Sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khoa học cuối cùng cũng biết được nguồn gốc, lịch sử cũng như lý do trường tồn của nó.
Tảng thiên thạch khổng lồ nặng 93kg, dài 0,5 m dường như đã được các nhà khảo cổ học phát hiện cách đây 200 năm tại một khu vực mai táng của các linh mục cổ đại gần Stonehenge, GS Colin Pillinger làm việc tại ĐH Mở của Anh cho biết.
“Những thiên thạch bất tử với thời gian mà chúng ta biết cho đến nay đều được tìm thấy ở Nam Cực”, Pillinger nói. “Gần đây, một vài thiên thạch cổ cũng được phát hiện ở sa mạc Sahara. Tuy nhiên tảng đá khổng lồ này có vẻ như được tìm thấy ở Lake House (Wiltshire) chứ không phải ở sa mạc Sahara hay Nam cực”. “Chính hình thái khí hậu của nước Anh thời kỷ băng hà cách đây 20.000 năm là điều kiện tốt để bảo vệ viên đá”.
Các linh mục cổ đại đã chọn tảng thiên thạch này để xây mộ vì họ rất quan tâm đến nơi được cho là nơi yên nghỉ vĩnh hằng giống quan điểm của người Ai Cập cổ đại khi xây dựng kim tự tháp.
Những năm sau đó, một nhà khảo cổ học nổi tiếng đã tìm thấy tảng thiên thạch trong khi khai quật khu vực mai táng của các linh mục. Viên đá sau đó được đưa đến tư gia của nhà khảo cổ này ở Wiltshire .
Tảng thiên thạch này thuộc nhóm Chondrite, nhóm thiên thạch được hình thành từ các hạt bụi nhỏ trong thời kỳ đầu hình thành các hành tinh nguyên thuỷ. Hầu hết các thiên thạch tìm thấy trên Trái đất đều thuộc nhóm này.
Tại cuộc triển lãm “Vật thể trong không gian” đang được tổ chức tại Anh (bắt đầu từ ngày 9/3), lần đầu tiên công chúng sẽ có cơ hội nhìn thấy tảng đá vũ trụ lớn nhất nước Anh này và một số thiên thạch nhỏ hơn.