăm bố vợ ở ấp Trần Cao Vân trở về, đang chạy xe thong dong trên đoạn đường vắng, đột nhiên anh nhìn thấy một phụ nữ đi xe máy ngược chiều, trên tay đeo chiếc túi xách. Lòng tham nổi lên, nhanh như cắt, Nghiêm lao xe máy chặn ngang xe của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1993, ngụ cùng địa chỉ với Nghiêm) giật mạnh túi xách rồi rồ ga phóng đi trong chớp nhoáng. Thế nhưng Nghiêm biện minh, khi về đến nhà “cũng không nhớ vì sao chiếc túi của người lạ lại ở trong tay mình”. Khi vợ hỏi dò, Nghiêm bảo của người quen gửi vài bữa nữa sẽ đến lấy.
Có trong tay túi xách của người lạ, Nghiêm lo lắng, sợ hãi nhưng tâm trạng đó đi qua rất nhanh. Sau một ngày, đối tượng lại vui vẻ bên vợ con và công việc quản lí cơ sở tập thể hình. Vì đã có nhiều tiền, chiếc túi xách của nạn nhân Thúy có tiền và điện thoại Iphone bị Nghiêm quăng vào xó. Phần chị Thúy, bị mất của đã đến công an huyện Thống Nhất tường trình sự việc. Cảnh sát lập kế hoạch truy bắt thủ phạm. Bằng nghiệp vụ sàng lọc các đối tượng nghi vấn, cảnh sát xác định Nghiêm chính là thủ phạm. Đầu tháng 2/2014, Nghiêm bị bắt tạm giam.
Tại trụ sở công an, Nghiêm ngớ người như thể người vô tội. Về phía người thân trong gia đình, không ai tin Nghiêm lại làm những chuyện như vậy. Tuy nhiên, trước những tang chứng, vật chứng cơ quan chức năng thu thập được, Nghiêm phải cúi đầu nhận tội. Khám xét nơi ở của thủ phạm, cảnh sát thu giữ tang vật gồm: 1 xe mô tô BKS 60B7 – 097.57, giỏ xách màu đỏ, 600 USD (khoảng 12 triệu VNĐ), 3,8 triệu VNĐ và 1 điện thoại Iphone 4S màu đen. Những vật chứng thu giữ trùng với số tài sản mà chị Thúy khai báo. Vào thời điểm Nghiêm bị bắt giữ, gia đình đang tổ chức lễ đầy tháng cho con trai Nghiêm.
“Không trộm cướp lại ngứa ngáy chân tay”?
Tại cơ quan công an, Nghiêm biện minh rằng bản thân mình mắc chứng bệnh rối loạn máu não nên dẫn đến có những hành động sai trái. Thủ phạm cho rằng “do bệnh lý nên hễ không trộm cắp lại thấy ngứa ngáy chân tay”. Tuy nhiên, xét về lí lịch trước đó, Khiêm từng chịu mức án 7 năm về tội danh cướp giật tài sản. Cho đến thời điểm này, Nghiêm cũng chưa có hồ sơ bệnh án xác nhận mắc bệnh lý.
Kể về bản thân, Nghiêm cho biết mình quê ở tận Bình Thuận. Bước vào đầu năm học cấp 2, gia đình chuyển đến huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) lập nghiệp. Do kinh tế gia đình khá giả, lại là con trai út nên Nghiêm được cưng chiều. Được đà, Nghiêm thường lân la quán xá, theo chân bạn bè chơi bời suốt ngày. Cuối năm lớp 12, Nghiêm bắt đầu dấn thân vào con đường trộm cắp. Sau vài lần gây án, Nghiêm bị công an bắt quả tang và chịu mức án 7 năm tù về tội danh cướp giật tài sản.
