Tàu mang số hiệu Sang Fish 01 do ngư dân Lê Sang (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và ngư dân Phan Bé (trú huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) góp vốn 4 tỉ đồng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) ứng vốn 7 tỉ đồng theo chương trình thí điểm đóng tàu vỏ thép cho ngư dân của Chính phủ.
Theo kế hoạch, SBIC cho ngư dân trả dần trong 6 - 7 năm không tính lãi suất, sau đó bàn giao tàu cho ngư dân làm chủ.
Ngư dân Phan Bé cầm lái tàu cá Sang Fish 01
Ngư dân Lê Sang cho hay, Sang Fish 01 là tàu lưới vây rút chì kiêm dịch vụ hậu cần nghề cá, sau khi chạy thử nghiệm hành trình Cam Ranh - Đà Nẵng, tàu cho kết quả vận hành tốt, tiết kiệm 25% nhiên liệu so với tàu gỗ cùng công suất, kích thước.
“Chuyến biển đầu tiên này Sang Fish 01 đóng vai trò tàu dịch vụ hậu cần để thử tải, do đó chúng tôi chở theo 17.000 lít dầu, 1.000 cây đá, 7.000 khay đựng cá để cung ứng cho ngư dân, đồng thời thu mua hải sản các tàu đánh bắt được để các tàu cá bám biển dài ngày hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng hải sản”, ngư dân Lê Sang nói.
Sang Fish 01 là tàu lưới vây rút chì kiêm tàu dịch vụ hậu cần nghề cá
Theo tính toán, với 6 hầm chứa cá được trang bị hệ thống bảo quản, cấp đông hiện đại, tàu Sang Fish 01 có thể thu mua 200 tấn hải sản, gấp 4 lần tàu dịch vụ hậu cần vỏ gỗ thông thường.
Bên cạnh đó, với hệ thống giàn đèn dụ cá, máy định vị, máy siêu tầm ngư hiện đại, tàu Sang Fish 01 có thể chuyển đổi công năng thành tàu đánh bắt, hành nghề lưới vây rút chì tùy theo tình hình thực tế trên biển.
Với 6 hầm chứa, tàu Sang Fish 01 có thể thu mua 200 tấn hải sản
* Cùng ngày, tàu câu mực lớn nhất miền Trung ĐNa 90567 của ngư dân Trần Văn Mười (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cũng vừa cập bến sau chuyến biển 2 tháng.
Ngư dân Mười cho hay, chuyến biển vừa qua trúng đậm với 25 tấn mực khô thành phẩm, bán được 1,6 tỉ đồng, chủ tàu lãi ròng 150 triệu đồng, 45 lao động được chia 26 triệu đồng/người.
Hiện ông Mười cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đóng mới tàu câu mực vỏ thép trị giá hơn 10 tỉ đồng.