Ngày 29/5, qua điện thoại, anh Lê Văn Chiến (29 tuổi, trú thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình), chủ tàu QB-93768, cho biết đã thông báo cho cơ quan chức năng về việc bị tàu Trung Quốc số hiệu 788 bắt, áp tải về phía Trung Quốc khi đang hành nghề ở vị trí 16,57 độ vĩ bắc, 109,46 độ kinh đông. Khu vực biển này cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý, nằm giữa Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa của VN.
Bị “áp tải” nhiều giờ đồng hồ
Theo anh Chiến, sự việc xảy ra vào lúc 4 giờ ngày 28-5. Khi tàu anh đang di chuyển ở vùng biển trên thì bất ngờ có một tàu tuần tra Trung Quốc mang số hiệu 788 được trang bị nhiều loại vũ khí áp sát. Ngay lập tức, tàu 788 bắn pháo hiệu, dùng loa thông báo bằng tiếng Trung Quốc. “Tàu 788 chạy song song và chỉ dẫn chúng tôi chạy về phía 90 độ. Chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra, không rõ yêu cầu của họ thế nào nên không cho tàu chạy và liền bị phía tàu 788 dùng súng AK bắn chỉ thiên, đồng thời họ dùng vòi rồng phun nước vào tàu cá” - anh Chiến kể.
Vẫn theo anh Chiến, do tàu cá của anh có nhiều cột tời cồng kềnh, biển động mạnh nên tàu 788 không thể cập vào tàu cá hoặc thả xuồng nhỏ để cho người lên tàu cá của anh được. “Đến 9h cùng ngày, tôi và những ngư dân trên tàu quyết định điều khiển tàu chạy trốn mặc cho tàu Trung Quốc phun nước, vượt lên dùng súng đe dọa và yêu cầu chạy đúng hướng (90 độ). Đến 13 giờ cùng ngày, khi tới vị trí cách bờ biển Đà Nẵng 75 hải lý chúng tôi mới thoát được sự truy đuổi của tàu Trung Quốc. Việc truy đuổi của tàu Trung Quốc khiến tôi rất bức xúc vì đây là vùng đặc quyền kinh tế của VN và bao đời nay người dân chúng tôi đều đánh bắt ở đây” - anh Chiến nói và cho hay sau khi bị tàu Trung Quốc phun nước, tàu anh bị bể bảy bóng đèn cao áp dùng để câu mực, hai tụ biến áp của hệ thống điện trên tàu bị cháy, hệ thống bánh lái bị gãy do chạy trốn, thiệt hại hơn 30 triệu đồng.
Vẫn kiên gan tiếp tục bám biển
Ông Lê Văn Lợi, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình, xác nhận đã nắm được thông tin về việc tàu cá QB-93768 của anh Lê Văn Chiến bị tàu Trung Quốc truy đuổi và đã chạy thoát. Theo ông Lợi, có khả năng tàu 788 của Trung Quốc là tàu hải giám và nhằm mục đích đẩy đuổi, uy hiếp tàu cá anh Chiến là chủ yếu. Cùng ngày, Đài Thông tin duyên hải tại Đà Nẵng xác nhận vào lúc 6 giờ 6 phút ngày 28/5, đài đã nhận được tin báo của thuyền trưởng Lê Văn Chiến về việc bị tàu Trung Quốc số hiệu 788 bắt, áp tải về phía Trung Quốc khi đang hành nghề ở vùng biển Việt Nam.
Đến 5h ngày 29/5, thuyền trưởng Lê Văn Chiến đang hành nghề tại vùng biển cách bờ Đà Nẵng khoảng 70 hải lý. Hiện tàu chưa vào đất liền do bị thiệt hại nên phải bám lại để bù chi phí ra khơi. Được biết tàu anh Chiến làm nghề câu mực, ra khơi từ ngày 16/5 với chín ngư dân.
Như vậy, chỉ 10 ngày sau sự kiện tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm thẳng vào gây hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu (ngày 20/5), phía Trung Quốc lại tiếp tục có những hành vi sai trái, uy hiếp ngư dân VN đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN. Hành động sai trái của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, gây phức tạp thêm tình hình trên biển.
Sẵn sàng điều trực thăng ra biển cứu ngư dân Mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn của VN vẫn đủ sức tổ chức tìm kiếm cứu nạn bao phủ khắp vùng biển chủ quyền của quốc gia và không để bất kỳ ngư dân gặp nạn bị bơ vơ trên biển. Cho dù một ngư dân gặp nạn cần trợ giúp, chúng tôi cũng cử trực thăng ra tận nơi. Hiện nay lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đủ sức bao phủ khắp vùng biển VN với nhiều hệ thống trạm, trung tâm, 3.000 tàu cá được trang bị hệ thống định vị; hệ thống tàu thường trực trên biển của hải quân… Với lực lượng bao phủ trên, chỉ cần ngư dân báo sự cố, chúng tôi sẽ điều tàu gần nhất đến. VN cũng đang cho đóng những tàu cứu hộ lớn, đủ sức hoạt động liên tục trên biển trong mọi thời tiết, được trang bị trực thăng với độ bao phủ rộng để hỗ trợ ngư dân. Thiếu tướng PHẠM HOÀI GIANG, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (Phát biểu tại buổi trao đổi công tác tuyên truyền hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày 29/5) TRỌNG PHÚ ghi Bảo vệ ngư dân bằng mọi biện pháp Gần đây tình hình biển Đông có những căng thẳng gia tăng. Vấn đề biển Đông cũng luôn được báo cáo ở các kỳ họp QH. Chúng ta đã thông qua Luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi Luật Biển. Đối với các tranh chấp trên biển Đông, lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS 1982). Đó là các chính sách ngoại giao, còn ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của ta, ta tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp bằng tất cả biện pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH |