Tại sao 'côn đồ xóm' có thể một mình hạ gục 3 cảnh sát?

“Công an chỉ còn cách tay không xáp tới, định tước quả nổ, song không ngờ đối tượng lận dao trong người rút ra kháng cự”, Đại tá Tiệp nói.

Sự việc 3 cảnh sát bị một đối tượng đâm trọng thương tại Quảng Nam khiến không ít người đặt câu hỏi phải chăng năng lực của lực lượng phòng chống tội phạm “có vấn đề”? PV đã tìm về địa phương để tìm lời giải đáp.

Gần 15 năm qua, lúc tỉnh táo Nguyễn Lực (SN 1970, ngụ làng Bích Tân, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) quằn quại với cơn đau tim, còn khi lên cơn tâm thần thì lao vào đánh đập vợ con. Vì không chịu nổi đòn đau, người vợ bỏ đi khiến Lực rơi vào tâm trạng sợ mất người thân. Cũng vì thế, khi người mẹ đang sống cùng, đi theo anh rể vào Sài Gòn chơi vài ngày, Lực nổi giận, mang quả nổ tự tạo xuống dọa cho nổ tung căn nhà.

Vác mìn tự chế dọa nổ tung nhà chị gái

Suốt cả ngày 5/3/2014 cho đến tối, không khí trong gia đình chị Nguyễn Thị Kim (SN 1968, ngụ làng Phú Hưng, xã Tam Xuân 1) lúc nào cũng ngột ngạt vì lời hù doạ “tui sẽ giết chết cả nhà chị” từ người em trai tên Lực. Đến khoảng 8h tối, Lực chạy thẳng xe máy đến nhà chị gái như lời đã nói, trên tay cầm quả thuốc nổ tự tạo xông vào bên trong la lớn: “Tui cho nổ tung căn nhà đây”. Nói xong, Lực cầm quả nổ đưa qua đưa lại, lấy bật lửa dọa châm ngòi.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng đã qua, chị Kim rùng mình kể, ban đầu mọi người cứ tưởng Lực đùa chứ làm gì có thuốc nổ mà gây án. Tuy nhiên, thấy Lực cứ huơ trước mặt một vật tròn, màu đen, ai nấy mới biết quả nổ, hốt hoảng tột độ. Chồng chị Kim vừa dẫn mẹ vợ đi vào TP.HCM thăm người thân, ở nhà chỉ còn toàn phụ nữ và trẻ nhỏ. Không biết làm cách nào, chị Kim đánh liều chạy lại khuyên em trai đừng làm bậy vì bên trong có trẻ con. Lực vẫn không nghe.

Nhận được tin cấp báo, một mặt công an xã cử lực lượng xuống hiện trường, một mặt nhờ thêm sự hỗ trợ từ phía Công an huyện Núi Thành. Tại hiện trường, hàng xóm biết chuyện kéo đến mỗi lúc một đông, cùng lao xao lên tiếng khuyên Lực buông quả nổ. Lực vẫn cương quyết không nghe. Ông Hồ Tăng, phó trưởng công an xã quyết định áp sát khống chế đối tượng, giật lấy quả nổ. Trong lúc giằng co, Lực rút dao thủ sẵn trong người đâm vào bụng ông Tăng.

Đám đông trở lên hỗn loạn. Vừa lúc hai chiến sĩ Nguyễn Lê Chinh và Trần Viết Anh (Công an huyện Núi Thành) có mặt, xông vào định khống chế cướp quả nổ, nhưng cũng bị Lực đâm rách áo và bị thương ở mông. Thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, kẻ gây án co chân bỏ chạy. Quyết không để đối tượng liều lĩnh trốn thoát, lực lượng dân quân xã truy đuổi quyết liệt. Đối tượng bị khống chế, bẻ quặt tay vài phút sau đó.

Thủ phạm mắc bệnh tâm thần?

Chị gái thủ phạm cho biết, trước khi xảy ra sự việc trên, sáng cùng ngày Lực đã đi xuống nhà chị cự cãi với lý do “sao chị để chồng chị dẫn mẹ vào Sài Gòn mà không cho tui biết. Mẹ phải ở nhà để tui chăm sóc”. Người chị kêu em về nhà nghỉ, cho biết mẹ chỉ đi vài hôm rồi về. Lực có vẻ bực bội, quay lại dọa dẫm: “Nếu chị để mẹ đi vào Sài Gòn thì tối ni tui đem mìn xuống cho nổ tung nhà, chết hết luôn”. Chị gái thủ phạm khẳng định, giữa mình và em trai từ trước đến nay chưa hề xảy ra cãi vã, ngược lại còn rất thương yêu, Lực thường đến nhà chị ăn uống.

Cũng theo người chị, Lực vốn bị bệnh tâm thần, đã có sổ chứng nhận của Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam, tháng nào cũng lên Trạm Y tế xã Tam Xuân 1 nhận thuốc về uống, còn được cấp tiền chế độ theo quy định.

