Anh Hồ Văn Bạch (29 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, Châu Thành, An Giang) sẽ chẳng bao giờ quên được dãy số định mệnh trên tấm vé số vào buổi chiều hôm đó, nó là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời đưa anh từ thân phận ở đợ, quanh năm đi làm mướn kiếm cơm bỗng chốc trở thành một ông chủ thực thụ nhờ tờ vé số trúng độc đắc. Số tiền 1,5 tỷ đồng, với anh có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến. Tết này, lấy hết tiền cho người ta mướn đất, anh cũng trả hết số nợ ngân hàng và gia đình đón đứa con gái thứ 3, đủ cả nếp lẫn tẻ…
Cả xóm trúng độc đắc
Chiều muộn. Đài Vĩnh Long mở thưởng, ông già bán vé số hộc tốc đạp xe chạy ven kênh Cầu Đúc (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, An Giang), vừa chạy vừa hô to: “Bà con trúng số… trúng… số… trúng độc đắc rồi”. Nhiều người nghe vậy, xúm nhau chạy ra ngoài đường lộ bàn tán xôn xao. Một lốc vé số 70 tờ, trong đó có đến 7 tờ có dãy số tận cùng là 606093 trúng độc đắc, những tờ còn lại trúng an ủi được “rải” đều khắp xã Tân Phú. Xóm nghèo xôn xao. Có lẽ người dân ở xã Tân Phú chưa bao giờ vui đến thế. Những người mua vé số ban chiều, lật đật lục túi dò số. Người không mua, tiếc hùi hụi rồi hỏi: “Hồi chiều ai mua vé số, ai trúng độc đắc?”…
Về ấp Tân Lộc hỏi chuyện “trúng độc đắc”, từ những cụ già cho đến mấy đứa con nít cũng có thể kể tên vanh vách tên những người được hưởng “lộc trời”. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Phước, Phó ấp Tân Lợi nhẩm tính: “Xóm này có tới 3 người trúng độc đắc là ông Bảy Nghề, ông Ngô, rể Tám Chàng, rồi còn nhiều người nữa trúng giải an ủi nữa. Nhưng điều đáng mừng, những người trúng số đều sử dụng đồng tiền hiệu quả, sinh lợi làm giàu. Những người có của sẵn mua thêm đất làm giàu. Những người nghèo khó, mua đất làm ruộng, giữ của. Chứ nhiều người trúng độc đắc 2-3 tờ, cất nhà tường, ăn chơi phung phí rồi cũng hết à. Cái nghèo lại đeo bám”.
Xã Tân Phú là một xã vùng sâu của huyện Châu Thành, phần lớn người nông dân đều sống bằng nghề nông. Từ lâu, cuộc sống của họ còn bộn bề khó khăn, lo toan. Chạy dọc bờ kênh Cầu Đúc, con đường nhựa dẫn vào xã Tân Phú láng tưng, trải dài theo những cánh đồng lúa xanh mơn mởn mà nông dân vừa xuống giống. Hương mạ non, thơm ngào ngạt. Ai nấy cũng phấn khởi, vì từ chỗ quanh năm đi ở mướn, làm thuê kiếm sống, nhờ “lộc trời”, nay nhiều người đã đường hoàng canh tác trên mảnh ruộng do mình làm chủ.
Từ ngày trúng độc đắc, với số tiền 1,5 tỷ đồng, cuộc sống của anh Hồ Văn Bạch (29 tuổi ngụ ấp Tân Lợi) cũng thay đổi. Hôm chúng tôi đến, vợ anh cũng vừa sinh đứa con gái thứ được hơn 20 ngày tuổi. Nhà “có nếp lẫn tẻ” nên lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Anh Bạch kể, quê anh ở Chợ Mới. Hồi đó nhà đông anh em nên tuổi thơ rất vất vả. Anh em mỗi người tứ tán một nơi mưu sinh, chỉ có dịp Lễ, Tết mới được sum vầy. Hai bàn tay trắng, anh theo bạn bè dạt đến Châu Thành làm mướn kiếm sống. Quanh năm đi ở đợ, làm mướn lấy công cho những chủ ruộng giàu có. Nhiều đêm tủi phận, trách cái nghèo cứ đeo bám. Có lúc, anh thầm ước một ngày nào đó được sở hữu những đám ruộng do mình làm chủ, tự do cày cấy lo cho gia đình, vợ con sau này bớt khổ.
