Một ngày nọ, người ta thấy cửa ngôi nhà tranh tàn tạ đóng kín cửa, còn gia chủ cùng con cái thì đi đâu không rõ. Những con nợ bàng hoàng tức giận nhưng cũng không biết tìm kiếm ở đâu.
Thấy gia đình hàng xóm trúng số độc đắc, vợ chồng nhà anh cứ canh cánh trong lòng một niềm mơ ước cũng được may mắn như vậy. Họ quyết định vay mượn tiền bạc để mua vé số. Ngày đổi đời chưa thấy đâu, số tiền mắc nợ đã lên tới hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, gia đình trúng số cũng đã sắp tán gia bại sản vì sử dụng đồng tiền “trời cho” một cách vô tội vạ.
Mơ ước đổi đời
Câu chuyện hi hữu trên xảy ra ở ấp nghèo Thăm Trơi B, xã Bình Khánh Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây vẫn còn nhớ rõ nửa năm về trước, cả ấp nghèo như dậy sóng vì ông Ba Đạt, một nông dân nghèo khó bỗng chốc đổi đời nhờ tờ vé số trúng độc đắc. Người dân bàn tán xôn xao, số tiền hơn 1 tỷ đồng không hề nhỏ.
Nhiều người trong số đó, thầm ghen tỵ, ao ước có ngày mình cũng đổi đời như thế. Gia đình của bà Lê Thị Phượng (43 tuổi) ngụ cùng ấp Thăm Trơi B là một ví dụ. Từ khi lọt lòng đã quá quen thuộc với cái nghèo, cái khổ. Đến khi lấy chồng, may mắn gặp người chồng hiền lành, nhưng cái nghèo thì vẫn không buông tha. Chứng kiến nhà hàng xóm bỗng dưng phát tài, chị nghĩ đơn giản: “Người ta trúng được thì mình cũng trúng được”. Xuất phát từ suy nghĩ đơn giản như thế, người vợ bàn bạc với chồng, gom góp số tiền ít ỏi dành dụm được để mua vé số cầu may.
Một người dân ở ấp Thăm Trơi B lắc đầu nhớ lại: “Vợ chồng chị Phượng vốn dĩ nghèo khó, từ trước tới giờ chỉ biết chăm chỉ làm thuê cuốc mướn sống qua ngày. Thấy người ta trúng số, ai mà không ham. Nhưng ham kiểu như vậy thì có ngày tán gia bại sản. Đã là vé số, ai “có số” thì mới trúng được chứ”.
Số tiền dành dụm được, vợ chồng chị Phượng dùng hết để mua vé số. Phát tài đâu chưa thấy, chỉ thấy mỗi bữa ăn của gia đình ngày càng ít đi thịt cá, cuộc sống càng khó khăn vất vả hơn.
Thua hết lần này đến lần khác, hai vợ chồng thức trắng đêm bàn bạc, quyết định sang nhà người hàng xóm mới trúng số độc đắc để “vay tiền làm ăn”. Chị được người hàng xóm rộng rãi cho mượn 1 triệu đồng, hứa thêm nếu khó khăn thì sẽ cho mượn tiếp. Hai vợ chồng trở về nhà và dùng số tiền vay được đó để tiếp tục mua số. Chỉ trong 3 ngày, số tiền 1 triệu đồng đã hết vèo theo những tấm vé số, mà cơ hội đổi đời vẫn bặt vô âm tính.
Hết tiền nhưng ước vọng đổi đời của đôi vợ chồng nghèo vẫn không ngừng thôi thúc. Nhớ lại lời hứa của ông hàng xóm “đại gia”, chị Phượng lại gạt bỏ sĩ diện để mượn tiền tiếp. Số tiền mượn lần thứ hai lên đến 2 triệu, và lại được “đầu tư” vào những con số. Ý định thoát nghèo của mình bằng vé số được chị Phượng giữ bí mật, không hé răng nửa lời với bất cứ ai.
Cứ mỗi khi chiều đến, trong căn nhà tranh lụp xụp, đôi vợ chồng nghèo lại hồi hộp ngồi dò hàng chục tờ vé số. Nhưng hỡi ôi, điều họ nhận được chỉ là nỗi thất vọng ê chề. Những con số chưa một lần chiếu cố đến đôi vợ chồng nghèo. Số tiền 2 triệu đồng vay được chẳng mấy chốc lại bay theo những người bán vé số. Không còn sự lựa chọn, đã đâm lao phải theo lao, chị Phượng lại muối mặt qua nhà hàng xóm vay tiền. Năm lần bảy lượt vay mượn, đến khi số nợ lên đến 20 triệu đồng, chị Phượng mới giật mình hoảng sợ. Trong khi đó, ông hàng xóm “đại gia” lại đánh tiếng đòi lại tiền vì số tiền trúng số đã… xài sắp hết.