Mãn hạn tù, Nghiêm trở về địa phương tu tâm dưỡng tính, trở thành chủ cơ sở tập luyện thể hình. Nghiêm còn bộc lộ năng khiếu viết thư pháp trong sự thán phục của nhiều người. Nhờ tài lẻ này, Nghiêm được lòng nhiều cô gái, trong đó có chị Nguyễn Thu Liên (SN 1984, ngụ huyện Thống Nhất). Hai người nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Thấy Nghiêm tu chí làm ăn, gia đình mừng vui khôn tả, chị gái Nghiêm định cư ở nước ngoài cũng thường xuyên chu cấp vốn liếng cho vợ chồng em trai mua đất cất nhà, đầu tư vốn liếng cho Nghiêm mở cơ sở tập thể hình có quy mô bề thế nhất địa phương.
Nhờ bước đầu làm ăn có uy tín, cơ sở tập thể hình của Nghiêm mỗi ngày đón cả trăm lượt khách. Doanh thu hàng tháng thu được từ cơ sở này ước tính nhiều triệu đồng. Trong vùng, Nghiêm nổi lên như tấm gương làm ăn kinh tế giỏi. Mặt khác, để hai bên nội ngoại gắn bó mật thiết hơn, Nghiêm thường xuyên đến thăm cha mẹ vợ. Và trong một lần đi thăm nhà vợ trở về, ông chủ cơ sở tập luyện thể hình lại gây án.
Nhận định về đối tượng Nghiêm, một cán bộ điều tra công an huyện Thống Nhất chia sẻ: “Nhận được phản ánh của người dân về tình hình mất cắp, cơ quan công an huyện Thống Nhất đã bắt tay vào điều tra ngay lập tức. Sau khi khoanh vùng đối tượng, đặc điểm nhận dạng, lực lượng chức năng đã tìm ra đối tượng Nghiêm. Ban đầu Nghiêm tỏ ra bất ngờ khi bị bắt giữ, thậm chí còn chối tội”. Hiện cảnh sát đang hoàn tất hồ sơ vụ án, tiếp tục điều tra làm rõ động cơ cướp giật tài sản của Nghiêm đồng thời đề nghị khởi tố thủ phạm.
Chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về bệnh nghiện ăn cướp, nhưng nghiện ăn cắp thì đã có. Theo y học hiện đại, đó là bệnh kleptomane (xung động ăn cắp). Cái tên này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “klepto” là ăn cắp và “mania” là mất trí. Từ này xuất hiện năm 1890. Các nhà khoa học hồi đó đã nhất trí nhận định rằng đây là bệnh loạn tinh thần mang tính chất đại chúng. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy nó chỉ là hiện tượng hi hữu. Những người thực sự mắc bệnh đã ăn cắp những thứ hoàn toàn không có ích lợi gì. Bác sĩ tâm thần Mỹ Grant, chuyên nghiên cứu tâm lý những kẻ cắp ở các cửa hàng, khẳng định rằng ông đã tìm ra thứ thuốc chữa bệnh kleptomane. Nói cho đúng, đây không phải là chế phẩm mới. Trước đây, nó đã được áp dụng để làm cho các bợm rượu chừa thói say sưa. Khoa bệnh học tinh thần ở Nga đã ghi nhận một trường hợp chỉ ăn cắp những chiếc mũ lông do sự kích thích tính dục. Khi khám nhà y, cảnh sát phát hiện được cả một bộ sưu tập mũ lông. Các điều tra viên do không biết về bệnh sùng bái đồ vật (fétichisme) nên vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên trộm không bán một chiếc mũ nào, và tất cả đống mũ còn mới nguyên như ở cửa hàng. Gã ăn cắp thậm chí còn tỏ ra bực mình: “Bán để làm gì? Lương của tôi khá lắm”. Người thực sự mắc bệnh ăn cắp không bao giờ trộm cắp để làm giàu. Cả những người có quyền lực rất cao cũng ăn cắp vặt. Ví dụ, vua nước Pháp Henri IV đã “đánh xoáy” những đồ vặt vãnh của các thần dân của mình. |