Dư luận lo ngại vì loại táo Fuji (các tỉnh phía nam gọi là trái bom) đang gây chấn động Trung Quốc được trồng bằng phương pháp độc hại, đó là sử dụng loại túi nhựa “đặc biệt” để ủ bọc trái táo khi còn trên cây, giúp trái táo có màu hồng bắt mắt, khi ăn có độ giòn.
Đáng sợ là thành phần nguyên liệu sản xuất túi nhựa có cả thuốc trừ sâu pha loãng với nước, trong đó có chất thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsenic, có thể gây ra những triệu chứng ngộ độc như co giật, sốt, bất tỉnh, ói mửa)… Loại túi này đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc cấm sử dụng từ lâu.
Khảo sát một vòng quanh các chợ, cửa hàng, sạp trái cây… tại một số quận của TP. HCM, hầu hết các cửa hàng đều bày bán loại táo Fuji. Khi hỏi nguồn gốc của loại táo này, các chủ hàng đều trả lời là táo Mỹ hoặc Trung Quốc, với giá bán trung bình từ 36.000 - 38.000 đồng/kg. Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện được loại táo này có xuất xứ từ nước nào.
Tuy nhiên một cách đơn giản để có thể kiểm chứng nguồn gốc những trái táo này là so sánh sự chênh lệch giá táo tại các siêu thị với loại táo bán bên ngoài. Tại gian hàng trái cây của siêu thị Co.opMart, các loại táo được đề nguồn gốc rõ ràng, riêng loại táo Fuji có 3 nguồn chính đó là Mỹ, Newzealand, Trung Quốc. Trong đó táo Mỹ có giá 56.900 đồng/kg, táo Newzealand có giá 55.900, riêng táo Trung Quốc có mức giá thấp nhất 39.900 đồng/kg, cao hơn giá tại các chợ từ 2.000 – 4.000 đồng/kg.
Một cuộc điều tra gần đây phát hiện những nông dân ở Sơn Đông (Trung Quốc) đã dùng bọc nhựa bên trong có thuốc trừ sâu để ủ táo.
Bà Thu, một thương lái chuyên thu mua các loại nông sản tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức về phân phối cho tiểu thương các chợ khu vực Chơn Thành (Bình Phước), cho biết, các loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn được tiểu thương các chợ nhỏ tại tỉnh ưa chuộng, vì dễ bán, và vì những trái cây trong nước mặc dù tươi hơn, an toàn hơn nhưng chỉ phù hợp để mua về ăn, còn dùng làm quà biếu, thăm người bệnh hay dùng làm đố cúng lễ… thì lê, bom… vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Táo Trung Quốc vẫn chiếm lượng lớn tại hầu hết các chợ trong nước. (Ảnh: NLinh)
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết, lượng trái cây các loại về chợ hàng đêm chiếm khoảng 15 – 20% tổng lượng hàng hóa tại chợ, trong đó 1/3 là các loại trái cây có nguồn gốc nhập khẩu, phần lớn nhập từ Trung Quốc, tập trung vào một số loại trái cây chính là cam, quýt, lê, bom, đào, nho... Theo bà Hà, Ban quản lý chợ không có chức năng, nghiệp vụ để kiểm tra các loại dư lượng chất độc hại trong trái cây.
Phương pháp trồng táo độc hại này được áp dụng rộng rãi trong các nông trại ở Trung Quốc.
Thông thường khâu này thường tiến hành ngay tại các cửa khẩu, chợ chỉ giám sát xem các lô hàng đã được dán đầy đủ giấy kiểm dịch thực vật hay không để cho phép nhập hàng vào chợ. “Chỉ trông chờ vào khâu kiểm tra tại các cửa khẩu có cẩn trọng hay không thôi. Còn nếu nghi ngờ độc hại thì chỉ có thể nhờ tới các cơ quan kiểm dịch thực vật lấy mẫu kiểm tra …”, bà Hà nói.
Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sau hàng loạt thông tin về các loại nông sản Trung Quốc nhiễm chất độc hại, sức tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc có xu hướng giảm mạnh. Tính riêng mặt hàng trái cây, nếu như trước đây trái cây Trung Quốc chiếm 1/3 trong tổng số các loại trái cây nhập ngoại về chợ thì đến nay con số này đã giảm mạnh. Ngày 15/6, trong số 2.000 tấn trái cây về chợ chỉ có 56 tấn từ Trung Quốc, còn lại chủ yếu là hàng trong nước và một số nước như Chile, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ.