Những người phương Tây làm kinh doanh tại Việt Nam ước tính giá trị tài sản cá nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ vào khoảng 100 triệu USD, một con số vô cùng to lớn trong một quốc gia có thu nhập bình quân trên đầu người năm 2011 là 1.300 USD/năm.
Hôm nay Nguyên Vũ đến Hà Nội tham dự một cuộc gặp mặt với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để thảo luận về chính sách cà phê của Việt Nam. Vì vậy, ông đã ngồi uống cà phê và hút thuốc tại một quán cà phê gần nơi tổ chức cuộc họp.
Khát vọng
Vũ cho biết, Tập đoàn Trung Nguyên hiện đang xuất khẩu đến 60 quốc gia và tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và Mỹ; do vậy Việt Nam có thể tiếp tục phát triển để tham gia và chuỗi cung ứng của ngành có giá trị nhiều tỷ USD này.
Nguyên Vũ nổi bật trong số những nhà đầu tư đang trở thành nguồn cảm hứng cho những ai muốn chấp nhận rủi ro để thành công trong một xã hội đang thay đổi. Theo một người phát ngôn của Trung Nguyên, tập đoàn này có doanh số bán hàng 151 triệu USD trong năm 2011 và đang tiến tới mức tăng trưởng 78% trong năm nay.
Khi cà phê hòa tan giành được sự yêu thích của khách hàng tại một thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc, thị trường vốn có nền văn hóa uống trà như Việt Nam, Nguyên Vũ đã mạnh dạn thực hiện kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán không chỉ ở những thị trường khiêm tốn như Việt Nam mà còn ở trên trường quốc tế. Trong phạm vi tập đoàn, Nguyên Vũ thực hiện kế hoạch đầu tư 800 triệu USD vào các nhà máy trong vòng 10 năm.
Nhận thức rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể sẽ làm cho kế hoạch này khó khăn hơn, người phát ngôn của Trung Nguyên khẳng định quyết tâm: "Chúng tôi muốn mỗi người dân Trung Quốc sẽ chi 1 USD mỗi năm cho các sản phẩm cà phê của chúng tôi”.
"Từ con số không tới một vị anh hùng”
Nguồn gốc khiêm tốn của Vũ cũng là một lý do khiến cho ông nổi bật hơn. Theo giáo sư Nguyễn Việt Khôi Đại học Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Vũ đi từ “con số không tới một vị anh hùng” (zero to hero).
Năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nguyên Vũ đang là học sinh trung học. Tuổi thơ của Nguyên Vũ sống trong cảnh nghèo khó trên vùng cao nguyên; ông thường giúp bố mẹ trồng cây, nuôi lợn và làm gạch cho một lò nung. Tuy nhiên, Nguyên Vũ lại học rất giỏi và được nhận vào chương trình dự bị Y khoa (pre-med) của trường Đại học Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột, nơi được cho là thủ phủ của cà phê Việt Nam
Vũ cùng các bạn đã uống rất nhiều cà phê. Trong năm học thứ ba, Vũ nhận thấy mình không muốn trở thành bác sĩ. Mẹ ông đã khóc khi nghe ông kể về kế hoạch tấn công vào ngành công nghiệp cà phê vừa chớm nở của Việt Nam.
Vũ đã sơn kí hiệu đầu tiên của Trung Nguyên trong một căn nhà nhỏ và chỉ có 1 phòng. Ông cho biết vốn ban đầu của ông là “sự tin tưởng” của những người trồng cà phê. Họ cung cấp hạt cà phê cho ông với hy vọng được chia tiền lãi mà ông sẽ thu được. Ông đã từng giao cà phê bằng xe đạp trước khi mua được một chiếc xe máy. 15 năm sau đó, công ty của Vũ đã có 3000 công nhân và một đội xe tải.
Cha mẹ của NguyênVũ hiện đang sống tại một căn nhà của ông ở ngoại ô Buôn Ma Thuột. Ngoài những con ngựa, Vũ còn thu thập hàng chục tượng bán thân của nhiều danh nhân như Napoleon, Balzac và Beethoven. Giải thích cho sở thích này của mình, ông nói: “Những biến động lớn thường được tạo ra bởi các cá nhân, chứ không phải bởi một nhóm người”.
