Trái đất từng “đón” những thiên thạch lớn, có sức công phá mạnh gấp nhiều lần bom nguyên tử. Khả năng va chạm giữa Trái đất với thiên thạch lớn không nhiều, nhưng không phải là không có.
Một thiên thạch có tên XE54 rộng tới 3,6 km vừa bay qua Trái đất, và một thiên thạch khác - 4179 Toutatis, dài 4.46km và rộng 2.4km - sẽ “áp sát” hành tinh của chúng ta trong vài ngày tới. Sự kiện diễn ra trong thời điểm này khiến người ta liên tưởng tới “Ngày tận thế 21/12” - khi chu kỳ lịch của người Maya kết thúc.
Theo dự đoán, kích thước của cả hai thiên thạch đủ để có thể gây thiệt hại lớn cho nhân loại nếu chúng lao xuống Trái đất nhưng các nhà thiên văn học cho biết sẽ không có bất kì nguy cơ nào như vậy từ 2 tiểu hành tinh này.
Mặc dù vậy, với những vụ va chạm thiên thạch xảy ra trong quá khứ, nhiều người vẫn lo một lúc nào đó sẽ có những thiên thạch khác rơi xuống Trái đất.
Những vụ va chạm thiên thạch nổi tiếng trong lịch sử:
1. Vụ va chạm dẫn đến sự tuyệt diệt của loài khủng long
Cách đây khoảng 65 triệu năm, một tảng thiên thạch đâm vào Trái đất, với lực tương đương 1 tỷ lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, được cho là nguyên nhân gây ra sự biến mất của nhiều loài sinh vật trong đó có khủng long.
Giả thuyết này cho rằng, thiên thạch, với kích thước tương đương hòn đảo Isle of Wight của Anh, đã rơi xuống bán đảo Yucatan tại Mexico với vận tốc gấp 20 lần so với vận tốc viên đạn bắn ra, tạo nên một hố lõm sâu khoảng 110 dặm và hàng tấn bụi đất bay khắp khí quyển, gây động đất, sóng thần, hỏa hoạn, mưa acid, biến hầu hết các vùng đất trên Trái đất trở nên khô cằn và hầu như không có sự sống. Khủng long, vốn thống trị Trái đất khi đó, đã bị huỷ diệt hoàn toàn.
Tuy giả thuyết này hiện vẫn đang gây nhiều tranh cãi, nhưng những dấu tích của vụ va chạm thiên thạch tại Yucatan, Mexico là điều không thể phủ nhận.
2. Hố thiên thạch Vredefort Dome
Vredefort Dome - hố thiên thạch có kích thước khoảng 300km - là kết quả của vụ va chạm lớn từng được ghi nhận trong lịch sử với sức tàn phá gấp đôi vụ va chạm tiêu diệt loài khủng long 65 triệu năm trước.
Theo các nhà khoa học, sự kiện này xảy ra cách đây khoảng 2 tỷ năm, khi mà con người và phần lớn động thực vật còn chưa xuất hiện. Sinh vật sống duy nhất thời điểm đó là một loại tảo, giống như loài rêu màu xanh lá cây và rất nhớt mà chúng ta thường nhìn thấy ở các con đập ngày nay. Để tạo ra một miệng hố khoảng 300 km, thiên thạch phải có chiều rộng khoảng 10 km (tương đương một ngọn núi) và lao xuống Trái đất với vận tốc 36.000 km/h.
3. Thiên thạch Tunguska
Gần 100 năm sau vụ nổ do thiên thạch Tunguska đâm vào Trái đất vào năm 1908 ở Tunguska (Nga), sự kiện này vẫn là đề tài làm nóng các cuộc tranh luận khi mà nó không hề để lại bất kỳ vết tích nào của một vụ va chạm thiên thạch. Chính điều này đã khiến các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra nguồn gốc đích thực của mảnh thiên thạch.
