Đầy tiềm năng
TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều người nuôi cá cảnh nổi tiếng với tay nghề và kinh nghiệm từ trước năm 1975. Từ năm 2006 tới nay, bình quân tốc độ sản xuất cá cảnh TP tới 20% và trở thành lĩnh vực có bước phát triển cao nhất trong các loại cây con. Hiện TP có 283 cơ sở sản xuất cá cảnh các loại, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Năm 2011, TP xuất khẩu 8,6 triệu con cá cảnh các loại, đạt 12 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2012, ngành nuôi cá cảnh trên địa bàn TP đạt sản lượng 36 triệu con, tổng giá trị đạt khoảng 289 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 4,5 triệu con, tăng 12,5% so với cùng kỳ… Theo kế hoạch năm 2012 này, sản lượng cá cảnh TP đạt 70 triệu con, xuất khẩu 15 triệu con, tăng trên 7,6% so với năm 2011, trên 16% so với 2010.
Nếu như trước đây khu vực sản xuất cá cảnh tập trung chủ yếu ở các quận có tiếng về nghề, như các quận 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức… hiện nay đã mở rộng và phát triển mạnh, đặc biệt là huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Làng nghề cá cảnh… lâm nguy
Với tốc độ và tiềm năng nêu trên, xác định cá cảnh cùng hoa kiểng sẽ là những cây con chủ lực giúp người dân tạo ra giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích, từ năm 2004 TP đã có quyết định quy hoạch thành khu sinh vật cảnh quy mô 500ha dọc theo sông Sài Gòn, trong đó cho thí điểm ngay mô hình làng cá cảnh rộng 36ha tại huyện Củ Chi. Dự án này do Sở NN&PTNT TP, HTX Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Hà Quang phối hợp với Câu lạc bộ Cá cảnh TP đầu tư xây dựng với kỳ vọng biến nơi đây thành trung tâm nuôi và xuất khẩu cá cảnh của TP, hình thành làng nghề cá cảnh đầu tiên của Việt Nam.
Sau hơn 8 năm, theo ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Thủy sản, Sở NN&PTNT TP, đến giờ này làng nghề cá cảnh vẫn "dậm chân tại chỗ" khi chỉ có khoảng… 10 mô hình được triển khai. Các mô hình trên nằm rải rác, manh mún và không liền kề nhau, dẫn tới tình trạng "da beo". Nguyên nhân bởi việc thiếu quỹ đất cho vùng quy hoạch làng nghề. Điều đáng nói, người đứng đầu các mô hình trên chỉ là các nhà đầu tư chứ không phải là nghệ nhân trong nghề. Do đó, việc tồn tại chủ yếu phục vụ thú vui tiêu khiển hơn là mang định hướng phát triển lâu dài cho ngành cá cảnh TP.
Kỹ sư Tống Hữu Châu, chủ trại nuôi cá cảnh Châu Tống (Khu phố 6, quận 12), cho biết, việc quy hoạch thành vùng tập trung chưa thể thực hiện là nguyên nhân khiến nhiều nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm nản lòng, không còn thiết tha với mô hình làng nghề, tự mở các trại cá cảnh tư nhân khắp TP.
Ngay cả trong đề án phát triển cá cảnh giai đoạn 2011-2015, TP cũng đã nhìn ra nguyên nhân này với đúc kết: "Sản xuất cá cảnh TP còn mang tính tự phát… Tổ chức sản xuất chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán, chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết".
Trước thực trạng trên, UBND TP chủ trương cho HTX Hà Quang gom lại các mô hình để phát triển thành vùng chuyên sâu rộng lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc thỏa thuận đền bù giá đất cho các hộ dân rất khó khăn, trong khi nguồn vốn chưa có.
Vẫn quyết tâm khôi phục làng nghề
Dù vậy, UBND TP vẫn quyết tâm phát triển làng nghề thông qua việc phê duyệt đề án phát triển cá cảnh trong giai đoạn 2011-2015. Dự kiến tới 2015, sản lượng cá cảnh đạt 100 triệu con, xuất khẩu 20-30 triệu con, kim ngạch ước đạt 30-40 triệu USD; tất cả các cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu đều được giám sát dịch bệnh, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.
TP cam kết tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí tham gia một số hội chợ cá cảnh quốc tế ở Singapore, Cộng hòa Liên bang Đức để học tập, rút kinh nghiệm, đồng thời xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ cá cảnh; xây dựng siêu thị nông nghiệp kết hợp với trung tâm giới thiệu, giao dịch, tư vấn về hoa, cây kiểng, cá cảnh; các khu phố chuyên kinh doanh cá cảnh ở các quận nội thành như quận 1, 3 và 5.
Với sự quyết liệt này, hy vọng rằng, trong thời gian tới, TP sẽ hình thành được các làng nghề nuôi cá cảnh tập trung và chuyên canh cao, sau 8 năm thoi thóp làng nghề.