"Đại sứ" của kinh tế Việt Nam
Vũ đã đào tạo cho nhiều doanh nhân và ông đang được coi là một đại sứ không chính thức của sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông đã tham gia vào chương trình gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới (MIT SLOAN) và đăng cai tổ chức nhiều cuộc hội thảo cà phê quốc tế. Peter Timmer, giáo sư của trường đại học Harvard, một học giả về an ninh lương thực cho biết, đã có nhiều cuộc nói chuyện với Nguyên Vũ cho biết: "Cảm giác của tôi là Vũ rất thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo thực sự trong kinh doanh. Ông có một tầm nhìn về những việc công ty sẽ làm và có thể truyền đạt tầm nhìn đó tới toàn bộ nhân viên. Họ bỏ tiền vào đó và trở thành những nhân viên làm việc rất có hiệu quả”.
Giáo sư Peter Timmer đánh giá rất cao ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông nói thêm: "Henry Ford (người sáng lập công ty Ford) cũng như vậy; George Eastman (người sáng lập công ty Eastman Kodak) cũng như vậy; Steve Jobs (người sáng lập Apple) cũng như vậy. Tôi không chắc có thích hợp khi đặt Vũ vào trong danh sách này hay không nhưng Vũ khiến tôi nghĩ ông là một trong những doanh nhân thành công nhất của khu vực Đông Nam Á”.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Trước khi xảy ra đợt suy thoái gần đây do những nỗ lực kiểm soát lạm phát, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế 7%. Ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam do được kích thích từ các khoản vay của Ngân hàng Thế giới đã đi từ một nhà xuất khẩu nhỏ trở thành nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil.
Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Vũ cho biết ông đang hướng tới chiến lược phát triển để đưa Việt Nam từ một nhà trồng cà phê thô trở thành một nhà xuất khẩu, chế biến cà phê lớn hơn. Ông cho biết: “Mặc dù bạn có thể nhìn thấy sự phát triển của nền kinh tế qua các con số, nhưng tôi không nghĩ mô hình cũ sẽ hiệu quả trong tương lai. Chúng ta sẽ cần có một công thức mới để thành công”.
Trung Nguyên gần đây đã bổ sung thêm nhà máy chế biến cà phê thứ 5 để hỗ trợ việc sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu tới Hàn Quốc và Trung Quốc, hai thị trường đang có mức tăng trưởng hàng năm hơn 25%.
Tại Việt Nam, Trung Nguyên sở hữu 42 quán cà phê và có thương hiệu ở 1000 quán cà phê khác cũng như chiếm lĩnh các cửa hàng tạp hóa.
Nguyên vũ có một trang trại mô hình nhằm mục đích tăng số lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam bằng cách sử dụng một hệ thống thủy lợi từ Israel và phân bón đặc biệt từ Phần Lan. Mục tiêu là giúp cho Việt Nam, một nhà sản xuất hàng đầu thế giới về Cà phê Robusta (hay còn gọi là cà phê vối, cà phê rô) có giá rẻ hơn, thô hơn, tăng diện tích trồng cà phê Arabica có mã đẹp hơn và đắt hơn.
Bao bì cho sản phẩm cà phê Legendee của Trung Nguyên là hình ảnh của Honoré de Balzac (nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19) và câu nói của ông: " Khi chúng tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội".
Khi trò chuyện, Vũ cho biết văn hóa Việt Nam có thể được thể hiện tốt hơn qua hai sinh vật dân gian là con rùa và con rồng. Rùa thì kiên nhẫn và hay gặp khó khăn. Hãy nghĩ đến những người lính trong địa đạo Củ Chi huyền thoại, ban ngày thì giống như những con rùa còn ban đêm thì như những con rồng, những người đã đánh bại quân đội Mỹ từ 40 năm trước. Rồng là biểu tượng huyền ảo của sự may mắn, dám ước mơ và hành động. Vũ cho biết: “Nếu bạn không có ước mơ, thì bạn làm sao có thể biến nó thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta sẽ không thể mong đợi có một kết quả tốt”.
Nhưng ông cho biết thêm, con rùa cũng rất quan trọng. Ông đánh giá: “Nếu đưa ra tỷ lệ cho Trung Nguyên. Tôi có thể nói chúng tôi có hai phần năm là rùa và ba phần năm là con rồng”.