Phải giàu có mới được xăm mình
Thôn Đăk Mễ xã Bờ Y hôm nay.
Thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nằm sát ngã ba biên giới 3 nước Lào - Việt Nam - Campuchia, nơi đây là địa bàn sinh sống của dân tộc B’râu, một tộc ít người có nguồn gốc từ Lào. B’râu là một dân tộc có nhiều nét đặc biệt về văn hoá so với các dân tộc khác trên cùng một địa bàn sinh sống. Họ là một dân tộc được xem là giỏi “ngoại ngữ” nhất so với các dân tộc trên địa bàn dân cư.
Ngoài tiếng bản địa B’râu còn tinh thông các ngoại ngữ Lào, Campuchia và tiếng của các dân tộc lân cận. Họ có thể giao tiếp với tất cả các dân tộc khác bằng chính phương ngữ của dân tộc đó, thế nhưng điều đặc biệt là các dân tộc khác không ai có thể hiểu được tiếng B’râu ngoài chính người B’râu. Dân tộc B’râu không chỉ có tục “cà răng” (mài răng) như người Ba Na, người Chiêng… mà họ còn có một tục lệ khác rất đặc biệt mà duy nhất ở Việt Nam chỉ người B’râu mới có, đó là tục xăm mình làm đẹp.
Bà Nàng Buu và những hình xăm ấn tượng một thời.
Ông Thao Tiến, 45 tuổi, nguyên Trưởng thôn Bờ Y, xã Ngọc Hồi kể lại: “Tục xăm mình là một phong tục có từ rất lâu của dân tộc B’râu chúng tôi, xưa nó là tập tục, cũng là một luật tục. Trước đây, xăm lên người không chỉ để làm đẹp mà nó còn thể hiện uy quyền, sự sang trọng của người dân B’râu.
Đã là người có của cải, ai cũng phải xăm mình. Con trai giàu có lắm của ngoài cà răng, nhuộm răng đen, thì xăm lên lưng, lên ngực, lên tay… Còn con gái thì xăm lên mặt, lên trán, lên mắt. Người càng giàu, càng uy quyền, càng nhiều của cải thì càng có nhiều hình xăm. Và càng nhiều hình xăm thì người đó càng được xem là đẹp!”.
Theo ông Thao Tiến, ngày xưa để được xăm hình lên người rất tốn kém và mất công. Để xăm được một hình xăm lên người phải vất vả vào rừng đi tìm cây P’lứt (một loài cây chỉ có ở khu vực ngã ba biên giới Đông Dương), sau đó chọn các khúc cây to, rắn chắc rồi đem về. Sau khi đem về bỏ trên giàn lửa đốt lên cho nó chảy nhựa, người ta lấy nhựa đó pha chế làm mực xăm.
Về dụng cụ để xăm, người B’râu dùng các dụng cụ bằng kim loại sắc nhọn để xăm lên người như dao, kim khâu vá. Để pha chế ra được mực xăm đã vất vả, thế nhưng điều tốn kém và mất nhiều tiền của không phải nằm ở chỗ đó, mà nằm ở người biết xăm. Người B’râu không biết xăm hình, ngày xưa họ phải sang đất nước bạn Lào mới thuê được người biết xăm về xăm cho mình, chi phí mà các “thầy xăm” người Lào đòi hỏi không hề rẻ chút nào, nó tốn kém đến mấy chỉ tiền vàng và phải có đồ lễ cho thầy đem về.
Tục lệ giờ không còn nữa
Hình xăm của người dân B’râu rất phong phú, đa dạng, có hình bông lúa, bông hoa, lá cây, hình vuông, hình tròn, hình cong cong như con sâu… Phụ nữ thì thích xăm hình chiếc lá, hình bông lúa, hình bông hoa lên trán và vòm má, còn đàn ông thì thích xăm các loại hình vuông, hình tròn lên ngực, lên lưng.
Xưa kia Nàng Nang được xem là một mỹ nhân vì có nhiều hình xăm.
Thế giới ngày nay xem hình xăm để biểu hiện cho một nét thẩm mỹ, một trào lưu thể hiện sự đặc biệt của con người thì ngược lại, người B’râu theo thời gian dần bỏ đi tục xăm hình này. Hiện nay ở thôn Đăk Mế, nơi sinh sống của dân tộc B’râu chỉ còn bà Nàng Nang và bà Nàng Bu là "nhân chứng sống" ở thời kỳ xăm mình xưa kia.
Trên trán bà Nàng Nang là hình 2 bông lúa 2 bên, 2 gò má là 2 đường xăm như hình râu quai nón. Anh Thao Túc, con trai bà Nàng Nang cho biết: “ Xưa kia hình xăm ấy của bà được mọi người trầm trồ khen là rất đẹp đó. Bà hồi còn trẻ “ăn chơi” lắm đó anh, không phải con gái ai cũng có hình xăm được như bà đâu”.
Anh Thao Túc cho biết thêm: “Bà Nàng Nang và bà Nàng Bu là 2 người cuối cùng của dân tộc B’râu còn sót lại có tục xăm mình. Những người cùng thời trước kia từng xăm mình như bà đã mất từ lâu lắm rồi. Người trẻ bây giờ nó không xăm mình, vì trước kia xăm mình như thế là đẹp, nhưng giờ thì không đẹp nữa!”.
Còn theo ông Thao Tiến, nguyên Trưởng thôn Bờ Y, "giờ người trẻ B’râu cũng không còn ai biết xăm mình nữa, chỉ biết là xăm từ nhựa cây P’lứt, còn cây đó như thế nào thì đến giờ không ai biết!”.
Ông Thao Lợi, Trưởng thôn Bờ Y cho biết: “Xăm mình là một phong tục tập quán có từ rất lâu đời của dân tộc B’râu chúng tôi. Tuy vậy, hiện giờ nó không còn phù hợp, chúng tôi đã dần dần loại bỏ nó cho thích hợp với nếp sống văn mình của thời đại mới. Đây cũng là điều nên làm, không có gì phải hối tiếc đâu!”.