Lực là con trai út nên từ nhỏ rất được yêu quý, cưng chiều. Đến năm 10 tuổi, Lực bỗng dưng có những biểu hiện của người tâm thần, hay nói năng bậy bạ, bỏ học đi thang lang không chủ đích. Thấy vậy, cả nhà mới mang Lực đi chữa chạy khắp nơi. Nhiều năm kiên nhẫn, bệnh tình Lực cũng thuyên giảm. Một thời gian tiếp theo, sức khỏe ổn định, Lực xin vào bộ đội.

Mới được nửa năm, căn bệnh tâm thần tái phát trở lại, đơn vị trả về địa phương. Gia đình tiếp tục đưa Lực đi điều trị. Đến khi khỏi bệnh, Lực lấy vợ sinh con. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài mấy sào ruộng ba mẹ để lại, Lực còn vào các bãi vàng ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) làm việc, kiếm thêm thu nhập. Nhưng oái ăm, chính những năm tháng lao lực này, căn bệnh tâm thần của Lực một lần nữa tái phát. Thêm vào đó, Lực còn bị trụy tim. Do điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh neo đơn “mẹ già, con dại” nên Lực chỉ đi thăm khám rồi nhận thuốc về uống “cầm chừng” chứ không có tiền vào bệnh viện điều trị.

Gần 15 năm như vậy, người đàn ông này lúc tỉnh thì ôm ngực quằn quại, lúc lên cơn thì quay ra đánh đập vợ con. Có lần, Lực đánh vợ đến dập lá lách, gãy tay, phải nằm viện hàng tháng trời. Hai đứa con (gái 12 tuổi, trai 11 tuổi) của Lực cũng vì thế mà đâm chán nản, không chịu đến trường, chỉ ru rú ở nhà phụ mẹ làm ruộng, kiếm cái ăn. Chưa hết, nhiều lần lên cơn, Lực còn tìm sang nhà chị gái quậy phá, đốt xe máy. Anh trai sống gần đó đến can ngăn, Lực cũng chẳng tha, đánh đến gãy tay. Trong cơn điên, Lực chạy về đốt luôn nhà mình khiến vợ con, mẹ già phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Dù rất thương chồng, nhưng đến nước này, người vợ cũng không chịu đựng được, đành dắt 2 con bỏ đi.

Chấp nhận thương tích để giữ an toàn tuyệt đối cho dân

Thương em trai, các anh chị lại giúp dựng nhà cho ở, còn có ý định đưa mẹ về nuôi để Lực khỏi bận tâm. Nhưng không hiểu sao, từ khi vợ con bỏ đi, Lực lúc nào cũng trong tâm trạng lo sợ bị mất người thân, cứ quấn lấy mẹ không rời. Cũng vì thế mà người mẹ muốn theo con rể vào Sài Gòn chơi, cũng phải lén lút, lựa lúc Lực còn ngủ, nửa đêm mở cửa đi. Đến khi dậy tìm không thấy mẹ, Lực mới “nổi cơn tam bành” và đã tìm lên nhà chị gây nên chuyện như đã nêu trên.

Theo lời chị gái thủ phạm, lúc gây án rồi bị công an khống chế, Lực cũng bị thương ở tay phải đưa đi cấp cứu, đến nay gia đình cũng chưa được gặp mặt. Tự nhận là “không hiểu biết nhiều về pháp luật”, người chị bày tỏ nguyện vọng: “Gia đình hi vọng cơ quan chức năng sớm xem xét bệnh tình của Lực mà thả cho về”.

Sau khi điều tra, cộng với kết quả giám định pháp y tâm thần, hiện tại Công an huyện Núi Thành đang tiến hành các thủ tục đưa đi điều trị bắt buộc đối với bệnh nhân tâm thần can án Nguyễn Lực vì có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội, nhưng không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Về quả thuốc nổ tự tạo của Lực, cơ quan điều tra cũng làm rõ, trong thời gian vào các bãi vàng, Lực được một “đồng nghiệp” tặng mang về nhà “để dành đi đánh cá”.

Trả lời PV, lý giải việc vì sao có đến 3 công an cùng bị đối tượng tâm thần gây thương tích, Đại tá Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng Công an huyện Núi Thành cho biết: Tình thế lúc đó đặt ra là phải lấy cho được quả nổ cùng chiếc bật lửa từ trên tay của đối tượng, không được để rơi vì sự an toàn tuyệt đối cho chủ nhà, người dân đứng xung quanh cũng như cả đối tượng. Công an có mặt tại hiện trường dù đã được trang bị roi điện nhưng không thể sử dụng bởi thủ phạm đang trong trạng thái điên cuồng. “Công an chỉ còn cách tay không xáp tới, định tước quả nổ, song không ngờ đối tượng lận dao trong người rút ra kháng cự”, Đại tá Tiệp nói. Như vậy, nói cách khác, các cán bộ chiến sĩ công an đã chấp nhận thương tích để đảm bảo an toàn chung cho người dân, chứ không phải vì năng lực phòng chống tội phạm “có vấn đề” như một vài ý kiến đặt ra.