Theo tin tức từ BBC, đây là tàu thăm dò đầu tiên trên Trái đất đáp thành công xuống bề mặt một sao Chổi để làm nhiệm vụ nghiên cứu về thiên thể được hình thành từ những vật chất xa xưa và có thể nắm giữ những bí mật về nguồn gốc hệ Mặt trời và có thể cả sự sống trên Trái đất cách đây 4,6 tỷ năm.
Giám đốc điều hành các chuyến bay thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) Andrea Accomazzo cho biết tàu Philae đáp xuống bề mặt mặt sao Chổi 67P/C-G khoảng 7 giờ sau khi tách khỏi quỹ đạo của tàu mẹ Rosetta vào lúc 8h35' giờ GMT ngày 12/11 (giờ địa phương).
Để thực hiện thành công cú đáp, tàu Philae đã phải phóng chính xác các đầu móc bám chặt vào bề mặt của thiên thể. Tuy nhiên, một hệ thống móc ngoạm của tàu dường như đã bị trục trặc. “Có thể chúng ta đã không chỉ hạ cánh một lần, mà ít nhất là hai lần”, một chuyên gia ESA nhận định.
Bề mặt sao chổi được tàu thăm dò Philae chụp lại.
Philae được thiết kế như một phòng thí nghiệm kiểu robot, nặng 100kg, mang theo 10 thiết bị để thực hiện các thí nghiệm trên 67P/C-G.
Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử này, tàu Philae và tàu mẹ Rosetta đã phải thực hiện hành trình bay dài 6,4 tỷ km, tương đương hơn 10 năm ánh sáng. Tổng chi phí cho chuyến bay và nghiên cứu lên tới 1,4 tỷ Euro, tương đương 1,8 tỷ USD.