Vợ chồng ông Ngô và bà Mến
Duyên phận, anh gá nghĩa rồi nên duyên với chị Hồ Thị Hạnh (ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Phú). Nhà vợ cũng nghèo, ngày ra riêng hai vợ chồng phải cất tạm cái chòi nhỏ nằm cặp bờ ruộng cho có chỗ chui ra chui vào. Biết phận mình, vợ chồng anh bảo ban nhau chí thú làm ăn, mong có ngày thoát nghèo. Hằng ngày, chị đi làm thuê. Còn anh xịt lúa mướn cho những chủ ruộng giàu có. Lần lượt, hai cậu con trai ra đời, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ g khó khăn hơn. Vợ chồng “đầu tắt mặt tối”, cả ngày cũng chỉ kiếm được 200 ngàn đồng, đủ lo cho 4 miệng ăn trong nhà. Gia đình luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Định mệnh xui khiến, ngày 10/8/2012, rỗi việc vì không có người kêu xịt lúa mướn anh nằm võng thở dài.
Trong đầu mãi lo lắng với chuyện mưu sinh, anh giật mình khi ông lão gầy nhọm, đen nhẻm cất bước nặng nề mời mua vé số. Thấy ông lão tội nghiệp, cũng đang lúc khó khăn nên lúc đó anh nghĩ trong bụng đỡ đồng nào hay đồng đó, rồi lắc đầu từ chối. “Chú mua dùm tui, một tấm thôi. Coi như cầu may và giúp đỡ tui. Sáng giờ chưa bán được tờ nào, lại gần tới giờ xổ số nữa. Bụng đói, mắt mờ… chú thương dùm”, ông lão bán vé số than thở. Nghĩ cảnh ông lão van nài, anh Bạch chặc lưỡi: “Thôi đưa đây, tui mua giúp một tờ!”. Anh Bạch móc túi lấy tờ tiền 10 ngàn đồng nhàu nhĩ đưa cho ông lão rồi nhận tờ vé số đút vào túi. Lúc đó, anh Bạch cũng chẳng để ý dãy số bao nhiêu…
Càng về chiều, thấy xấp vé số trên tay còn dày cộm, ông lão đổ mồ hôi hột, lật đật đạp xe đi thẳng vào xã Tân Phú, mời mọi người mua giúp. Thương xót ông lão tay đang run rẩy vì đói, năn nỉ mọi người cũng thông cảm. Người mua nhiều thì 2-3 tờ, người ít thì một tờ. Gần tới giờ xổ số, ông lão cũng “rải’ hết xấp vé số 70 tờ của đài Vĩnh Long mở thưởng. Chẳng ai ngờ, xấp vé số của ông lão nghèo khổ bị ế chiều hôm đó, có đến 7 tờ trúng độc đắc tiền tỷ và hàng chục tờ khuyến khích với giải thưởng hàng trăm triệu đồng. Khi thấy ông lão bán vé số lúa chiều, vừa đạp xe đạp thở hỗn hễn, nói to: “Trúng số rồi bà con ơi… trúng… trúng độc đắc”, ai cũng rạng ngời.
Cầm trên tay tờ vé số, anh Bạch rà đi, rà lại mấy lần dãy số 606093, nhưng vẫn khôn tin mình trúng độc đắc và sở hữu số tiền cả tỷ đồng, điều mà nằm mơ cũng chưa dám nghĩ đến. Lấy tay véo má mấy lần, thấy có cảm giác đau, anh Bạch mới dám hô to: “Trúng độc đắc rồi”. Không chỉ anh Bạch, chiều hôm đó, nhiều người dân ở ấp Tân Lộc cùng chung niềm hân hoan, hồi hộp như anh. Cái tin hàng chục người ở xã Tân Phúc trúng vé số, nhanh chóng lan ra, ai nấy cũng bàn tán xôn xao. Người mừng ra mặt, người tiếc hùi hụi… Từ dạo đó, cuộc sống của những người nông dân chân đất bỗng chốc đổi đời nhờ “lộc trời”.
Thoát nghèo, làm giàu!
