Tâm sự chua xót của Khánh Thi ngày Nhà giáo Việt Nam

Là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi kiêm luôn cả nghề giáo, Khánh Thi cũng đã được trải qua mọi niềm vui, nỗi buồn của công việc "trồng người".

Nữ hoàng dancesport chia sẻ: "Dạy kiến thức đã khó, dạy nghệ thuật có lẽ còn khó hơn nhiều. Đây là một bộ môn cảm tính, nên sự truyền đạt và tiếp thu cũng phải tùy thuộc vào nhận thức, sự cảm ngộ của mỗi người. Chưa kể, đây còn là một nghề có thể đào tạo ra những ngôi sao..."

Là cô giáo kiêm luôn người giúp việc.

Trong nghề dancesport, việc ra nước ngoài tập huấn, nâng cao trình độ phải diễn ra khá thường xuyên. Có những lúc tôi phải tạm từ bỏ câu lạc bộ, bỏ học viên, bỏ showbiz để dẫn các học viên ưu tú sang nước ngoài học tập. Những lúc đó, tôi đi bằng tiền túi của mình, thậm chí chi phí sinh hoạt cũng phải chia đều. Nhưng tôi không ngại, bởi chỉ cần các em thành công cũng đã là quá đủ.

Đôi khi tôi cứ nghĩ có lẽ tại mình yêu nghề quá, không ngại hi sinh quá nên cuối cùng, mình lại nhận về rất nhiều thua thiệt. Tôi đã từng khóc cùng các em khi học trò của mình chịu thiệt thòi, thức trắng thâu đêm để khâu áo, đính đá, thiết kế để các em có quần áo đẹp lên sàn diễn.

Thậm chí, còn có những lúc tôi giống hệt như người giúp việc, cầm nước, cầm khăn, la ó thay cho cổ động viên trong mỗi lần đi thi đấu nước ngoài. Học trò đi đến đâu, tôi phải lo lắng và quan tâm tới đó, từ chuyện sức khỏe, tinh thần cho tới cả việc đi chợ nấu ăn cho các em cũng đến tay mình. Tất nhiên, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của một người thầy, người cô, nhưng đôi lúc tôi cảm thấy thất vọng và suy sụp khi những gì mình bỏ ra đã nhận lại không ít điều tệ hại.

Tôi từng nuốt nước mắt vào trong, cố tỏ ra mạnh mẽ để gánh lấy những lời xỉa xói đến từ phụ huynh học trò, khi họ chỉ thẳng tay vào mặt tôi và hét lên rằng tôi là loại ác nhân, thất đức, không phải là con người. Những lời lẽ ấy đối với tôi còn nặng nề hơn cả một vết đâm, bởi vết thương ngoài da còn có thể lành, còn những thương tổn trong tâm hồn, sự tự trọng thì chẳng bao giờ bình phục nổi.

Giáo viên showbiz không phải chuyện dễ dàng.

Làm nghề giáo đã khó, làm giáo viên trong một môi trường nghệ thuật, đầy rẫy những cạm bẫy của sự nổi tiếng, danh vọng, huy chương lại càng khó hơn nhiều. Tình nghĩa thầy trò cũng mong manh hơn nhiều lắm. Tôi từng bật khóc chẳng ít lần, cũng chỉ vì trót mang vào mình nghiệp dạy dỗ học trò.

Nghề này có nhiều sự uất ức chỉ có thể giải tỏa bằng nước mắt, ví dụ như khi học trò dạy mãi không thuộc bài, nhảy sai nhạc hoặc thiếu đi cảm xúc. Những cái này mình không thể truyền đạt hoàn toàn được, mà còn dựa vào cảm nhận, sự tinh tế của học trò. Thế là lại ... tuôn nước mắt bởi vì cảm thấy mình bất lực, không thể san sẻ với học trò những gì mình có.

Những những lần bị "ức" đó chẳng thấm tháp là bao khi đối diện với sự mong manh của tình nghĩa thầy trò. Dancesport không thể giấu nghề, và trước khi dạy dỗ tôi cũng chỉ có thể đặt niềm tin vào những người từng được mình dìu dắt. Nhưng có những học viên sau khi được truyền nghề lại mở ngay câu lạc bộ để cạnh tranh với chính cô...

Rồi cả những lúc uất ức vì học trò thi đấu không có giải, bị chèn ép hoặc chịu thiệt thòi. Phụ huynh không hiểu, không thông cảm, thậm chí còn nghi ngờ, trách móc chuyện mình thiên vị hay giấu nghề. Những lúc đó, thực sự chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, bởi làm sao nói cho họ hiểu được đây?

Học trò dancesport và những câu chuyện buồn, vui

Trong nghề của tôi, thầy có nổi tiếng thì trò mới theo học. Học trò theo mình bởi hai lý do: Một là khát khao nổi tiếng như cô, hai là nể phục khả năng của mình và thật lòng muốn theo để học. Tôi sợ nhất là chuyện bị lầm lẫn giữa mục đích theo học của các học trò.
Tâm sự chua xót của Khánh Thi ngày Nhà giáo Việt Nam

Theo học nghề này, các em dễ bị ảo tưởng, tác động bởi ánh hào quang, bởi danh tiếng và cả những phù phiếm của showbiz lắm. Không ít học trò bị mơ mộng, nhìn cuộc sống màu mè và đơn giản quá, bởi các em nhìn bằng đôi mắt của những người làm giải trí. Thậm chí, có cả những học trò không ngại đánh đổi bằng các chiêu trò trơ trẽn để tiến thân, mà quên mất rằng khi cái gốc không có, các em chẳng thể nào đứng vững trước bão gió cuộc đời.

