Cõng hoài, cõng riết suốt mấy chục năm như thế nên cái lưng bà ngày càng còng xuống. Đoạn cuối đời, ông chỉ mong được “hạ độ cao”, mong đổi được “cái tổ chim giữa giời” lấy căn nhà dưới mặt đất để vợ già thôi phải “nín thở lên gồng” mỗi khi muốn đưa chồng đi loanh quanh đâu đó. Ông là Nguyễn Quang Vinh, 62 tuổi, thương binh hạng ¼, nhà ở 203 - C6 – Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hơn 20 năm “sống trên lưng vợ”
Ông Vinh người quê gốc Tân Kỳ, mảnh đất “Vực rồng” nơi miền tây xứ Nghệ. Dù an cư lạc nghiệp ở đất thủ đô đã mấy mươi năm, nhưng khí chất xứ Nghệ trong con người ông vẫn đằm sâu lắm, kiên cường và quả cảm, khảng khái và mực thước. Chả thế mà bao người khuyên ông bán căn nhà trên tầng 2 do nhà nước cấp đi, rồi lấy tiền mua lấy mảnh đất ở cho thuận tiện, nhưng ông nhất định không nghe. Ông bảo, mình là thương binh, là người nhà nước, ăn cơm nhà nước, ở nhà nhà nước cấp thì cái việc mua đi bán lại tuyệt không thể tự mình quyết định. Thế cho nên mới có chuyện suốt hai chục năm nay, ông đội đơn đi xin đổi nhà…
Ông sinh năm 1952, lớn lên đúng lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào hồi cam go, khốc liệt nhất. 16 tuổi, ông làm đơn xung phong đi bộ đội. Do thiếu tuổi nên phải nằn nì, “nhờ vả” mãi ông mới được ra chiến trận. Cuối năm 1968, sau khi trải qua mấy tháng huấn luyện, ông được điều thẳng vào Cục R. Sáu năm sau, ông bị thương với thương tật 91% trong chiến dịch Sài Gòn – Gia Định. Vết thương cột sống quái ác đã khiến ông vĩnh viễn bị liệt mất đôi chân, phải gắn bó phần đời còn lại với xe lăn.
Suốt những năm sau đó, ông “lăn” từ trung tâm điều trị nọ đến viện an dưỡng kia. Mỗi khi trái gió trở giời, vết thương cũ lại hành ông ghê gớm. Ông bảo, nhiều lúc nghĩ tiêu cực, ông cũng muốn tìm cách “theo các cụ về với cõi xa xanh”. Bởi lúc bị thương, ông mới ngoài hai mươi tuổi. Đương trai tráng, sức vóc là thế mà tự dưng phải nằm bẹp một chỗ, đến ngay cả cái việc đi lại, ăn uống rồi vệ sinh cũng phải nhờ người giúp, ông ngẫm nó khổ quá chừng. Thế nhưng lúc bình tâm lại, ông cũng thấy mình may mắn. So với rất nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường, ông đã “lãi cả cuộc đời”.
Thế rồi số phận đưa đẩy, ông gặp bà Đỗ Thị Phương Loan (SN 1962), người trở thành vợ của ông bây giờ. Lúc ấy, bà là cô nhân viên của cửa hàng bách hóa ở gần công viên Thống Nhất. Trong những lần hiếm hoi được Trại an dưỡng đưa lên Hà Nội đi tham quan, vãn cảnh, ông Vinh đã làm quen được với bà. Rồi cũng chỉ vì muốn bù đắp, muốn chia vơi những đớn đau, mất mát, hờn tủi mà chiến tranh tàn khốc đã gieo lại cho những người lính như ông Vinh, bà đã lặng lẽ “khăn áo” theo ông. Cưới nhau xong được ít lâu, cuối năm 1989, bà đón ông từ Trại an dưỡng về nhà mình ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) để tiện bề chăm sóc.
Đến năm 1990, ông Vinh được cấp nhà. Âu đó cũng là việc làm hết sức ý nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với nước như ông Vinh. Thế nhưng, oái oăm ở chỗ, căn hộ ông được cấp lại nằm trên tầng 2 của Khu tập thể Nghĩa Tân. Đối với những người bình thường thì không sao, thậm chí đứa trẻ lên ba cũng có thể “nhảy chân sáo” qua mấy bậc cầu thang, nhưng đối với người liệt “chuột cắn nát mười đầu ngón chân, máu chảy lêu lao không biết” như ông Vinh thì cái việc di chuyển xe lăn lên tầng 2 mà không có rãnh trượt nó chả khác nào chuyện … lên giời. Thế là mỗi bận có việc gì dưới tầng một, ông lại phải nhờ vợ cõng.
Nhiều lúc muốn chồng khuây khỏa, bà lần lượt cõng cả người lẫn xe xuống cầu thang rồi để ông tự lăn đi dạo. “Lăn” chán, ông “bò” về đến cầu thang thì ngoái cổ lên cái “tổ chim” mà gọi vợ. Suốt mấy chục năm hì hụi, “nín thở lên gồng” để cõng chồng như thế, cái lưng bà Loan ngày càng còng xuống. Bà mới ngoài năm mươi tuổi, cái tuổi chưa thể gọi là già. Thế nhưng tháng năm lam lũ đã bào mòn xuân sắc, trông bà chả khác gì người sắp “khua gậy bước vào hoàng hôn”.