Số tiền đầu tư vào vé số ngày càng nhiều nhưng đôi vợ chồng nghèo vẫn chưa “tới số”. Trong khi đó, vận may lại tìm đến với một gia đình khác ở sát ngay bên cạnh nhà. Chứng kiến thêm một gia đình hàng xóm khác trong niềm vui trúng số độc đắc, vợ chồng chị Phượng như ngồi trên đống lửa. Gạt bỏ những khó khăn trước mắt, vợ chồng lại tiếp tục vay mượn khắp nơi trong ấp nghèo để tiếp tục “đầu tư”.
Kẻ sắp trắng tay, người bỏ đi biệt xứ
Sau khi nhẩm tính số tiền nợ đã lên đến 30 triệu đồng mà không có khả năng chi trả, ảo tưởng vào những tấm vé số độc đắc cũng đã nguôi ngoai. Đôi vợ chồng nghèo lúc đó có lẽ mới bắt đầu nhận thức được sự tai hại của việc vay tiền mua vé số. Lúc này, những điều họ toan tính không thể giấu được hàng xóm láng giềng nữa. Những chủ nợ nhận ra sự việc nên đồng loạt đánh tiếng đòi tiền.
So với ngày xưa, ngày nay vợ chồng chị Phượng còn khó khăn hơn gấp bội. Thời gian vợ chồng đầu tư mua vé số, họ gạt hết mọi công việc kiếm sống hàng ngày. Hàng chục triệu đồng được vay mượn để mua vé số và nuôi sống gia đình trong một thời gian dài. Cùng đường, họ tính đến phương án cuối cùng là bỏ đi biệt xứ. Một ngày nọ, người ta thấy cửa ngôi nhà tranh tàn tạ đóng kín cửa, còn gia chủ cùng con cái thì đi đâu không rõ. Những con nợ bàng hoàng tức giận nhưng cũng không biết tìm kiếm ở đâu.
Câu chuyện về đôi vợ chồng nghèo ôm mộng trúng số vẫn là câu chuyện được bàn tán xôn xao trong mỗi buổi trà dư tửu hậu. Gần đây, câu chuyện này lại một lần nữa được nhắc lại khi hai gia đình trúng số hàng tỷ đồng kia lại sắp trắng tay vì sử dụng tiền bạc một cách bừa bãi.
Anh Tư Thanh, một nông dân nghèo trong ấp chặc lưỡi thuật lại: “Nghe đâu ông Ba Đạt bây giờ bị bắt. Sau khi trúng số, ông ta xài tiền vô tội vạ, lại còn cho vay khắp nơi để lấy lãi. Đến khi đòi nợ, người ta không trả, ông tức mình quậy phá khắp nơi rồi cuối cùng bị công an bắt. Vậy mới nói, tiền tỷ vào nhà nhưng chưa biết là phúc hay là họa”.
Trong khi nhà ông Ba Đạt sắp lâm vào cảnh tay trắng thì gia đình thứ hai trúng số cũng gặp hoàn cảnh tương tự. “Có tiền tỷ trong tay, họ ra sức tiêu xài hoang phí. Xây nhà, mua sắm đủ kiểu, con cái thì không lo làm ăn chỉ ở nhà ăn bám cha mẹ. Các chú cứ xem đi thì hiểu”, một người nói. Nhìn theo hướng của anh nông dân chỉ, chúng tôi nhìn thấy một ngôi nhà gạch khang trang. Trong đó, có đến hàng chục thanh niên trẻ gái trai có đủ đang hăng say sát phạt. Được biết, đây là ngôi nhà của người thứ hai trúng số độc đắc trong ấp.
Đối với đôi vợ chồng ôm mộng trúng số, người dân nơi đây vừa thương vừa giận. Phần lớn mọi người nơi đây đều nghèo khổ, phải chạy ăn từng bữa. Vậy mà chị Phượng vẫn dùng lời lẽ ngon ngọt để mượn tiền từ họ. Số tiền tuy chỉ vài triệu đồng, nhưng với những người dân nghèo đó không phải là nhỏ. “Tết vừa rồi hai vợ chồng chị Phượng có về quê, nhưng cứ ở miết trong nhà, chẳng mấy khi ra ngoài. Chúng tôi cũng không làm căng làm gì, đành thủng thẳng để cho người ta làm ăn, kiếm tiền trả nợ được cho mình”, một chủ nợ lắc đầu ngao ngán.