Lý do “phải ở nhà” được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích thật đơn giản, là “vì tránh áp lực từ phía dư luận cho các em, để các em chuyên tâm học hành và tập luyện thi đấu tốt hơn”.
Đúng là trong những ngày qua đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, trong đó nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ vì cho rằng việc cử đội bóng có Công Phượng, Tuấn Anh và đồng đội các em dự giải chỉ vì bệnh thành tích; hoặc những cầu thủ này đã tước đi cơ hội của các sinh viên khác...
Ba từ “bệnh thành tích” đã trở thành vấn nạn trong lĩnh vực thể thao của chúng ta, nên khi bị quy chụp 3 từ này, chính những người có trách nhiệm đã lo ngại.
Theo ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng vụ công tác học sinh sinh viên nói ngay rằng: “Đội bóng của Công Phượng, Tuấn Anh đi thi đấu chưa chắc thắng vì các đội khác cũng là đội trẻ quốc gia. Giải đấu này rất chất lượng, nên sẽ là giải đấu bổ ích để cầu thủ U.19 HAGL tích lũy kinh nghiệm trận mạc”.
Hơn nữa, trên thực tế, phát triển thể dục thể thao không chỉ duy nhất nhà nước đứng ra lo, mà việc xã hội hóa đang ngày càng trở nên phổ biến. Các cá nhân, tổ chức xã hội tham gia xã hội hóa khi đã tự bỏ ra nhiều tiền bạc, tâm huyết để đào tạo vận động viên, thì hẳn nhiên họ có quyền nhắm đến thành tích cao trong mỗi lần đưa quân đi tham gia tranh tài. Quả là rất bất công nếu cứ quy chụp họ cũng “mê” bệnh thành tích để rồi phản ứng, chê bai này nọ.
Cũng như việc đầu tư cho con cái học hành: Một khi đã dồn tâm sức đầu tư cho con thì thực tế mình cũng luôn mong cho con có thành tích cao trong học tập. Nói như ông bầu Đoàn Nguyên Đức, đi thi đấu mà không muốn thành tích thì đó mới là “bệnh” đáng lo ngại.
Nói đến chuyện tước quyền của các sinh viên khác lại là chuyện quy chụp. Nhìn nhận một cách công bằng, trước hết Công Phượng, Tuấn Anh và đồng đội các em đều là những sinh viên hệ chính quy thực thụ của Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM.
Cử đội tuyển sinh viên Việt Nam đi tranh tài thì đương nhiên phải cử những sinh viên đá bóng giỏi nhất. Nếu có các sinh viên khác đá bóng hay hơn Công Phượng, Tuấn Anh mà không được cử đi, thì lúc đó mới nói đến chuyện ưu ái này kia. Còn đằng này, Công Phượng, Tuấn Anh là những sinh viên tài năng nên họ hoàn toàn xứng đáng đại diện cho đội tuyển bóng đá sinh viên Việt Nam.
Vấn đề đáng nói ở đây từ trước đến giờ, xã hôi luôn kêu ca bởi VĐV thể thao không được học văn hóa, không biết cách hành xử nên xảy ra nhiều chuyện không hay trong thi đấu thể thao. Bây giờ, chúng ta lại có một đội ngũ cầu thủ, là những người được ăn học đàng hoàng, được đào tạo bài bản, nhưng lại tước đi quyền sinh viên chính đáng của họ, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể kêu gọi, hay nhân rộng mô hình vừa thi đấu vừa học văn hóa như các cầu thủ của HAGL?
Cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như theo kiểu gặp chăng hay chớ. Thấy dễ thì cho đi, còn gặp khó một chút thì cấm. Không thể cứ vin vào lý do “vì tránh áp lực từ phía dư luận cho các em…” để cấm cản, mà đáng ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, linh hoạt xử lý vấn đề một cách khả thi.
Phải chăng chúng ta đã quá khắt khe khi Công Phượng, Tuấn Anh và đồng đội các em là những vận động viên do doanh nghiệp đứng ra đào tạo, thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp?
Sẽ ra sao khi chúng ta từng nói đến “giấc mơ World Cup” nhưng mà chỉ với một giải bóng đá sinh viên tầm khu vực - nơi có thể phát hiện hoặc là cơ hội khẳng định của các cầu thủ, chúng ta lại ngăn cản, thì làm sao có thể nhân rộng phong trào bóng đá học đường vốn đã góp phần chấn hưng môn bóng đá như ở các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản?