Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln. Ảnh: stragypage
BBC cho hay hôm qua, hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, thuộc Hạm đội số 5 Mỹ, đã đi qua eo biển Hormuz với sự hộ tống của các khu trục và tuần dương hạm.
Hải quân Mỹ cho biết có lúc, tàu tuần tra của Iran hoạt động chỉ cách tàu sân bay này 3 km. Trong khi các tàu Mỹ tuần tra đoạn hẹp nhất của eo biển, rộng chỉ 40 km, tất cả các máy bay chiến đấu đều đỗ trên tàu sân bay nhưng trực thăng thì bay lượn xung quanh tàu.
Động thái này của Mỹ diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Iran cảnh báo tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis, hàng không mẫu hạm đến vùng Vịnh hồi tháng giêng, không được quay lại khu vực "nóng" này. Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo Hormuz, tuyến đường biển vận chuyển một phần năm lượng dầu vận chuyển trên thế giới, nếu phương Tây làm tê liệt ngành dầu mỏ Iran bằng các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, đô đốc Troy Shoemaker, chỉ huy của nhóm tàu trên cho hay hoạt động của hải quân Mỹ tại vùng Vịnh không nhằm gây thêm căng thẳng với quốc gia Hồi giáo. Ông nói sự hiện diện của hải quân Mỹ ở đây nhằm mục đích duy trì sự thông suốt của tuyến đường huyết mạch và hỗ trợ cho hoạt động ở Afghanistan.
"Đây chỉ là hoạt động chuyên môn và thường xuyên của chúng tôi", ông nói.
Trước đó tư lệnh hạm đội 5 của Mỹ cho hay Iran đã tăng cường lực lượng hải quân tại vùng Vịnh và chuẩn bị các tàu tấn công liều chết, nhưng hải quân Mỹ vẫn có thể ngăn chặn tham vọng đóng cửa eo biển Hormuz của Iran.
Theo các chuyên gia quân sự, năng lực quân sự của Hạm đội số 5 hải quân Mỹ đang tuần tra vùng Vịnh hoàn toàn áp đảo hải quân Iran. Đơn vị này luôn có ít nhất một tàu sân bay khổng lồ cùng hàng loạt máy bay phản lực, tàu tuần dương và tàu khu trục.
Vị trí hoạt động của các tàu hải quân Mỹ và hải quân hoàng gia Anh tại vùng Vịnh. Đồ họa: BBC
Iran mâu thuẫn với các nước phương Tây vì việc làm giàu uranium. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này nhằm mục đích dân sinh nhưng phương Tây nghi ngờ tham vọng sở hữu bom nguyên tử của quốc gia Hồi giáo.
Liên minh châu Âu (EU) tháng trước đã ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, bên cạnh lệnh đóng băng tài sản chính phủ Iran của Mỹ. EU và Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh trừng phạt tương tự với Tehran. Mỹ và các đồng minh tuyên bố sẽ đàm phán với Tehran chỉ khi nước này đồng ý dừng chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Iran lại chỉ muốn ngồi vào bàn đàm mà không phải đáp ứng điều kiện gì.