Tâm nguyện lúc cuối đời
Ông Vinh bảo: “Nhìn bà ấy tôi thương lắm! Không phải “cành vàng lá ngọc”, nhưng cũng con nhà danh giá, ấy vậy mà “bập” vào tôi xong cả đời bà chả được thơi thoáng phút nào. Nhà có 5 người thì đến 3 người bệnh, ngoài tôi ra, hàng ngày bà ấy còn phải chăm sóc cho đứa con thứ hai nhiễm chất độc da cam và ông bố chồng già yếu. Ông cụ giờ cũng hơn trăm tuổi ngơ ngẩn, nghễnh ngãng, nói cười vô thức. Mọi việc từ ăn ngủ, đi lại, tắm rửa vệ sinh của ông cụ đều một tay vợ tôi phải lo chu tất. Cơ cực của bà ấy cũng chỉ đến thế là cùng!”.
Một thân già “hầu” ba thân bệnh, nhà “vắt vẻo lưng giời”, chưa hết cảnh phải cõng chồng, cõng con, giờ bà Loan lại phải cõng thêm cả người cha gần đất xa trời mỗi khi ông cụ có nhu cầu… xuống đất. Thế cho nên, tâm nguyện cuối đời của vợ chồng bà là đổi được căn hộ trên tầng 2 xuống tầng trệt để tiện bề sinh hoạt. Tính từ năm 1992 đến nay, ông Vinh đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để ngõ hầu tìm lối thoát, nhưng tất cả đâu vẫn vào đấy. Thậm chí, đầu năm 2007, đích thân Chủ tịch nước cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội, rồi UBND TP Hà Nội lại có Công văn số 1642, ký ngày 29/3/2007, yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội tìm cách tháo gỡ khó khăn cho vợ chồng ông Vinh, nhưng tất cả lại chìm vào quên lãng.
Ngoài chăm chồng, chăm con, hàng ngày bà Loan còn phải chăm sóc cho bố chồng hơn trăm tuổi.
“Lúc đó, vợ chồng tôi vui lắm! Cứ ngỡ đã có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước đàng hoàng thì chuyện gia đình tôi được chuyển từ tầng 2, xuống tầng trệt để sinh sống chỉ ngày một ngày hai, thế nhưng đợi mãi vẫn không thấy có kết quả gì. Đời người như bóng câu qua cửa, chả biết đến khi chết ông Vinh nhà tôi có được đường đường, chính chính mà “xuống đất” hay không?”, bà Loan ngậm ngùi.
Cuối năm 2007, cực chẳng đã, bà Loan đã phải “cõng” chồng xuống trú nhờ căn hộ ở tầng một, số nhà 117 – M2, Huỳnh Thúc Kháng. Gọi là nhà chứ lúc bấy giờ đó chỉ là căn phòng bỏ trống, không người ở, cỏ dại mọc tơi bời. Bà phải mất mấy ngày giời nhổ cỏ, nhặt ống tiêm, rồi quét dọn sơn sửa nó mới ra dáng cái nhà. Từ đó, cuộc sống của gia đình bà cũng bớt phần cơ cực. Thấy hợp tình hợp lý, vợ chồng bà đã nhiều lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin đổi căn hộ 203 - C6 - Khu tập thể Nghĩa Tân, lấy căn hộ 117 – M2 – Huỳnh Thúc Kháng, nhưng suốt 6 năm trời, các cơ quan chức năng mỗi khi nhận được đơn thì họ lại “đẩy” đi hết Sở này đến ban, ngành khác.
Ông Vinh bảo: “Tôi già rồi không nói làm gì, chỉ thoáng chốc thôi cũng hóa cỏ xanh. Thế nhưng còn bố mẹ già, còn vợ, còn con, họ đã phải chịu quá nhiều hy sinh, mất mát, đau khổ lắm rồi. Tất cả chỉ từ cái ốm đau, bệnh tật của tôi mà ra hết. Giờ chỉ mong các cấp, các ngành xét đến hoàn cảnh mà chiếu cố đổi cho xuống tầng một thì tôi nhắm mắt cũng an lòng!”.
Tâm nguyện của người thương binh ấy không chỉ nhận được sự cảm thông chia sẻ của bà con lối phố, mà ngay cả trong Công văn số 208/XNĐĐ-QL, ký ngày 15/10/2012, gửi các cơ quan chức năng của Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Đống Đa, đơn vị quản lý Khu nhà tập thể 5 tầng M2 – Huỳnh Thúc Kháng, cũng kiến nghị rằng: Ông Nguyễn Quang Vinh là thương binh loại đặc biệt, thường xuyên ốm đau do vết thương từ thời chiến tranh tái phát nên việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Đống Đa xét thấy, việc giải quyết nguyện vọng xin được đổi nhà của ông Vinh là thiết thực, phù hợp với chính sách đền ơn, đáp nghĩa và ưu đãi người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay…
Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo, UBND TP Hà Nội có văn bản giao cho các sở ban ngành xem xét và thực hiện, đơn vị quản lý nhà M2 chấp thuận, mọi chuyện tưởng như đến đây là ngã ngũ, ước nguyện cuối đời của người thương binh nặng Nguyễn Quang Vinh sẽ thành sự thật, thế nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ… Phải chăng, tất cả sự chậm trễ đó khởi nguồn từ thói vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh, đến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong vụ việc này không chỉ làm mất lòng tin của người dân, mà nó còn đi ngược lại với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.