Vụ nổ đã tàn phá khoảng 80 triệu cây trên diện tích 2.150 km2, thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, gia súc trong bán kính 13 dặm. Các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu về vùng đất nằm trong phạm vi vụ nổ, nhưng không hề có một mảnh thiên thạch hay bất kỳ vết lõm nào được phát hiện. Nhiều ý kiến kiến đặt ra giả thiết rằng chính con tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh đã tạo ra vụ nổ đó.
Thiên thạch Tunguska đâm vào Trái đất đã tàn phá khoảng 80 triệu cây xanh ở Siberia, Nga
4. Hố thiên thạch Barringer
50.000 năm trước, một thiên thạch có đường kính gần 50m lao xuống khu vực sa mạc Arizona (Mỹ) đã để lại một hố sâu khoảng 170 mét và đường kính khoảng 1.6 km được đặt tên là hố Barringer. Theo các nhà khoa học, tảng thiên thạch này có vận tốc 46.000 km/h trước khi đâm vào Trái Đất. Ước tính vụ va chạm này có sức công phá gấp 150 lần trái bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima, tàn phá mọi sinh vật trên diện tích rộng vài trăm km vuông.
5. Thiên thạch Hoba
Là tảng thiên thạch nặng nhất từng được tìm thấy trên Trái đất, thiên thạch Hoba ở Namibia dù chỉ chiếm diện tích hơn 6,5m2 nhưng cân nặng ước tính chừng 66 tấn. Được cho là đáp xuống Trái đất từ hơn 80.000 năm trước, Hoba gồm khoảng 84% sắt và 16% niken. Nó hiện vẫn được coi là tảng sắt tự nhiên lớn nhất của Trái đất.
Đối lập với kích thước khổng lồ của mình, tảng thiên thạch này không hề để lại một vệt lõm nào, và nhiều nhà khoa học cho rằng nó đã đâm xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất với một góc rất nhỏ, sau khi đã vượt qua một hành trình dài.
Các chuyên gia nói gì?
Theo các nhà khoa học, trên thực tế, xác suất va chạm giữa những thiên thể rất thấp. Tuy nhiên, mật độ thiên thể trong vũ trụ không đồng đều. Trong hệ Mặt trời có nhiều hành tinh và thiên thể nhỏ nên khả năng va chạm cũng cao hơn. Mỗi năm có hàng nghìn thiên thạch to bằng quả trứng vịt rơi xuống Trái đất.
Khi rơi vào bầu khí quyển, vật thể có đường kính dưới 10m sẽ bị thiêu rụi, nhưng những vật thể có đường kính trên 2km có thể gây ra thảm họa toàn cầu. Có khoảng 1.000 thiên thạch với đường kính hơn 1km vượt qua được khí quyển của Trái đất và rơi xuống bề mặt nhưng tần suất của chúng chỉ là 1/1 triệu năm. Tuy nhiên, sức công phá của nó lại rất khủng khiếp.
Vậy phải chăng đó sẽ là Ngày tận thế của Trái đất nếu một sự kiện tương tự xảy ra, chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn thảm họa kinh hoàng đó?
Hiện nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện được khoảng 9.000 thiên thạch gần Trái đất và một số có thể gây họa, trong đó khoảng 4.700 thiên thạch có chiều rộng từ 100m trở lên di chuyển rất gần địa cầu vào một số thời điểm.
Tuy rất hiếm nhưng những tai nạn va chạm nghiêm trọng không phải là không có nguy cơ xảy ra. Từ đó, các chuyên gia cũng đưa ra hàng loạt giải pháp để ngăn chặn nguy cơ thiên thạch đâm trúng Trái đất, như phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để phá thiên thạch, hay phóng vệ tinh nhân tạo tới gần thiên thạch để làm thay đổi quỹ đạo của nó. Tuy nhiên, các biện pháp đó đều cần khoản chi phí khổng lồ và có vẻ như nó vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, ít nhất là cho đến khi một thảm họa nghiêm trọng do thiên thạch xảy ra.
Kính mời độc giả đón đọc bài “Kinh doanh trên nỗi sợ tận thế” vào 10h ngày 18/12/2012