Anh Nguyễn Quốc Danh, Trưởng Công an xã Tân Phú phấn khởi: “Trước đây, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng thanh niên tụ tập đá gà, quấy rối trật tự công cộng. Sau này, nhiều người trúng số, có tiền và ý thức được việc làm ăn, mua đất làm ruộng thoát nghèo”. Nhiều người trúng độc đắc, sở hữu số tiền lớn trong tay, vung tiền ăn chơi, tiêu xài phung phí rồi cũng có ngày khánh kiệt, cái nghèo vẫn tiếp tục đeo bám. Ý thức được chuyện đó, sau phút hoan hỉ nhờ “lộc trời”, những người nông dân ở Tân Phú nhanh chóng quay lại cuộc sống thường nhật. Nhiều gia đình sử dụng số tiền “trời cho” một cách hiệu quả, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Có tiền họ mua đất, tự làm chủ trên mảnh ruộng của mình, tạo ra của cải nuôi sống gia đình, chứ không phải đi làm thuê kiếm sống.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Bạch hồ hởi kể: “Trúng số rồi, vợ chồng tui vừa sung sướng nhưng cũng rất hồi hộp và có chút lo lắng”. Hồi hộp là vì chưa bao giờ cầm tiền chục triệu đồng chứ đừng nói đến chuyện sở hữu tiền tỷ. Đó là con số ngoài sức tưởng tượng với vợ chồng anh. Càng vui bao nhiêu, vợ chồng anh lại lo lắng bấy nhiêu. Không biết sẽ sử dụng số tiền này thế nào cho hiệu quả và sinh lợi bền lâu. Vợ chồng bàn tính, mua đất làm ruộng. Cha mẹ góp ý, rồi kinh nghiệm thấm thía từ những ngày đi mần mướn kiếm sống vợ chồng anh Bạch thầm nghĩ chỉ có mua đất làm ruộng thì mới giữ được được tiền. “Việc mua xe, xây nhà đẹp chỉ là phù du tức thời, đó là tiêu sản, không sinh ra tiền được. Chỉ có mua đất làm ruộng, mới sinh lợi vô hạn. Mà mai này lỡ cuộc sống khó khăn con cháu cũng chẳng phải lo toan đến chuyện cơm gạo. Có ruộng, có sức thì nai lưng ra làm mới có cái bỏ vào nồi nấu được”, anh Bạch nói chắc nịch.
Anh Hồ Văn Bạch với công việc thường ngày
Khi đó, nhiều người thấy anh Bạch tự nhiên trúng vé số, lại còn đi hỏi mượn tiền mua đất nên nghĩ anh bướng, muốn sống khác người và có ý châm học “sướng mà không biết hưởng”. Mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, vợ chồng anh vẫn quyết giữ nguyên ý định ban đầu. Anh kể: “Lúc đó, tôi nộp thuế cho Nhà nước, trả nợ trước đó, mua gạo chia lộc cho một số bà con nghèo trong xã, cho cha mẹ, anh em mình ở quê mỗi người một ít tiền thì chỉ còn một tỷ đồng. Thế nhưng, số đất 16.500m2 lại giá trị đến 1,1 tỷ đồng nên quay ra thiếu nợ. Tôi phải vay thêm 100 triệu đồng từ ngân hàng để bù vào”.
Còn chị Hạnh (24 tuổi, vợ anh Bạch) không giấu nổi niềm tự hào: “Có người nói ảnh dại. Có người nói ảnh khôn khi lấy tiền trúng vé số để làm kinh tế. Thấy chồng quyết ý, tôi thực sự rất vui”. Nhờ quyết định đúng đắn đó, từ thân phận ở đợ, đi làm thuê nay vợ chồng anh Bạch có thể đường hoàng canh tác trên chính mảnh ruộng do mình làm chủ. Còn những người dân ở ấp Tân Lợi khi kể về cảnh nghèo túng trước đây của anh Bạch và cuộc sống hiện ai cũng thán phục về nghị lực, ý chí làm ăn của anh nông dân chuyên xịt lúa mướn này. “Sau khi trúng số, thấy cuộc sống gia đình chúng tôi đầm ấm, có thêm đất đai, hai bên nội ngoại và người dân đến chúc mừng và động viên. Thấy cuộc sống đã ổn định, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm cháu nữa. Mai này tôi phân ra chúng mỗi đứa một cánh ruộng tha hồ cày cấy”.
