Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tàu ngầm Trường Sa do kỹ sư cơ khí Nguyễn Quốc Hòa chế tạo, song những ý kiến ủng hộ ông thì cho rằng nếu tàu ngầm này thành công sẽ mở ra khả năng thiết kế tàu khảo sát đo đạc biển và du lịch ngắm sinh vật biển.
Khổ cho tiến sĩ giấy
Những ngày đầu năm mới, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Kính, Hội Giống cây trồng Việt Nam tỏ ra vô cùng vui mừng trước thành công của ông Hòa khi nghe tin con tàu ngầm tự chế của ông đã có thể lặn và nổi lên trong bể nước.
Dù ông không có chuyên môn về công nghệ đóng tàu, song với góc độ một nhà khoa học khi thấy một kỹ sư, doanh nhân tự nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm tiếng tăm ra cả thế giới thì ông cho rằng đáng ngưỡng mộ vô cùng.
“Khổ cho bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ giấy mà không bằng một ông doanh nghiệp”, GS Kính nói.
GS.TS Đinh Văn Ưu, Chủ nhiệm Bộ môn khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng cố gắng của ông Hòa làm ra một chiếc tàu như vậy là đáng khen.
“Tuy nhiên làm xong ứng dụng vào đâu và phát triển ra sao thì chưa thể nói trước được”, GS. TS Đinh Văn Ưu nói.
Kỳ vọng vào thành công của 'tàu ngầm Trường Sa', TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng tàu ngầm này nếu thành công thực sự sẽ mở ra khả năng thiết kế tàu cho khảo sát đo đạc biển và du lịch ngắm sinh vật biển rất tốt.
“Tuy nhiên tác giả cần có nghiên cứu hoàn thiện và thử nghiệm sau đó cần mời các cơ quan thẩm định an toàn để con tàu thực sự có ích cho xã hội”, TS Toán gợi ý.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sau thành công bước đầu này nhà nước và Bộ quốc phòng nên có tài trợ để có thể khuyến khích các công trình sáng tạo nghiên cứu như thế này và hướng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa kết quả của mình.
Còn nhiều khó khăn chờ đợi
TS Toán cũng cho rằng dù bước đầu tác giả đã hoàn thiện được hình hài con tàu, song còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước đòi hỏi thử thách lớn. Do vậy hơn lúc nào hết tác giả cần thận trọng, nghiêm túc để “đứa con” của mình có thể chào đời một cách hoàn thiện nhất.
Chỉ ra hàng loạt lo ngại, một nhà khoa học cho rằng nếu chỉ chế tạo tàu ngầm để chơi, thỏa mãn đam mê sáng tạo đơn thuần thì không có gì để nói nhiều. Còn nếu chế tạo tàu thực sự có thể vận hành trơn tru dưới biển, trở thành một thực thể sống có liên lạc với mặt đất, biết phân biệt mọi thứ dưới biển thì không đơn giản chút nào.
Theo nhà khoa học này để chế tạo được hệ thống điều khiển, kết nối với mặt đất cần hơn một nhà kỹ sư cơ khí. Tức là phải có người am hiểu cả công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử và hàng loạt yêu cầu khác mà không đơn cử như đầu việc đếm một, hai, ba là xong.
“Nói như vậy không có nghĩa là bày khó cho tác giả nhưng đúng là công việc cần phải làm là như vậy. Ví dụ như thiết kế bộ thu, phát như thế nào, kết nối sóng ra sao chứ không phải cứ chui xuống, tàu lặn là mọi việc ok”, nhà khoa học nói.
Nhà khoa học này cũng chỉ ra, với một chiếc tàu ngầm yếu tố nghe và nhìn là hai khả năng cực kỳ quan trọng quyết định đến sự sống còn của tàu ngầm khi tác chiến trong lòng biển sâu. Tuy nhiên có mắt thôi là chưa đủ, tàu ngầm muốn tác chiến hiệu quả phải trang bị cho mình một “đôi tai” thật thính nhạy để kịp thời phát hiện đối phương cũng như tận dụng được địa hình trong lòng biển. “Đôi tai” này chính là các thiết bị thủy âm của tàu ngầm.
“Tuy nhiên, hai khả năng này chưa rõ tác giả đã thiết kế như thế nào. Do vậy không biết ai sẽ là người đủ dũng cảm để cùng với tàu ngầm Trường Sa lặn xuống biển và đi trong vòng 15 giờ như tác giả giới thiệu. Điều này thực sự đáng lo ngại nên tác giả cũng cần lưu tâm hơn”, nhà khoa học này nói.
Khi được hỏi về nhận định của cá nhân đối với công trình 'tàu ngầm Trường Sa', PGS.TS Phạm Bích San, Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam từ chối đưa ra bình luận. Ông cho rằng cũng chưa biết chiếc tàu ngầm này sẽ chạy như thế nào bởi nó còn liên quan đến rất nhiều thứ nên cần phải chờ thêm thời gian.