LTS: “Sát thủ xác chết không đầu” là cụm từ mà nhiều người dùng để gọi Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại tổ 7, phường Lãm Hà, Kiến An, Hải Phòng).
Trước đó, ngày 17/5/2010, tại tầng thượng, chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người ta phát hiện một xác chết. Rùng rợn hơn khi đầu và 10 ngón tay nạn nhân đã không còn. Hung thủ bị bắt sau 1 ngày điều tra, đó là Nguyễn Đức Nghĩa và nạn nhân là Nguyễn Phương Linh (SN 1984, người yêu cũ của Nghĩa). Trước tòa, Nghĩa khai đã giết, cắt rời phần đầu, chặt hết 10 đầu ngón tay nạn nhân rồi cho vào túi nilon ném xuống một khúc sông Cấm ở Quảng Ninh. Mục đích giết người của Nghĩa là để cướp tài sản. Tòa đã tuyên án tử hình với Nguyễn Đức Nghĩa. Hiện Nghĩa đang bị giam giữ nghiêm ngặt chờ ngày thi hành án tử bằng tiêm thuốc độc.
Nhiều năm trôi qua nhưng vụ việc này vẫn được nhắc đến vì mức độ man rợ của Nghĩa. Hành vi của sát thủ này đã phải trả giá, thế nhưng, những người thân đã gượng sống ra sao sau tội ác tày trời của Nghĩa?
Nằm tại tổ 7, đường Phan Trứ (trước kia là đường Điện Nước), phường Lãm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng, ngôi nhà ấy từng tràn ngập tiếng cười nói của người già, người trẻ và bà con lối xóm.
Thế nhưng, kể từ khi xảy ra vụ giết người rúng động năm 2010 tại chung cư G4, khu đô thị Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), biết bao số phận con người đã đổi thay và ngôi nhà cũng không nằm ngoài điều đó.
Giữa tiếng ồn ã của tiếng người, tiếng xe qua lại, ngôi nhà dường như lọt thỏm trong vắng lặng.
Ngôi nhà mà chúng tôi muốn nói đến là ngôi nhà của gia đình "sát thủ xác chết không đầu" Nguyễn Đức Nghĩa, cái tên mà cho đến bây giờ, người đời nhắc lại vẫn còn cảm thấy ghê sợ về những hành vi mà y gây ra. Tội ác man rợ của Nghĩa đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực.
Dừng lại hồi lâu trước ngôi nhà, chúng tôi nhận được những ánh mắt dò xét của hàng xóm xung quanh. Hỏi chuyện một người đàn ông tên H. đang lững thững đi bộ trên đường, chúng tôi được biết, số nhà 112 đúng là nhà của gia đình Nghĩa. Tuy nhiên, ngôi nhà từ lâu đã thiếu bóng người khi bà Phạm Thị Chuân (mẹ đẻ Nghĩa) lên Hà Nội ở với con gái.
"Ông bà ấy về đây cũng lâu lắm rồi và ngôi nhà cũng được xây rất gọn gàng, quy củ.
Trước khi vụ việc của thằng Nghĩa xảy ra, ông bà ấy vẫn đi thể dục vào mỗi buổi chiều. Đến khi sự việc xảy ra thì hai ông bà suy sụp hẳn.
Bố của Nghĩa hiền lành và thân thiện với hàng xóm xung quanh chứ không có điều tiếng gì. Khổ thân, cũng chỉ vì đi thăm thằng con mà ông ấy bị tai nạn rồi qua đời, bỏ lại bà Chuân thui thủi một mình.
Chồng mất, con như thế thì ai chả đau đớn, bà Chuân gầy chỉ còn da bọc xương. Trước thì còn ra vào trò chuyện với chòm xóm nhưng sau bà ấy chỉ lủi thủi, giam mình trong nhà.
Dịp Tết năm 2012, bà Chuân lên ở với con gái trên Hà Nội và cũng để tiện thăm thằng Nghĩa.
Cả năm trời chỉ thi thoảng lắm và vào dịp giỗ chồng, bà ấy mới về còn nhà thì bỏ không. Lâu lâu có vài đứa cháu qua quét dọn giúp, nhà đã cũ nên nhiều chỗ bị bong tróc hết cả...", ông H. chia sẻ.
Đi lùi lên quán nước cách ngôi nhà chừng vài chục mét, chúng tôi được nhiều người kể lại những nỗi đau, gian truân, vất vả mà người mẹ của Nghĩa đã phải chịu đựng sau khi con trai gây ra tội ác.
Cảnh cổng nhà Nguyễn Đức Nghĩa khóa chặt.
Bà Hải, một người hàng xóm cho hay: "Ngày bố của Nghĩa mất, cả xóm đến đưa tang rất đông, ai cũng thương vợ chồng ông bà ấy. Người ta trồng cây thì được ăn quả, còn ông bà ấy chăm con như thế cuối cùng được nó báo lại cho là sự đau đớn, khổ sở.
Xấu hổ, tủi thân, bà Chuân chẳng mấy khi chuyện trò nhiều với ai. Nhiều lúc thấy bà ấy ngồi thẫn thờ trong nhà mà ai đi qua cũng thương. Một năm rồi bà ấy chỉ về có vài lượt và cũng rất nhanh rồi lại đi luôn".
Xác nhận với chúng tôi, ông Quảng, tổ trưởng tổ dân phố số 7 đường Phan Trứ cũng cho biết, mẹ Nghĩa đã lên ở với chị gái và cả năm trời chỉ về nhà một đôi lần.
Ông Quảng nói: "Ngôi nhà giờ nói là nhà hoang thì không đúng, bởi vì, tuy lên ở với con gái trên Hà Nội nhưng thỉnh thoảng vào những dịp quan trọng như giỗ chồng thì bà Chuân vẫn về hương khói. Nhưng cũng do không có người ở thường xuyên nên ngôi nhà có vẻ cũ kĩ, tĩnh mịch...".
Chúng tôi quay trở lại ngôi nhà, hai cánh cổng sắt bên ngoài và cửa vào bên trong ngôi nhà bị khóa chặt như để ngăn những ánh mắt nhìn vào bên trong. Một phần đất nhỏ được dùng làm lối đi phía sau nhưng toàn bộ đã được xây kín mít.
Trên những bức tường, màu thời gian đã in đậm, rêu, mốc, thậm chí là lỗ chỗ những mảng vữa bong tróc. Dưới nền sân, những mảng rêu đen phủ kín màu đỏ của gạch. Mấy cây cảnh cũng héo úa vì thiếu bàn tay chăm sóc của con người.
Theo lời một người hàng xóm, suốt hơn 2 năm qua, không một đêm nào người mẹ bất hạnh ấy được ngủ một giấc theo đúng nghĩa. Trừ những lúc mệt quá thiếp đi, lúc tỉnh lại, những hình ảnh về tội lỗi của con trai khiến bà dằn vặt, đau xót...
Những câu chuyện buồn, những tâm tư trĩu lòng người mẹ già phía sau ngôi nhà vắng lặng, thường xuyên thiếu vắng bóng chủ nhân đã làm cho chúng tôi như nghẹn lại. Một phút lầm lỗi của Nghĩa giờ đây đã khiến nhiều người phải chịu đựng những cái giá quá đắt trong cuộc đời.