Hôm chúng tôi đến, vợ anh cũng vừa sinh cháu gái thứ 3 được 20 ngày. Kinh tế gia đình đã khá hơn rất nhiều, không phải lo toan tiền bạc như trước nữa. Để minh chứng cho điều mình nói, anh Bạch dẫn chúng tôi ra bờ ruộng chỉ tay ra đám ruộng rộng mênh mông một cách tự hào. Sau hai vụ sản xuất, vợ chồng anh dư được khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này, vợ chồng anh đã mang trả bớt cho ngân hàng. Còn thiếu lại 40 triệu. Vợ chồng anh bàn tính, rồi quyết định cho người khác mướn lấy tiền trả nợ ngân hàng dứt điểm, để không phải đóng lãi hằng tháng.
Anh Bạch vui vẻ nói: “Qua mùa Tết này, vợ chồng tôi có thể canh tác trên mảnh ruộng của chính mình. Tất cả là nhờ số tiền của tờ vé số mà tôi trúng. Cũng nhờ ơn trời mà tôi có nhà mới, được làm chủ những đám ruộng mà bao năm mình phải đổ mồ hôi đi làm mướn. Được ăn hạt lúa dẻo thơm do chính mình chăm bón, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu không ai chửi bới và bớt xén như trước. Nhiều năm đi làm thuê cho người ta, tôi hiểu như thế nào là giá trị của người được làm chủ. Mua đất sau này cho mấy đứa nhỏ có với người ta. Đời mình đi mần mướn khổ dữ lắm”.
Không chỉ riêng gì vợ chồng ông Bạch, từ ngày trúng độc đắc, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Ngô cũng khấm khá hơn rất nhiều. Bà Đặng Thị Mến (65 tuổi, vợ ông Ngô) bộc bạch: “Hồi trước khổ quá. Nhà có 5 công đất, nhưng làm quài không có tiền trả nơ. Đến mùa lúa, hai vợ chồng đi cắt lúa mướn. Nhiều đêm tui bàn với ổng bán bớt công đất trả nợ. Nhưng bán đất lấy gì mần ăn. Vợ chồng ráng làm mướn trả từ từ. Nhà nghèo, rồi cũng có ai thèm ngó tới thằng Cọp (con trai bà Mến) đâu. Có tiền, rồi mới cưới được vợ cho nó đó chứ. Lúc trúng độc đắc tui mừng dữ lắm, vái trời phật! Vợ chồng động viên nhau ráng mần ăn, chứ hồi đó mà bán đất giờ có nước bỏ xứ về quê”.
Trúng vé số được 1,5 tỷ. Vợ chồng ông Ngô mang tiền đi trả nợ ngân hàng, sửa lại mái nhà dột, mua liền 8 công đất ruộng để trồng lúa, còn một số dư đem gửi ngân hàng lấy lãi. Anh Ngô Văn Cọp (con trai ông Ngô) cũng bớt tụ tập đi chơi với bạn bè mà tập trung phụ cha mẹ làm ăn. Anh Cọp nói với giọng chắc nịch: “Tiền trúng số là tiền “trời” cho, mình phải biết cách sử dụng, nếu không sẽ dễ bị “bốc hơi”. Bởi vậy, nhà tui mua đất làm nền tảng, vừa tạo kế sinh nhai cho mình, còn có cái để dành cho con cháu sau này nếu có nghèo còn có đất để sản xuất…”.
Với suy nghĩ đó, từ chỗ nghèo khó, nay nhiều người dân ở Tân Phú thoát nghèo, vươn lên làm giàu trở thành ông chủ với những đám ruộng đầy hứa hẹn. Đó cũng là quả ngọt cho những ai biết sử dụng những đồng tiền từ của “trời cho” một cách đúng nghĩa và có hiệu quả. “Có nhiều người trúng vé số, có tiền tỷ trong tay nhưng sau này vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nó là con dao hai lưỡi, nếu mình không cẩn thận dễ “đứt tay”. Quê tôi có nhiều người bị rồi. Sau khi trúng số, họ ôm tiền trăm, bạc tỷ trong tay tưởng thế đã giàu nên thỏa chí ăn chơi, bỏ bê ruộng đồng. Khi họ sực tỉnh thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Khổ nhất là mang theo cái thói ăn chơi sa đọa. Lúc có tiền thì coi thường người khác, ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Thậm chí bán cả ruộng đồng để ăn chơi vì nghĩ mình đã đủ tiền sống đến già. Khi sa cơ, không còn ruộng nữa, họ chẳng biết làm gì để sinh nhai. Đó là bi kịch của người thiếu suy nghĩ”, anh Bạch triết lý.