Nghề của tôi không chỉ dạy kỹ thuật, không chỉ dạy chiêu, mà còn cả kinh nghiệm cuộc sống và cách đối nhân xử thế. Tiếc là vế thứ hai này, có những học trò chẳng mấy thiết tha.

Những điều này tôi chưa từng dám nói. Mình cũng là một người của công chúng, không thể mỗi lần học trò hư, học trò "phản lại" mình lại một lần lên báo. Chưa kể tới sự kỳ vọng quá lớn, sự nôn nóng của không ít phụ huỵnh cũng góp phần không nhỏ biến học trò trở thành "người xa lạ". Thay vì chuyên tâm học hành, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm sống, không ít học trò chọn "con đường tắt" chiêu trò, bạc tiền để tấn công vào showbiz Việt. Tôi cũng đã từng nói rồi: Trò phản thầy không đau bằng thầy mất trò! Đối với tôi, có những học trò tôi coi như đã mất, ngay sau khi họ chọn con đường tắt để mà đi...

Nỗi chua xót của giáo viên nghệ thuật

Khánh Thi tự tay khâu áo thi đấu cho học trò

Giáo viên văn hóa ngày 20/11 sẽ được rất nhiều học sinh nhớ tới, rất nhiều học sinh đến thăm hỏi, tặng hoa. Giáo viên nghệ thuật thì có lẽ không như vậy. Đôi khi, mình ngậm ngùi khi họ lãng quên mình, nhưng cũng đành chấp nhận. Giảng dạy nghệ thuật không giống như giảng dạy văn hóa, không phải ngồi nói hàng giờ hay thị phạm hùng hục trên sàn nhảy mới là dạy. Đôi khi chỉ một câu nói góp ý, một lần truyền đạt cảm nhận, một lần khai mở cho học sinh về sự tinh tế cũng đã là dạy học rồi.

Những câu nói, những lần truyền đạt ngắn ngủi ấy có thể phải đánh đổi bằng hàng tháng trời nghiên cứu, theo dõi và đúc kết lại. Nhưng có lẽ, do thời gian quá ngắn ngủi và cách mình nói ra quá dễ dàng, nên có những học trò không hiểu nổi thứ họ nhận được quý giá hay không. Có cả những học sinh thản nhiên "bật lại" rằng: "Có lên lớp đâu mà nói là dạy?" Những lúc đó, thật sự mình cũng chỉ biết cười trừ, bởi khi trong lòng họ đã không có một cô giáo như mình, mọi lời giải thích chỉ là thừa thãi.

Ánh hào quang của nghề cũng là điều đáng sợ nhất, bởi nó dễ cướp đi học trò, những đứa con tinh thần mà mình tự tay nhào nặn kể từ lúc chúng chập chững bước vào nghề. Lúc vinh quang, trò quên thầy cũng là chuyện thường tình. Khi người ta hỏi bạn đã làm gì để đi tới với thành công hôm nay, trò sẽ trả lời tất cả những khó khăn đều được em một mình trải qua. Để người hâm mộ thấy rằng em phi phàm, em xuất sắc và rồi em cũng sẽ được ca tụng, ngợi khen như một ngôi sao.

Nhưng cũng có những lúc phải có kèm cái tên cô bên cạnh mới có thể biết em là ai, lúc đó mới nguệch ngoạc ghi vội cái tên "cô giáo" vào bên cạnh cho đủ chỗ, đủ để người ta biết em đến từ đâu. Những điều đó giống như con dao thật sắc, cắt vào cơ thể mình những vết thương nham nhở và rất khó lành.

Hy sinh hạnh phúc riêng vì yêu nghề

Tôi không dám tự hào về điều gì, nhưng dám hãnh diện mà nói rằng tôi đã sống hết mình cho công việc dạy dỗ học trò.

Tất nhiên, bên cạnh những chua xót, bên cạnh nước mắt vẫn còn có những ngọt ngào, những nụ cười và cả hạnh phúc, đủ để tôi thấy những gì mình bỏ ra không uổng phí. Tuổi thanh xuân của tôi cũng đã phải hi sinh cho công việc, cho việc đào tạo học trò, đến lúc nhiều khi mình giật mình thấy hiện tại vẫn chẳng có ai bên cạnh.

Đôi khi tôi cũng tự thấy buồn cười, bởi cái mình bỏ ra không ít, nhưng nhận lại thật ra là điều gì? Tôi phải đánh đổi cả danh dự của mình, khi làm huấn luyện viên "thời vụ" cho chính đội tuyển quốc gia. Giờ này tôi vẫn làm huấn luyện viên cho nhà nước, những một bên vẫn đào tạo học trò tham gia nghệ thuật. Cứ nửa năm được gọi vào làm huấn luyện viên đội tuyển gốc gia, thấy tôi tham gia hoạt động gì đó thì lại đuổi. Năm nào tôi cũng ra ra vào vào như cơm bữa, đến mức tôi phát nản. Thú thật, nếu không vì nặng nghiệp với chuyện dạy dỗ học trò, tôi đã bỏ cái danh huấn luyện viên ấy từ rất lâu rồi...

Tôi vẫn cứ nghĩ rằng mình chỉ cần nhiệt tình dạy dỗ các học trò, đào tạo các em thành những vận động viên giỏi, mang vinh quang về cho tổ quốc cũng đã là quá đủ rồi. Bỏ qua được những cạnh tranh, những sân si, học trò của tôi vẫn đang ngày một trưởng thành và lớn mạnh, như vậy cũng quá đủ rồi. Tôi cũng nghĩ đó mới chính là vinh quang thực sự của nghề giáo viên, chứ không phải danh vọng, danh hiệu hay bất cứ điều gì khác. Đó cũng là những điều an ủi tôi, giúp tôi vững tin hơn trên con đường mà mình đang lựa chọn.