Cách đây 1 năm, thị trường kỳ vọng sẽ có những ngân hàng được tái cơ cấu bằng nguồn vốn ngoại khi Nghị định 01 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam được ban hành.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 01 ra đời để hoàn thiện khung pháp lý cho GPBank bán 100% cổ phần cho UOP (ngân hàng của Singapore) đã được triển khai từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, tình huống đã có nhiều thay đổi. GPBank đã không còn gả bán cho UOB mà đang muốn sáp nhập vào một ngân hàng nội.
Dè dặt với vốn ngoại
Trước diễn biến này, đã không ít câu hỏi đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu, mà trọng tâm là tại sao cơ quan này không tạo điều kiện thêm nữa để thu hút nguồn lực ngoại vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng? Nếu có nguồn lực này, quá trình tái cơ cấu sẽ nhanh hơn và nền kinh tế cũng không lo bị lỡ mất cơ hội phục hồi tăng trưởng?
Tuy nhiên, ở vai trò là nhà quản lý, cách nhìn cũng phải toàn diện hơn, nên không thể vì cái ngắn hạn trước mắt mà mất đi cơ hội trong dài hạn.Với vai trò là huyết mạnh của nền kinh tế, các ngân hàng nội cần phải lớn mạnh đủ để điều tiết dòng vốn chứ không phải là một tổ chức tài chính nước ngoài nào. Bởi vậy, nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải làm thế nào để có được một vài ngân hàng đủ sức vươn tầm khu vực. Có lẽ vì thế mà Ngân hàng Nhà nước không quá trông chờ vào dòng vốn ngoại.
Có thể thấy rõ động thái này của Ngân hàng Nhà nước khi phân tích trường hợp GPBank, hay ABBank. Với GPBank, thông tin về việc bán 100% cổ phần cho UOB đã xuất hiện từ đầu năm 2012. Tuy nhiên, sau 3 năm đàm phán, thương thảo, thương vụ này đã không đi đến hồi kết mà mỗi người chọn cho mình một hướng rẽ khác.
Hay như chỉ đạo của Chính phủ về việc EVN dừng bán đấu giá cổ phần của ABBank. Động thái này cho thấy Chính phủ không muốn bán cổ phần ngân hàng với mức giá thấp, trong khi trị giá của nó sẽ còn lớn hơn thế gấp vài chục lần khi kinh tế phục hồi. Hơn nữa, với EVN, việc thoái vốn là cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá.
Được biết, ABBank có mong muốn được bán cổ phần cho đối tác nước ngoài với tỷ lệ khoảng 49%. Thị trường dự đoán đối tác quan tâm là MayBank, một cổ đông lớn đang sở hữu 20% cổ phần của ABBank. Nếu như được nâng tỷ lệ sở hữu cho đối tác nước ngoài, có thể MayBank được mua số cổ phần mà EVN đang nắm giữ của ABBank. Tính đến 30/6/2014, EVN đang nắm giữ khoảng 14% tại ABBank.
“Tại sao?” Đấy là câu hỏi mà thị trường quan tâm và cũng chưa có một câu trả lời chính thức nào từ cơ quan quản lý. Nhưng có thể hiểu, một trong những nguyên nhân chính khiến thương vụ này không thành công đó là giá bán. Với người mua, đương nhiên giá càng rẻ càng tốt, nhưng người bán thì hy vọng được giá cao.
Muốn có ngân hàng vươn tầm khu vực
Có một thực tế, dù chưa ngân hàng trong nước nào thừa nhận, nhưng các ngân hàng ngoại vào Việt Nam đã âm thầm chia nhau và chiếm lĩnh thị phần về việc tập trung tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, cá nhân, thậm chí cả các Chính phủ trong và ngoài nước với nhiều loại hình cấp vốn như IPO, M&A, quản lý danh mục đầu tư…
Điển hình như Standard Chartered và Societe Generale Corporate & Investment đã hỗ trợ Masan Consumer phát hành thành công trái phiếu trị giá 2.100 tỷ đồng tháng 12/2014. Hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp lớn, như Vingroup, HAG… cũng phối hợp với ngân hàng đầu tư của quốc tế để phát hành trái phiếu.
Hay như HSBC, Standard Chartered và Deutsche Bank đóng vai trò là tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD cho Chính phủ Việt Nam với lãi suất khá thấp hồi tháng 11/2014…
Hay như một số ngân hàng như HSBC, ANZ, CitiBank… cũng tập trung đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, nhắm đến nhóm khách hàng có thu nhập cao và triển vọng. Tính đến thời điểm này, có thể nói những ngân hàng ngoại đã chiếm lĩnh được thị phần nhất định trong mảng bán lẻ.
Bởi vậy, việc xây dựng một vài ngân hàng “nội” vươn tầm khu vực là việc không thể không làm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Vietcombank muốn trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, không còn con đường nào khác là phải tham gia quá trình sáp nhập, tái cơ cấu cùng với Ngân hàng Nhà nước.
“Tham gia đợt này, các NHTM lớn, kể cả Vietcombank, không mất mát gì. Các ngân hàng chỉ phải bỏ công sức, uy tín, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo, còn cơ chế chính sách Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứ để làm sao các NHTM không bị thua thiệt”, Thống đốc khẳng định.
Về vấn đề này, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc xử lý những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng, chúng ta có phương thức riêng, dựa vào đặc thù riêng của hệ thống, thể chế cũng như văn hóa riêng của Việt Nam để có lối đi riêng.
“Theo đó, ngân hàng mạnh có thể giúp được ngân hàng yếu kém, ngân hàng lớn có thể trợ giúp ngân hàng yếu kém. Bài học này chúng ta đã làm và đã rút được nhiều kinh nghiệm thành công trong giai đoạn năm 2000”, ông Ngoạn phân tích.
Ông Ngoạn cho biết thời điểm năm 2000 khi tái cơ cấu ngân hàng thì hơn 10 ngân hàng đã rút khỏi hệ thống bằng phương thức này.
“Cách làm này cũng được các TCTD quốc tế đánh giá cao và được đưa vào là kinh nghiệm xử lý ngân hàng. Không có lý do gì chúng ta không thực hiện phương thức này trong điều kiện hiện tại khi đã có những kinh nghiệm thành công trước đây”, ông Ngoạn bình luận.
Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước muốn có những ngân hàng lớn, vươn tầm khu vực. Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, khi mà mức độ hội nhập của nền kinh tế ngày càng sâu, các ngân hàng nội buộc phải lớn mạnh cả về quy mô, năng lực quản trị, trình độ để thích nghi.