Điều khiển tàu ngầm dễ hơn đi… xe đạp
Chia sẻ với phóng viên, ông Trân cho biết, nhiều người khi nghe đến việc xuất khẩu tàu ngầm, cứ nhầm tưởng là phiên bản tương tự chiếc Yết Kiêu 1. Thực ra, đây là một phiên bản hoàn toàn khác, đã được ông cải tiến lại, nhỏ gọn, thuận lợi hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng để phục vụ du lịch.
Theo tìm hiểu, tàu ngầm du lịch này vẫn được làm bằng vật liệu composit, bề dài khoảng 2m và bề ngang 0,8m với tốc độ di chuyển khoảng 1 – 1,5 hải lý/ giờ. Tàu gồm có ba phần, phần đầu gắn thiết bị bánh lái độ sâu, thân tàu thiết kế cho 1 hoặc 2 người ngồi và đuôi tàu sẽ gắn động cơ điện. Với thiết kế như vậy, tàu chỉ nặng khoảng 150 – 200kg với 2 phiên bản: nghiệp dư (lặn sâu được 3m) và chuyên nghiệp (lặn sâu được 45m). Khác với tàu ngầm phiên bản cũ (có cửa ngược phía dưới thân tàu), tàu ngầm du lịch được trang bị nắp kính dạng úp ngược để có thể dễ dàng đóng mở cũng như quan sát bên ngoài. Tàu cũng được sơn màu vàng để tiện theo dõi thay vì màu đen như các loại tàu ngầm khác.
Ông Phan Bội Trân bên chiếc khuôn đúc vỏ tàu ngầm mini du lịch sắp xuất xưởng sang Malaysia
Việc điều khiển tàu ngầm cũng khá đơn giản, muốn chạy nhanh hay chậm, người điều khiển chỉ cần nhấn hay giảm ga ở động cơ. Bộ phận bánh lái tương tự như của xe đạp hay xe máy, có thể giúp rẽ trái, phải một cách dễ dàng. “Nếu so sánh, việc lái một chiếc tàu ngầm mini dạng này có khi còn dễ dàng hơn việc điều khiển một chiếc xe đạp.”, ông Trân cười chia sẻ.
Giải thích về lý do chọn Malaysia làm nơi xuất khẩu đầu tiên, ông Trân thật thà: “Thực ra, tôi có một công ty riêng với đội ngũ chuyên đi tiếp thị sản phẩm do tôi nghiên cứu và chế tạo. Trong một lần, đi chào hàng ở Malaysia, có đối tác rất thích thú với sáng chế về tàu ngầm mini của tôi. Thế nên cách đây gần 2 tháng, họ đã cử một đội ngũ chuyên gia sang làm việc. Sau khi thấy thiết kế của tôi, họ đồng ý và đặt hàng trước 5 chiếc với giá 3.500 USD mỗi chiếc, ứng trước khoảng 1/3 số tiền”.
Những chiếc tàu này chủ yếu được sử dụng để tham quan các rặng san hô, hệ sinh thái biển dưới nước. Trong 5 chiếc tàu ngầm được đối tác đặt mua, có 4 chiếc tàu nhỏ và 1 chiếc tàu mẹ. Tàu mẹ có khả năng chứa 4 tàu ngầm mini, chuyên chở các tàu này từ cầu cảng ra các bãi san hô là địa điểm du lịch. Trên tàu mẹ, có trang bị hệ thống dây giữ giúp kiểm soát, không cho tàu con đi quá xa khỏi khu vực được cho phép.
Được biết, trước khi nhận hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài, ông Trân cũng đã giới thiệu mẫu tàu ngầm này tới nhiều công ty của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, một công ty chuyên lắp đặt cáp ngầm cao thế trên bờ và dưới biển cũng đã có dự định mua tàu của ông Trân.
“Công ty chúng tôi đang có dự án làm cáp ngầm ở dưới biển nên có thể gặp một số khó khăn nếu độ sâu quá lớn khiến thợ lặn không thể tiếp cận được. Nếu thực sự chiếc tàu lặn của ông Trân có đủ điều kiện hoạt động thì sẽ giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn này”, vị đại diện công ty chuyên lắp đặt cáp ngầm cao thế chia sẻ. Dự kiến, cuối tuần này, hai bên sẽ có buổi gặp gỡ để bàn bạc cụ thể hơn.
Ước mơ của người kỹ sư già
Chia sẻ với PV, ông Trân cho biết, ông đang làm hồ sơ để đăng ký lên Cục Sở hữu trí tuệ về thiết kế kiểu dáng công nghiệp cho những chiếc tàu ngầm mini. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận rằng, việc mang tàu xuất khẩu ra nước ngoài, có thể dẫn đến việc bản quyền bị ăn cắp, nước bạn có thể dùng những mẫu tàu của ông để bắt chước và làm ra những thiết kế tương tự. “Biết là như thế, nhưng làm sao bây giờ, họ có bắt chước thì mình cũng chẳng làm gì được. Nếu đăng ký bản quyền trên toàn thế giới thì tốn rất nhiều tiền, mà có khi cũng chẳng có tác dụng. Thôi thì tùy thuộc vào những lời cam kết hay lương tâm của họ mà thôi”.
Không chỉ thế, một điều khiến ông băn khoăn là hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ quan kiểm định, cấp phép cho những tàu ngầm nhỏ quân sự lẫn dân sự. Trong khi đó, nếu mời các cơ quan nước ngoài vào kiểm định thì rất tốn kém. “Ở nước ngoài, việc kiểm định và cấp phép cho những tàu ngầm dạng này dễ dàng hơn rất nhiều. Người ta cũng rất nhạy bén với những công nghệ, thiết bị mới nên sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo, miễn sao kết quả cuối cùng có thể tạo ra lợi ích kinh tế là được. Đây cũng chính là điều tôi lo lắng nhất khi có ý định sản xuất tàu ngầm tại Việt Nam”.
Mặc dù đã nhận được một số đơn đặt hàng sản xuất tàu ngầm mini phục vụ cho du lịch, nhưng ông Trân thừa nhận rằng, mình vẫn có hứng thú với việc nghiên cứu, chế tạo ra các loại tàu ngầm có thể phục vụ cho quân sự hơn. Sắp tới, khi nhận được số tiền hợp đồng sản xuất tàu ngầm du lịch, cộng với phần tiền thừa kế, ông sẽ tiếp tục chế tạo một chiếc tàu ngầm lớn hơn, dài khoảng 6 thước và có thể sử dụng cho 3 hoặc 4 người ngồi bên trong. Đây sẽ là một phiên bản được nâng cấp từ Yết Kiêu 1 với những tính năng vượt trội hơn nhiều.
“Nước ta không phải là nước giàu để có thể mãi bỏ tiền ra mua vũ khí. Thế nên, nếu muốn tăng cường sức mạnh, chúng ta phải biết sử dụng chất xám của mình, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc để tạo ra những tổ hợp khí tài phù hợp với điều kiện kinh tế, mang đậm trí tuệ Việt Nam”, đó là câu nói của vị kỹ sư già trước khi chia tay, như muốn nhắn nhủ tất cả tâm tư của mình vào trong đó.